Sữa Việt Nam

Mộc Châu Milk với nhiều tiềm năng tăng trưởng từ tham gia của Vinamilk

Sau quá trình tái cơ cấu tích cực, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - mã MCM) đang có những thay đổi toàn diện trong cả chuỗi cung ứng.

 Theo kết quả phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau quá trình tái cơ cấu tích cực, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - mã MCM) đang có những thay đổi toàn diện trong cả chuỗi cung ứng. 

 

Cụ thể, trong ngắn hạn, doanh nghiệp đang làm tốt việc tối ưu hoá chi phí sản xuất, cải thiện chính sách bán hàng và phát triển hệ thống phân phối để mang lại kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Trong trung và dài hạn, với sự đồng hành của doanh nghiệp sữa hàng đầu là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và kế hoạch đầu tư mở rộng lên đến 1.600 tỷ, BVSC cho rằng, dư địa tăng trưởng của Mộc Châu Milk còn rất lớn và dự báo công ty sẽ đạt mức tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm 11% về lợi nhuận trong 5 năm tới.

 

Kết quả kinh doanh quý III/2020 của Mộc Châu Milk khá ấn tượng với với doanh thu thuần đạt 2.142 tỷ đồng (+10% ) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 209 tỷ đồng (+67% ). Sau 9 tháng Mộc Châu Milk đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu thuần và vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm.

 

Các chuyên gia BVSC cho rằng, lợi thế của Mộc Châu Milk nằm ở chuỗi cung ứng khép kín. Vùng đất Mộc Châu (tỉnh Sơn La) được thiên nhiên ưu đãi ban tặng đất đai mầu mỡ, khí hậu ôn đới mát mẻ, là vùng đất hiếm hoi ở khu vực Đông Nam Á thích hợp để phát triển đàn bò sữa quy mô lớn. 

 
Theo các chuyên gia chăn nuôi của Mộc Châu Milk, nhiệt độ ở Mộc Châu chỉ dao động ở khoảng từ 9-24 độ C với độ ẩm trên 60%, giúp giảm năng lượng cần thiết cho hoạt động sống, nâng cao khả năng sinh sản và cho sữa của bò. Khi được nuôi ở nông trường Mộc Châu, bò chỉ sử dụng 50% lượng thức ăn cho hoạt động cơ thể, còn lại sử dụng để nuôi thai và cho sữa - con số này ở bò nuôi ở vùng nhiệt đới thường là 75%. 


Tuy nhiên, năng suất sữa của đàn bò Mộc Châu Milk hiện nay chỉ đang ở từ mức 22 lít/con/ngày, thấp hơn hai doanh nghiệp đầu ngành là Vinamilk và TH Truemilk. Theo Mộc Châu Milk, sự thiếu chọn lọc trong chăn nuôi là nguyên nhân chính dẫn tới năng lực cho sữa không đồng đều trong đàn bò. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi kết hợp với kinh nghiệm quản lý của Vinamilk, Mộc Châu Milk hoàn toàn có khả năng nâng cao năng suất sữa của đàn bò trong giai đoạn 2021-2022.

 

Ban điều hành do Vinamilk đứng đầu thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông và quảng cáo nhằm đẩy mạnh doanh thu cho Mộc Châu Milk. Vì vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng trên tổng doanh thu tăng gấp đôi lên mức 21% so với giai đoạn 2015-2019. Chẳng hạn, chương trình khuyến mại “Mua 12 tặng 1” cho hai dòng sản phẩm được ưa chuộng là sữa UHT và sữa chua uống, đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng doanh thu đầu năm 2020. 

 

Việc tận dụng hệ thống phân phối của Vinamilk cũng góp phần Mộc Châu Milk ghi nhận mức tăng 12% về doanh thu sữa. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh toàn ngành sữa ước tính đã giảm khoảng 4% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

 
Theo các chuyên gia BVSC, khả năng kiểm soát chi phí của Mộc Châu Milk được cải thiện rõ rệt sau khi Vinamilk tham gia vào quản trị, thể hiện qua việc lợi nhuận gộp biên 9 tháng/2020 đạt 28,9% (+75,6% ). Mộc Châu Milk đã tận dụng tốt vị thế doanh nghiệp lớn của Vinamilk trong việc đàm phán chất lượng, giá cả bao bì và các nguyên vật liệu đầu vào khác.

 

BVSC nhìn nhận, Mộc Châu Milk chưa tận dụng hoàn toàn được lợi thế về chuỗi cung ứng và thương hiệu, phần lớn do chưa được đầu tư hiệu quả trong thời kỳ cổ đông cũ. Sau khi có sự góp mặt của Vinamilk trong bộ máy quản trị, Mộc Châu Milk đã loại bỏ một số mảng kinh doanh không cốt lõi và đưa ra kế hoạch đầu tư và tái cấu trúc trong giai đoạn 2020-2024. 
Cụ thể, Mộc Châu Milk có kế hoạch xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con bò kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, nâng cấp trang trại hiện hữu lên quy mô 2.000 con bò; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước; xây dựng nhà máy chế biến sữa mới. 


Tới năm 2024, số lượng bò của Mộc Châu Milk dự kiến lên tới 40.000-50.000 con, gấp đôi với số lượng hiện tại. Các trang trại của Mộc Châu Milk sẽ được nâng cấp từ tiêu chuẩn Viet GAP sang chuẩn mực Global GAP, nâng cao chất lượng đầu vào cho Mộc Châu Milk. 

 
Về thị trường, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị phần sang thị trường miền Trung-Nam, đồng thời xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 thế giới. Dự kiến kế hoạch đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng, dựa trên nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu. Sau đó, nâng số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 66,8 triệu lên 110 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng. 

 

Sự đầu tư và đồng hành của Vinamilk được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trưởng lợi nhuận và nhận diện thương hiệu của Mộc Châu Milk trên toàn quốc, vượt trên mức tăng trưởng chung của ngành sữa trong giai đoạn 2020-2014. 

 

BVSC dự báo, giai đoạn từ nay đến năm 2024 tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm của Mộc Châu Milk sẽ đạt 9% (doanh thu của riêng mảng sữa là 10%, tương đồng với mức tăng trưởng trung bình ngành) và tăng trưởng lợi nhuận hàng năm là 11%.

 

Ngày 18/12, đã có 66,8 triệu cổ phiếu MCM với tổng giá trị đăng ký 668 tỷ đồng chính thức giao dịch và trở thành cổ phiếu thứ 905 trên thị trường UPCoM. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

 
Mộc Châu Milk hiện sở hữu đàn bò sữa hơn 2.000 con tại trang trại và 24.500 con thông qua việc liên kết với hơn 500 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa và có 3 trung tâm giống bò sữa, với quy mô đạt 2000 con bò giống sữa. Quy mô đàn bò của Mộc Châu Milk tăng trưởng trung bình 12 – 15 %/năm và năng suất bình quân đạt trên 25 lít sữa/con/ngày. Hoạt động kinh doanh chính của Mộc Châu Milk bao gồm: sản xuất, chế biến, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất, chế biến, và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; kinh doanh vật tư chăn nuôi và vật nuôi.

 
Các chuyên gia BVSC cũng cho rằng, ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh sữa Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa nước Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 986,1 triệu lít sữa tươi, chiếm 0,07% tổng sản lượng sữa thế giới; nguồn sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu nội địa.

 

Tuy tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, điều kiện kinh tế phát triển và nhu cầu dinh dưỡng đang là động lực thúc đẩy phát triển của ngành sữa. Nhu cầu tiêu thụ sữa bò tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2015-2019 và được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ luỹ kế hàng năm là 10% trong 5 năm tới.

 

Tuy nhiên, nhóm phân tích của BVSC cho rằng, Mộc Châu Milk cũng sẽ gặp một số rủi ro trong thời gian tới như cạnh tranh trong ngành sữa sẽ khốc liệt hơn. Thu nhập của người lao động giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chạm mức 2,26% khiến sự nhạy cảm về giá của người tiêu dùng tăng, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sữa và làm giảm quá trình cao cấp hóa sản phẩm của ngành đặc biệt là ở vùng nông thôn. 

 
Ngoài ra, tiêu thụ sữa thay thế như sữa hạt sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do xu hướng sử dụng các sản phẩm hướng tới sức khỏe, tuy nhiên quá trình tăng trưởng của sữa hạt cũng sẽ chịu áp lực của việc giảm thu nhập do ảnh hưởng của COVID-19. Năm 2020 vừa qua, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) được thông qua, vạch ra lộ trình xóa sổ thuế trong vòng 3-7 năm tới cho các sản phẩm sữa và từ sữa nhập khẩu từ châu Âu đang chịu mức thuế hiện tại là 15-30%. Dự kiến, sản phẩm sữa nội địa sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm nhập khẩu trong tương lai./.

Nguồn: Collect
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác