Sữa Việt Nam
Ngành bò sữa Việt đứng trước cuộc đua cạnh tranh thị trường

Vẫn phụ thuộc nhập khẩu
Chăn nuôi bò sữa hiện được xác định là một trong những ngành chiến lược trong “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mà Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu nâng tổng đàn bò sữa lên tối thiểu 650.000 con, đạt sản lượng sữa tươi khoảng 2,6 triệu tấn mỗi năm.
Đề án “Phát triển công nghệ giống vật nuôi đến năm 2030” cũng xác định rõ việc xã hội hóa toàn diện ngành bò sữa, giao vai trò chủ lực cho doanh nghiệp trong lai tạo giống bằng công nghệ cao, hướng đến tạo ra đàn bò chất lượng, thích nghi khí hậu và đáp ứng sản xuất lớn.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong 10 năm qua, tổng đàn bò sữa Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 4,6% mỗi năm, từ 228.000 con (năm 2014) lên khoảng 335.000 con (năm 2024). Sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng gần gấp đôi, với tốc độ tăng 8,4%/năm, từ 550.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các dự án đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp dẫn đầu ngành như Vinamilk, TH true Milk, Mộc Châu… với hệ thống trang trại công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Không chỉ góp phần vào tăng trưởng, các doanh nghiệp này còn thay đổi diện mạo của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa và bền vững.
Tuy nhiên, nghịch lý là mặc dù đầu tư mạnh, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng, khiến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn sản phẩm từ sữa. Tính riêng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa ước đạt 1,129 tỷ USD, tăng trưởng 3,6% mỗi năm trong vòng 8 năm qua. Chủ yếu là sữa bột từ New Zealand, Hoa Kỳ, châu Âu và Nga.
Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa bình quân của người Việt vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 27 - 28 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 100 lít/người/năm tại các nước phát triển.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi bò sữa Việt Nam - Hoa Kỳ” do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức vào ngày 16/4 vừa qua, ông Tống Xuân Chinh đã chỉ ra 7 thách thức lớn ngành này đang phải đối diện: Sản lượng sữa tươi trong nước thấp; Cạnh tranh thị trường; Cạnh tranh về giá; Chi phí marketing và xây dựng thương hiệu; Rào cản pháp lý, chính sách đất đai, môi trường chưa thống nhất; Biến động thị trường, giá nguyên liệu; Chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.
Để vượt qua những thách thức này, các chuyên gia khuyến nghị cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, trong đó ưu tiên hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi và doanh nghiệp đầu tư bài bản.
Trước hết, cần tập trung vào chọn tạo giống bò sữa chất lượng cao, thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam. Việc thành lập các chương trình giống quốc gia, ứng dụng công nghệ hiện đại như thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, cải thiện di truyền là rất cần thiết.
Hai là, chính sách đất đai cần được rà soát, điều chỉnh để tạo thuận lợi cho xây dựng các trang trại quy mô lớn. Cần đơn giản hóa thủ tục thu hồi, chuyển đổi, thuê đất, đồng thời kéo dài thời hạn thuê đất để đảm bảo tính ổn định cho đầu tư dài hạn.
Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi, đường giao thông kết nối, hệ thống điện, nước sạch… là điều kiện thiết yếu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và duy trì hoạt động liên tục.
Về mặt tài chính, cần xem xét các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế, thậm chí trợ giá đầu vào cho người chăn nuôi như thức ăn, con giống, thiết bị chăn nuôi hiện đại.
Các chuyên gia ngành này cũng khuyến khích hình thành hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, liên kết người nông dân theo chuỗi. Mô hình này giúp họ chia sẻ chi phí đầu tư, cải thiện khả năng thương lượng với doanh nghiệp thu mua và siêu thị. Một số mô hình hợp tác xã bò sữa ở Lâm Đồng, TP.HCM, Nghệ An… áp dụng và có kết quả tốt, ổn định đầu ra, kiểm soát chất lượng sữa và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Hiện, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang được thực thi, nếu ngành bò sữa Việt Nam nâng cao được chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì có thể mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng bền vững, sản phẩm hữu cơ và thân thiện môi trường đang lên ngôi. Đây là thời điểm thích hợp để ngành sữa Việt Nam đầu tư vào sản xuất xanh, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

