Thị trường trong nước
Theo lộ trình TPP, các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Australia, New Zealand về Việt Nam sẽ có mức thuế giảm về 0% năm 2018. Các báo số ra ngày 21/10 đã đặt ra những câu hỏi như “Sau TPP, doanh nghiệp sữa Việt ra sao?” hay “Chăn nuôi bò sữa: Gia nhập TPP, không chuẩn bị kỹ dễ phá sản!”.
Hiện các hãng sữa ngoại chiếm hơn 75% thị phần sữa bột tại Việt Nam, dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán. Vậy phải chăng khi gia nhập TPP, ngành sữa chỉ gặp những bất lợi?
Các báo cũng có phần hơi quá khi lo lắng như vậy bởi sữa nhập khẩu mới chỉ mạnh ở mảng sữa bột. Trong khi phân khúc sữa nước chiếm tới gần 30%, VIệt Nam đang có thế mạnh.
Theo VietNamNet, trên thực tế, nhiều người Việt Nam rất thích uống sữa tươi. Sữa tươi sau khi vắt xong, cần được bảo quản lạnh và chế biến trong 24h. Đây được coi là điểm mấu chốt khiến các các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó vận chuyển sữa tươi vào Việt Nam để cạnh tranh.
Hiện nay, các DN sữa lớn cũng đang phát triển các mô hình chăn nuôi bò hiện đại cũng như gia tăng số lượng đàn bò. Thế nhưng, các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, sống lệ thuộc vào các doanh nghiệp thu mua lại đang chiếm phần lớn nguồn cung sữa hiện nay sẽ là những đối tượng bị tác động mạnh khi hội nhập, khi bị áp lực cạnh tranh bởi nông dân ở các nước khác.
Vậy đâu là lối đi cho họ? Liệu rằng những câu chuyện tương tự sẽ xảy ra khi Việt Nam hội nhập. Theo tờ Dân Việt, mô hình chăn nuôi bò, cung cấp sữa ở Mộc Châu rất đáng để học hỏi khi mỗi năm họ kiếm về hàng tỷ đồng nhờ chăn nuôi bò.
Những người nông dân ở đây đã liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ để cùng nhau tiến bộ. Không ỷ lại vào sự giúp đỡ từ Nhà nước, họ đã cùng DN thu mua, lập ra quỹ bảo hiểm cho bò sữa, cho giá sữa. Khi giá sữa xuống quá 20%, họ sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm giá sữa. Do vậy, họ không lo gặp phải tình cảnh bị ép giá.
Nhờ vậy, giữa lúc ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang gặp nhiều khó khăn, những người nuôi bò ở Mộc Châu vẫn sống khỏe, nhờ các mối liên kết ngang, dọc.