Các tỉnh phát triển ngành sữa
Di Linh: Bò sữa và giải pháp phát triển
“Đi trước, về sau”
Là người gắn bó khá nhiều năm với nghề chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Đắc Cường, Giám đốc Trang trại Vinamilk Đà Lạt, một cộng sự với Công ty Vinamilk để phát triển chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng, tiếc nuối và đã có lời nhận xét rất chân tình về thực trạng nghề chăn nuôi bò sữa tại Di Linh là địa phương “đi trước, về sau”. Quả đúng như thế, bởi lẽ cách đây đã ngót 10, 15 năm, Di Linh là huyện đã phát triển khá mạnh đàn bò sữa. Huyện đã thành lập 1 HTX chăn nuôi bò sữa tại xã Tân Nghĩa, thu hút hàng chục xã viên trong và ngoài xã. Tuy nhiên, HTX này chỉ tồn tại trong thời gian không lâu thì bị “phá sản”, chỉ vì nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn về “đầu ra” (khâu tổ chức thu mua sữa tươi) cho nông dân. Từ đó, phong trào chăn nuôi bò sữa cũng bị giảm dần, nên trong những năm gần đây, đàn bò sữa trong huyện chỉ còn ở mức rất khiêm tốn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, hiện nay, đàn bò sữa trong toàn huyện chỉ có 120 con (50 con đang khai thác sữa, 18 con chuẩn bị khai thác sữa và 52 con hậu bị). Sản lượng sữa hiện tại chỉ đạt 900 lít/ngày. Cụ thể, xã Đinh Lạc có 4 hộ nuôi 55 con; xã Tân Nghĩa có 3 hộ nuôi 14 con; thị trấn Di Linh có 4 hộ nuôi 21 con; xã Gia Hiệp có 2 hộ nuôi 9 con; các xã vùng lân cận nuôi 21 con bò sữa. Qua thực tế cho thấy, do lợi thế về khí hậu, nguồn thức ăn dồi dào, bò sữa tại Di Linh cho năng suất khá cao. Bình quân năng suất khai thác lứa đầu đạt từ 15 – 17kg sữa/ngày, sản lượng sữa 1 chu kỳ đạt từ 4.650 – 5.000kg/con. Các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện mặc dù được Công ty Vinamilk ký hợp đồng tiêu thụ sữa, nhưng phải mang sữa đến bán tại Trạm thu mua ở Bảo Lộc và Trạm ở Đức Trọng. Những hộ nuôi số lượng ít, chủ yếu là bán lẻ và chế biến thành sữa chua để bán tại chỗ. Nhiều hộ đã trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nhưng chưa thể đầu tư nuôi bò, vì chưa có trạm thu mua sữa tại địa phương.
Ông Đặng Công Định (ở thôn Tân Lạc 2, xã Đinh Lạc) hiện đang nuôi 10 con bò sữa. Tuy chỉ mới nuôi khoảng 1 năm rưỡi, ông đã có nguồn thu nhập khá cao. Chỉ tính riêng tiền bán sữa tươi, mỗi năm, ông đã thu được 300 triệu đồng. “Tôi rất muốn nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi bò sữa nhưng không thể, vì tại Di Linh chưa có trạm thu mua sữa!” – ông Định cho biết. Cũng theo ông Định, cái “lực cản” là do khâu tiêu thụ khó khăn. Hàng ngày, bố con ông phải dùng xe máy hoặc thuê ô tô chuyên chở sữa xuống bán tại Trạm thu mua sữa xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc). Còn ông Nguyễn Quốc Hiền (ở thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa), là một người nuôi bò sữa khá lâu, cho biết: “Do không có trạm thu mua sữa tươi, nên tôi chỉ nuôi 2 con bò sữa. Hàng ngày lấy sữa, tôi chỉ bán ở các điểm nhỏ lẻ để làm sữa chua hoặc tôi trực tiếp làm sữa chua để bỏ mối cho các điểm bán lẻ!”. Cũng với lý do tương tự, ông Nguyễn Quốc Việt (thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa) đã từng nuôi trên dưới 10 con bò sữa, nhưng đến năm 2009 đành phải “giải nghệ” để chuyển sang làm nghề khác…
Ngoài khó khăn do chưa có trạm thu mua sữa tươi, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, vì vận chuyển xa, lượng sữa tươi khai thác vào buổi chiều phải bảo quản lạnh để bán vào ngày hôm sau, nên chất lượng sữa giảm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người chăn nuôi…
Giải pháp để phát triển
Từ thực trạng nói trên, UBND huyện Di Linh đã có Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, ngoài công tác tuyên truyền và vận động, huyện tập trung triển khai giải pháp tuyển chọn giống (nhập giống bò sữa thuần HF); giải pháp phát triển đàn; giải pháp đồng cỏ và thức ăn; giải pháp xây dựng chuồng trại; giải pháp thú y; giải pháp khoa học, công nghệ; giải pháp về tổ chức quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sữa và giải pháp về tín dụng. Trong đó, huyện chú trọng đến giải pháp quy hoạch, phát triển đồng cỏ và giải pháp tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Huyện đã khuyến cáo, ít nhất là từ 5 – 6 tháng trước khi nuôi bò, bà con nông dân cần phải triển khai trồng cỏ. Diện tích trồng cỏ tăng theo kế hoạch phát triển đàn bò (trung bình 15 con/ha). Để phát triển đàn bò đến năm 2020 lên 2.600 con thì toàn huyện phải có ít nhất 200ha đồng cỏ. Theo quy hoạch phát triển đàn bò sữa của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, đầu năm 2016, Công ty Vinamilk sẽ xây dựng 1 trạm thu mua sữa tại khu vực trung tâm huyện, đảm bảo tiêu thụ hết lượng sữa tươi cho người chăn nuôi; đến năm 2020, sẽ xây dựng thêm 1 trạm thu mua sữa tại khu vực các xã phía Nam của huyện.
Ông Trần Đình Sỹ – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Hiện nay, đàn bò sữa của huyện là quá ít, trong khi điều kiện thiên nhiên rất ưu đãi để phát triển. Dự kiến ban đầu của huyện đến năm 2020, đàn bò sữa sẽ tăng lên 2.600 con; nếu có thể, thì không dừng ở con số này mà tăng lên 3.000 – 5.000 con. Đối với huyện Di Linh, trong các giải pháp đã đề ra, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất là phải quy hoạch và phát triển đồng cỏ; đồng thời, là khâu tổ chức tiêu thụ sữa tươi. Công ty Vinamilk sẽ xây dựng trạm thu mua sữa tươi vào năm 2016. UBND huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện khẩn trương rà soát và xác định quỹ đất để UBND huyện sớm giao mặt bằng cho Công ty Vinamilk.
Còn theo ông Nguyễn Đắc Cường, Công ty Vinamilk sẽ xây dựng trạm thu mua, khi ít nhất mỗi ngày bà con cung cấp cho trạm từ 2 tấn sữa tươi trở lên (nếu dưới mức đó sẽ bị lỗ). Công ty Vinamilk cam kết sẽ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sữa cho bà con nông dân và mua với giá ổn định 14.000 đồng/1kg (giá loại 1).
BAOLAMDONG.VN