Các tỉnh phát triển ngành sữa

Duy Tiên, Hà Nam: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững

(Dairy Việt Nam) Phát triển đàn bò sữa để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp là vấn đề trọng tâm được lãnh đạo huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm.

Theo báo cáo của UBND huyện Duy Tiên, phấn đấu đến năm 2015, các hộ sản xuất, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có 1.375 con bò sữa được nuôi tại các xã ven sông Hồng như: Xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, Mộc Nam, Mộc Bắc, riêng xã Mộc Bắc nuôi tới 1.040 con bò. Tổng số 1.375 con bò sữa mỗi năm sẽ cho khoảng 4.018 tấn sữa, doanh thu khoảng 60,3 tỷ đồng.

Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển về số lượng đàn bò sữa thì chất lượng sữa cũng rất được quan tâm. Huyện Duy Tiên đưa ra khuyến khích các hộ đầu tư phải cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và thức ăn cho bò. Đặc biệt, đối với khẩu phần ăn của bò sữa phải phù hợp với từng giai đoạn sản xuất, tăng tỷ lệ sử dụng thức ăn ủ chua, các dạng protein bypass, khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi bò sữa.

Trung tuần tháng 7 vừa qua tại xã Mộc Bắc Công ty Friesland Campina Việt Nam đã khởi xây dựng Vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững, theo quy mô trang trại gia đình, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và giảm thiểu việc nhập khẩu sữa.

Huyện đã giao nhiệm vụ cho các phòng, ban của huyện tham mưu, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, giám sát tình hình phát triển và phòng chống dịch bệnh cho bò... Đặc biệt, đối với xã có diện tích đất trồng lúa, màu đem lại hiệu quả thấp thì Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phải hướng dẫn các xã dồn điền để chuyển đổi sang trồng cỏ, ngô để có thu hoạch cao hơn, nhằm cung cấp thức ăn cho bò sữa.

Phòng Công Thương huyện phải phối hợp với chuyên môn và tham gia xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò và vắt sữa; tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ theo hướng tăng cường mối liên kết giữa DN và người chăn nuôi bò sữa, nhằm gia tăng giá trị sữa thông qua chế biến. Đây chính là điểm nhấn và là điều kiện quan trọng để các hộ chăn nuôi hình thành hợp tác xã, tổ hợp chăn nuôi, nhóm chăn nuôi bò sữa theo hướng khép kín chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho thành viên.

Huyện Duy Tiên đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Nam cho chủ trương mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa, bao gồm cả vùng trồng cỏ và nguyên liệu khác để chăn nuôi bò sữa với khoảng 140 ha đất. Trong đó, riêng xã Mộc Bắc có số lượng bò nhiều nhất nên được quy hoạch tới 105 ha, xã Mộc Nam 5 ha, xã Chuyên Ngoại 18 ha và xã Yên Nam 3 ha.

Kim Tuyến

Nguồn: Công Thương
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác