Các tỉnh phát triển ngành sữa
Hà Nam tập trung phát triển đàn bò sữa
Nghề mới của nhà nông
Về vùng bãi ven sông Hồng thuộc các huyện Duy Tiên và Lý Nhân của tỉnh Hà Nam, đi đến đâu chúng tôi cũng được nghe câu chuyện làm giàu từ chăn nuôi bò sữa. Đối với bà con bây giờ, nuôi bò sữa đã trở thành “nghề” mới cho thu nhập cao, trở thành hướng làm giàu chính đáng của nhiều gia đình.
Bác Đặng Xuân Hạnh, xóm 4 xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân phấn khởi: Gia đình tôi hiện đang thầu hơn 100 mẫu bãi bồi sông Hồng của xã, từ nhiều năm nay tôi cũng quay vòng đầu tư đủ các loại cây con, song chủ yếu cũng là “lấy ngắn, nuôi dài”. Nhưng nay, tôi thấy con bò sữa thật sự phù hợp. Chăn nuôi bò đã gắn với nông dân từ lâu, thêm nữa là tận dụng được nguồn thức ăn (ngô, cỏ) rất sẵn và nhân lực ở địa phương. Tỉnh có nhiều ưu đãi về cơ chế cũng như vốn vay cho người nuôi bò, vì vậy năm 2014, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư một tỷ đồng để xây dựng chuồng trại theo đúng quy chuẩn, nuôi gần 30 con bò sữa. Từ tháng 11-2014, gia đình tôi có hơn 20 con bò cho sữa, mỗi tháng thu được từ 50 đến 55 triệu đồng. Lợi là vậy nhưng cũng phải tính toán bảo đảm được đầu ra chắc chắn để có thể nuôi được 100 con.
Theo tính toán, đầu tư cho một con bò sữa hết tổng kinh phí là 100 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ. Nhưng đổi lại, chăn nuôi bò sữa đang cho thu nhập khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng/con/tháng và tận dụng được nguồn nhân lực và nguồn thức ăn khá sẵn ở địa phương. Cả xã Nguyên Lý đang có gần 100 con bò, phần lớn đang cho khai thác sữa ổn định với sản lượng trên dưới một tấn sữa mỗi ngày.
Đồng hành cùng nông dân
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa tại 13 xã, thị trấn có nhiều lợi thế thuận lợi cho việc chăn nuôi bò sữa phát triển kinh tế hộ gia đình, thuộc các huyện: Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân và Kim Bảng. Sở đang chỉ đạo tiếp tục tư vấn, hướng dẫn, đào tạo nghề cho khoảng 100 cán bộ thú y; Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chuẩn bị đủ thức ăn cho bò, nhất là thức ăn thô xanh vào các tháng chính đông.
Hơn mười năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Hà Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chăn nuôi bò sữa được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đến hết tháng 10-2015, ngân hàng đã cho 112 hộ dân chăn nuôi bò sữa vay vốn để mua bò và bê sữa với số kinh phí gần 37 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ các hộ dân nuôi bò sữa gặp rủi ro khách quan bất khả kháng, để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi bò sữa. Đến nay, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã cấp kinh phí hỗ trợ mua 20 con bò sữa, mua máy thái cỏ cho 13 hộ dân huyện Lý Nhân với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; cấp kinh phí hỗ trợ mua bò đợt 1 cho năm hộ chăn nuôi của huyện Duy Tiên, số bò là 26 con với tổng số tiền hỗ trợ hơn 124 triệu đồng.
Gỡ khó cho chăn nuôi
Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi các hộ chăn nuôi bò sữa ở Hà Nam cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: số điểm thu mua sữa tại các địa phương còn chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong quá trình vận chuyển sữa đến điểm thu mua của các nhà máy. Đã có tình trạng sữa bị trả lại do việc vận chuyển sữa đến nhà máy đã bị quá giờ thu mua theo quy định của nhà máy. Gần đây nhất, ngày 12-10, sáu hộ chăn nuôi bò sữa tại khu chăn nuôi tập trung xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đã phải bỏ đi một tấn sữa do sữa vận chuyển đến điểm thu mua bị chậm thời gian gần một giờ so với thời gian quy định của nhà máy. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở còn thiếu và yếu. Vì vậy công tác hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp kỹ thuật chăn nuôi bò sữa còn gặp khó khăn. Phần lớn các hộ chăn nuôi còn thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật; ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định về xây dựng chuồng trại, vệ sinh thú y, kiểm dịch còn kém.
Để người chăn nuôi bò sữa đủ vốn phát triển đàn bò, mới đây tỉnh Hà Nam đã đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Hà Nam tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục cho bà con nông dân vay vốn. Trong trường hợp bà con đề nghị được vay vốn thế chấp bằng số bò đang nuôi, tỉnh sẽ đứng ra bảo lãnh cho bà con. Đối với các huyện cần tập trung thực hiện phát triển đàn bò theo đúng kế hoạch, đồng thời sâu sát cơ sở, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân trong quá trình chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn, đề xuất kiến nghị với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời.
Bài, ảnh: ĐÀO PHƯƠNG