Các tỉnh phát triển ngành sữa

Lập Thạch đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa

Những năm qua, Lập Thạch tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân. Một trong những mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả phải kể đến đó là dự án phát triển chăn nuôi bò sữa huyện Lập Thạch giai đoạn 2014 - 2018.

 Sau 2 năm thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa huyện Lập Thạch giai đoạn 2014 - 2018 đã cho thấy những hiệu quả bước đầu, khẳng định những bước đi đúng trong định hướng phát triển chăn nuôi và sản xuất hàng hóa của địa phương. Dự án có quy mô tổng nguồn vốn đầu tư hơn 98,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng; huyện hơn 988 triệu đồng; vốn vay của ngân hàng và các nguồn vốn khác 30 tỷ đồng; còn lại vốn đầu tư của nhân dân là trên 50 tỷ đồng.

Được biết, trước khi triển khai dự án, từ những năm năm 2001, Lập Thạch đã đưa bò sữa vào phát triển chăn nuôi. Theo đánh giá, chất lượng đàn bò sữa trong toàn huyện được đánh giá cao và đảm bảo những yêu cầu, quy định về sản phẩm đầu ra. Hiện nay, sản phẩm đầu ra sữa tươi đã được Công ty sữa Cô gái Hà Lan ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu cho người chăn nuôi với thời gian ổn định 5 năm liên tục. Công ty đầu tư, triển khai xây dựng 1 điểm thu mua sữa tươi tự động đạt tiêu chuẩn Châu Âu với công suất thu gom lên tới 6 tấn sữa tươi/ngày. Ngoài ra, Công ty sữa Cô gái Hà Lan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và kỹ thuật bảo quản sữa tươi.

Cùng với dự án phát triển chăn nuôi bò sữa huyện Lập Thạch giai đoạn 2014 - 2018, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Lập Thạch có 54 hộ tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò sữa. Riêng trong năm 2015, các hộ chăn nuôi đã mua mới được 39 con bò sữa, nâng tổng số đàn bò sữa trong huyện lên 230 con (tăng 144 con so với trước khi triển khai dự án). Cùng với đó, một số chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi bò sữa đã được chính quyền các cấp tích cực triển khai hiệu quả. Trong đó phải kể đến chương trình hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với đàn bò sữa. Hiện nay, căn cứ theo Quyết định phê duyệt dự án thì mức bảo hiểm đối với bò sữa là 60 triệu đồng/con; tổng mức phí phải đóng là hơn 2,1 triệu đồng/con/năm; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 60%, tương đương gần 1,3 triệu đồng/con/năm; mỗi hộ phải đóng 40% mức phí còn lại. Tuy nhiên, theo hướng dẫn số 47/BVVP ngày 8 - 7 - 2015 của Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc vể việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm bò sữa thì mức phí bảo hiểm rủi ro là 40 triệu đồng/con (tổng mức phí phải đóng góp là 7%, tương đương với 2,8 triệu đồng/con). Do đó, huyện Lập Thạch đang đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan điều chỉnh mức phí hỗ trợ theo hướng dẫn và quy định của Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc. Theo đó, mức đóng phí của mỗi hộ là 40%, tương đương hơn 1,1 triệu đồng/con; còn lại 60% do ngân sách tỉnh hỗ trợ, tương đương hơn 1,6 triệu đồng/con). Ngoài ra, để hỗ trợ hiệu quả các hộ chăn nuôi bò sữa trong khâu thu hoạch sản phẩm sữa tươi, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ hơn 8,2 triệu đồng để mua máy vắt sữa tự động. Trong năm 2015, toàn huyện đã có 21 máy vắt sữa tươi được đầu tư mua mới, với tổng kinh phí được hỗ trợ trên 173 triệu đồng. Các ban, ngành liên quan cũng đã tăng cường đội ngũ cán bộ thú y bám sát từng hộ chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, dịch bệnh cho đàn bò sữa trong huyện. Tính đến hết năm 2015, tổng mức hỗ trợ cho công tác tiêm phòng, cấp phát thuốc khử trùng tiêu độc trong toàn huyện là hơn 44 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Lập Thạch cũng còn không ít những khó khăn, vướng mắc: Đa số các hộ chăn nuôi bò sữa trong huyện quy mô còn nhỏ; chăn nuôi trong khu vực dân cư sinh sống tập trung dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường; khó khăn trong việc dồn thửa đổi ruộng để quy hoạch các khu chăn nuôi bò sữa tập trung; các hộ chăn nuôi chưa liên kết được theo mô hình Tổ hợp tác để sản xuất sữa tươi với số lượng lớn; giá con giống cũng như giá cả thức ăn tinh tương đối cao, gây ra một số khó khăn nhất định cho những hộ mới tham gia. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn trong các khâu như: Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho bò sữa; hỗ trợ tiêm phòng... Hiện nay, trên địa bàn các xã thuộc vùng dự án, số lượng dẫn tinh viên vẫn còn rất hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thụ tinh nhân tạo trên đối tượng bò sữa, do đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thụ tinh giống bò sữa, hiệu quả thụ thai chưa cao và số lượng bò sữa được lấy giống hàng tháng rất ít (chỉ có từ 10 - 12 con/tháng). Hàng năm, do nguồn vắc xin phòng bệnh cho bò sữa luôn biến động về giá cả nên mỗi kỳ tổ chức tiêm phòng cho vật nuôi, các cơ quan chức năng đều phải phối hợp để điều chỉnh mức dự toán nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh cho đàn bò sữa.

Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 3,5 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Lập Thạch. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi đầu tư mua bò sữa; hỗ trợ 478, 5 triệu đồng mua máy vắt sữa; trên 1,2 tỷ đồng phí đóng bảo hiểm nông nghiệp; 120 triệu hỗ trợ xây dựng hầm biogas xử lý chất thải từ chăn nuôi bò sữa... Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía các ngành, các cấp; thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Lập Thạch sẽ tăng cường công tác chỉ đạo để dự án phát triển chăn nuôi bò sữa huyện Lập Thạch tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững .

Việt Sơn


Nguồn: baovinhphuc.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác