Các tỉnh phát triển ngành sữa
Long Phú hướng đến các mô hình nuôi bò sữa nông hộ
Từ đầu năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013 – 2020, trong đó chú trọng tăng đàn bò sữa ở những vùng có điều kiện theo tuyến lộ Nam Sông Hậu, quản lộ Phụng Hiệp thuộc địa bàn các huyện: Châu Thành, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng
Là huyện có hơn 46.200 ha sản xuất lúa hàng năm, cộng thêm nguồn cỏ tự nhiên, Long Phú có nguồn thức ăn dồi dào để nuôi bò. Mô hình nuôi bò lại dễ áp dụng, nên từ lâu nhiều nông hộ trong huyện đã áp dụng, nhưng chủ yếu vẫn là nuôi bò thịt. Hiện nay, tổng đàn bò của huyện trên 3.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã có đường Nam sông Hậu đi qua như xã Long Phú, Song Phụng, Long Đức và thị trấn Long Phú.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu đất đai, đồng cỏ đã tạo nên tiềm năng rất lớn để Long Phú phát triển nuôi bò sữa. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc. Hiệu quả chăn nuôi khá cao, mức doanh thu đạt 45 – 50 triệu đồng/năm/con bò sữa, lãi đạt 20 triệu đồng/năm. Đây chính là yếu tố quan trọng để huyện phát triển vật nuôi này trong những năm tới.
Tuy nhiên, đa số đàn bò sữa của tỉnh là lấy nền từ đàn bò lai Sind được phối tinh sữa HF cho ra con lai F1, ngoài ra điều kiện môi trường, khí hậu chuồng nuôi, cách nuôi dưỡng và vắt sữa cũng có ảnh hưởng đến thành phần và sản lượng sữa. Vì vậy, số lượng nông hộ nuôi thành công bò sữa chưa nhiều, đây là một trong những trở ngại đầu tiên cho địa phương. Anh Trần Của ở xã Song Phụng, huyện Long Phú cho biết “ Mô hình nuôi bò sữa tôi chưa dám đầu tư, tại mình chưa am hiểu chách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, với lại con giống giá cũng cao quá, một con bò Sind giá cũng 13 – 15 triệu”
Giống như anh Của, rất nhiều bà con gặp khó khăn về vốn nên chưa dám đầu tư vào mô hình này. Thông thường bà con phải đầu tư ban đầu ít nhất 10 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, từ 50 – 60 triệu đồng để mua con giống trưởng thành, còn nếu mua bê con thì khoảng 15 – 16 triệu đồng/con và cần từ 15 – 18 tháng bò mới bắt đầu cho sữa.
Ngoài vốn và kỹ thuật, vấn đề về tiêu thụ sữa cũng được ngành nông nghiệp huyện quan tâm. Hiện Sóc Trăng có 6 điểm thu mua sữa do HTX Nông nghiệp Evergrowth quản lý và tiêu thụ hết lượng sữa của các hộ chăn nuôi, đạt công suất 18 tấn/ngày. Giá sữa tươi tại các điểm thu mua trong tỉnh khoảng 12.500 đ/kg, nếu chở bán cho nhà máy là 14.400 đ/kg. Ông Lê Văn Sơn – trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Phú cho biết, tuy hiện nay huyện chưa có điểm tập trung thu mua, nhưng nếu số lượng đàn bò sữa tăng lên thì vấn đề này không đáng lo ngại “ Chúng tôi cũng đã làm việc với hợp tác xã Evergrow, HTX cho biết nếu ở đâu có nguồn cung cấp sữa nhiều sẽ đặt trạm thu mua ở đó, hơn nữa nếu hộ nào muốn mua bò sữa thì liên hệ với phòng nông nghiệp để được tư vấn về con giống, kỹ thuật nuôi”
Theo kế hoạch, huyện Long Phú sẽ phát triển đàn bò sữa tăng lên 3000 con vào năm 2020, ước tính mỗi hộ nuôi từ 5 - 6 con trở lên. Kèm theo đó là phát triển các diện tích đồng cỏ phù hợp để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò sữa trong thời gian tới.
Ngọc Khuê