Các tỉnh phát triển ngành sữa
Nuôi bò sữa ở Bình Khê
Dự án chăn nuôi bò sữa được triển khai từ năm 2003 do Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Quảng Ninh trực tiếp quản lý, từ việc lập hồ sơ theo dõi đến thành lập điểm thu mua sữa bò hàng ngày. Người dân khi tham gia vào dự án này được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ và được vay nuôi mỗi con bò là 10 triệu đồng trong vòng 3 năm không phải trả tiền lãi. Sau hơn 7 năm triển khai dự án, hiện trên địa bàn xã Bình Khê có khoảng 160 con bò sữa, gia đình chăn nuôi nhiều thì có từ 8 đến 20 con, ít thì 2 đến 6 con. Trung bình 1 con bò sữa cho khoảng 13 đến 18kg sữa/ngày, theo thị trường hiện nay giá sữa vào khoảng 11.000 đồng/kg. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hiện nay Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Ninh đã thành lập điểm thu mua sữa cho bà con, điều này đã khiến bà con chăn nuôi bò sữa phấn khởi, mở rộng quy mô chăn nuôi, thực hiện tốt từ việc chăm sóc và phòng, trừ dịch bệnh cho bò, do vậy đàn bò trên địa bàn xã phát triển rất tốt, sinh sản đúng chu kỳ, cho sản lượng sữa cao và đảm bảo.
Đến thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Lê Mạnh Hùng, thôn Quảng Mản là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, anh phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi tham gia nuôi bò sữa từ năm 2005, với số vốn đầu tư khoảng 140 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo đúng quy trình kỹ thuật; hệ thống làm mát đảm bảo nhiệt độ ổn định cho sức khoẻ đàn bò. Nhờ thực hiện đúng quy trình, nên đàn bò nhà tôi phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi 2 con, nhận thấy hiệu quả từ nuôi bò sữa nên tôi đã phát triển thêm 18 con, nâng tổng số đàn bò lên 20 con. Bên cạnh đó, được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức chăm sóc bò sữa, nên gia đình đã có nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tế. Một năm trừ chi phí, gia đình cũng thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi”. Không chỉ cung cấp sữa bò cho đơn vị thu mua mà gia đình anh Hùng đã nhân được giống phục vụ chăn nuôi tại gia mà còn cung cấp cho một số hộ dân trong xã. Cùng với gia đình anh Hùng, rất nhiều hộ dân khác tham gia dự án chăn nuôi bò sữa đều phát huy hiệu quả vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập cho hộ gia đình. Anh Nguyễn Văn Hát, thôn Trại Thông cho biết: “Năm 2003 triển khai dự án, gia đình tôi cũng bắt đầu tham gia, đến nay nhà tôi có 7 con bò, trừ chi phí, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Anh Hát cho biết thêm: “Để chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, người chăn nuôi phải biết đầu tư khai thác theo từng giai đoạn phát triển của bò như: Thời kỳ nuôi bê hậu bị, giai đoạn bò mang thai, hoặc giai đoạn bò nuôi con và cho sữa... nhằm bảo đảm thức ăn cho bò đầy đủ dinh dưỡng”.
Có thể thấy, hiệu quả từ việc nuôi bò sữa cao hơn hẳn so với chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm khác, trong khi chế độ chăm sóc cũng khá đơn giản, chỉ cần cung cấp thức ăn, nước uống, các chất dinh dưỡng thiết yếu đầy đủ, xây dựng chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ. Từ mô hình chăn nuôi bò sữa này, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Bình Khê đã trở nên khá giả, vươn lên làm giàu. Đồng chí Mạc Văn Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Khê cho biết: “Chăn nuôi bò sữa là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho bà con Bình Khê. Ngoài việc vận động, hướng dẫn bà con thực hiện thâm canh, tăng vụ, sản xuất nông nghiệp, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích bà con tích cực tham gia thực hiện mô hình nuôi bò sữa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đàn bò sữa ở Bình Khê còn một số hạn chế như chưa có quy hoạch, chuồng trại hầu hết tập trung trong khu dân cư nên cũng có gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều hộ dân phải thuê đất trồng cỏ dẫn đến nguồn thức ăn cho bò khó khăn, do vậy từng hộ rất khó có thể phát triển với quy mô lớn. Một số hộ thiếu năng lực đầu tư, hiệu quả chưa cao, nên chưa thể phát triển nhanh đàn bò sữa ở địa phương”.
Để nhân rộng, phát triển đàn bò sữa lâu dài rất cần những giải pháp, chính sách tiêu thụ sản phẩm hợp lý để người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.