Các tỉnh phát triển ngành sữa

Nuôi bò sữa trên đất ven đô

Nghề nuôi bò sữa ở nước ta đã có từ lâu, nhưng đến năm 2001, khi Chính phủ phê duyệt QÐ 167 về một số chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2001 - 2010, nghề nuôi bò sữa mới thật sự phát triển ổn định. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có đàn bò sữa lớn nhất nước với gần 80 nghìn con, mỗi năm cung cấp gần 300 nghìn tấn sữa tươi cho thị trường thì chăn nuôi bò sữa đã đóng góp rất lớn vào thành tích chung của ngành nông nghiệp và góp phần làm giàu cho nhiều nông hộ.

Những điển hình nuôi bò sữa hiệu quả cao

Ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), ai cũng nói gia đình anh Ðặng Văn Lệ làm giàu nhờ nuôi bò sữa. Khi đến nhà anh tại ấp Trung, chúng tôi thấy sân trước nhà phơi đầy đất nuôi trùn (giun) quế, sân bên hông là chục nhà nuôi trùn, chuồng bò ở sân sau nhà bếp và liền theo đó là khu vườn xanh um cỏ voi cao vượt đầu người. Anh Lệ cho biết, khởi nghiệp năm 1999 với ba con bò sữa nhưng với sự đầu tư chăm chút của cả gia đình, đàn bò lần lượt được nhân lên. Ðến nay, đàn bò đã đạt 40 con, trong đó 15 con cho sữa, mỗi ngày khoảng 210 kg, bán được hai triệu đồng, trừ chi phí khoảng 1,2 triệu đồng, anh còn lãi 800 nghìn đồng. Anh Lệ đã trồng 6 nghìn m2 cỏ năng suất cao để tự túc một phần thức ăn thô cho bò, sử dụng công nhà vào việc chăm sóc, vắt sữa bò. Không chỉ tích cực tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, anh còn tận dụng nguồn chất thải của bò sữa đưa vào sản xuất.

Người dân Củ Chi cũng rất thán phục anh Phạm Văn Hùng (ấp 3, xã Bình Mỹ) nuôi đàn bò cho sữa chất lượng cao, nên vừa được đơn vị thu mua sữa với giá cao, vừa được nhận tiền thưởng khuyến khích. Hỏi kinh nghiệm, anh cho biết, giá sữa phụ thuộc số lượng tổng tạp trùng trong sữa, nếu dưới mức quy chuẩn 350 nghìn con/ml thì giá cao và ngược lại. Hiện tại, anh đang có 40 con bò sữa, với 20 con cho mỗi ngày 250 kg sữa. Trước đây, sản phẩm của anh bị trả giá thấp bởi số lượng tổng tạp trùng vượt quy chuẩn, thậm chí có lúc vượt gấp đôi. Ðể nâng chất lượng sữa, anh đã thực hiện triệt để những biện pháp cải thiện vệ sinh vắt sữa do đơn vị thu mua hướng dẫn. Kết quả số lượng tổng tạp trùng nhanh chóng giảm xuống và đạt dưới 200 nghìn con/ml từ gần một năm nay. Với kết quả này, anh được đơn vị thu mua thanh toán tiền sữa cao hơn giá chuẩn đến 1.100 đồng/kg, tính ra mỗi tháng thu nhập thêm tám triệu đồng so trước kia.

Chúng tôi cũng đã gặp nhiều hộ nuôi bò sữa ở TP Hồ Chí Minh như anh Lê Văn Phi (xã An Nhơn Tây), anh Huỳnh Công Dư (quận 12), chị Phan Thị Mỹ (phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức)... Các anh chị cho biết, đã thực hiện những biện pháp kỹ thuật thích hợp điều kiện của riêng mình để hạ giá thành sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng, giá bán sữa. Các hộ đều có chung nhận xét, so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, nuôi bò sữa cho thu nhập cao và ổn định hơn.

Nuôi bò sữa công nghệ cao

Nuôi bò sữa thu nhập cao và ổn định nên thu hút nhiều hộ tham gia, trong đó có không ít hộ bỏ nghề nuôi heo, cải tạo chuồng trại chuyển sang nuôi bò, mà điển hình là các hộ ở xã Tân Thạnh Ðông (huyện Củ Chi). Chi cục trưởng Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, năm 2006, tổng đàn bò sữa của xã đạt 7.700 con, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2001 - 2006 đến hơn 32%, gấp gần hai lần so bình quân chung toàn thành phố. Cũng vì đàn bò phát triển quá nhanh nên môi trường bị ô nhiễm nặng. Chất thải chưa qua xử lý chảy tràn và lưu cữu trong mương thoát dọc hai bên đường, đặc quánh, đen ngòm... Môi trường khu vực chăn nuôi cũng bị ô nhiễm và mang nhiều mầm bệnh, nhiều tạp trùng. Chuồng trại xây dựng không đúng quy cách, không bảo đảm độ thông thoáng. Diện tích trồng cỏ tăng không tương ứng với mức tăng của bò dẫn đến thiếu thức ăn thô xanh, không thích hợp với hệ tiêu hóa của bò. Rồi vấn đề con giống không được tuyển chọn,... Tất cả đã làm giảm năng suất, chất lượng sữa bò, thu nhập của người nuôi cũng vì thế mà chưa cao. Trước tình hình đó, năm 2006, thành phố đã chọn địa phương này để thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa, với tổng kinh phí hơn 25,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. 20 hộ tham gia được hỗ trợ tiền xây hầm ủ biogas, máy vắt sữa, máy băm cỏ, được hướng dẫn cách phối trộn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR; đàn bò được lập phiếu cá thể, được phối tinh bò sữa giống cao sản, được xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm... Dự án cũng hỗ trợ thành lập một hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào, đầu ra với giá có lợi cho người nuôi bò.

Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, bò ít bị bệnh, môi trường chăn nuôi sạch hơn, năng suất sữa tăng từ 4.826 kg/con năm 2007 lên 5.143 kg/con năm 2009, tạp trùng trong sữa cũng giảm. Theo khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn, dự án đã có sức lan tỏa, bởi nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã tái cơ cấu đàn bò sữa theo hướng trẻ hóa đàn; nâng cấp chuồng trại, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng giống cỏ VA O6 thay các giống cũ, xây dựng khẩu phần ăn hợp lý và biết phải xét nghiệm máu phát hiện bệnh tiềm ẩn để có biện pháp điều trị kịp thời... Nhờ đó, đã góp phần rất lớn vào việc nâng chất lượng đàn giống và ổn định đàn với mức tăng trưởng bình quân 12,52%/năm.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Trong năm năm (2005 - 2010) thực hiện Quyết định 119 của UBND TP Hồ Chí Minh về phát triển ổn định đàn bò sữa, các ngành chức năng đã đầu tư hơn 134 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí khuyến nông, thú y, chuyển giao công nghệ chăn nuôi hiện đại, xử lý chất thải, hỗ trợ vốn vay cho gần hai nghìn hộ. Thực tế, các ngành đã cung cấp hơn 760 nghìn liều tinh bò, trong đó có gần 29 nghìn liều tinh cao sản nhiệt đới; bình tuyển được hơn 67 nghìn con giống; giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị được nhiều bệnh của bò sữa; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 6.800 hộ; xây dựng khoảng hơn 100 mô hình về chuồng trại, ứng dụng cơ giới hóa, trồng cỏ giống năng suất cao... giúp nâng năng suất sữa tăng từ 4.826 kg/con năm 2007 lên 5.143 kg/con năm 2009. Các đơn vị thu mua cũng cải tiến phương thức thu mua thuận tiện, giá cả hợp lý. Nhờ đó, người nuôi bò sữa có thu nhập ổn định, nhiều hộ giàu lên nên yên tâm đầu tư tăng đàn, nâng tổng đàn từ 58.267 con năm 2006 lên 79.800 con năm 2010 và do có đàn giống tốt, thành phố trở thành địa phương cung cấp con giống cho các tỉnh trong cả nước. Mặc dù vậy, phát triển chăn nuôi bò vẫn chưa mang tính bền vững bởi vẫn còn không ít hộ thu nhập không cao, thậm chí thu không đủ bù chi, môi trường bị ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phước Trung, có nhiều nguyên nhân như quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành, không sử dụng máy móc cơ giới để tăng năng suất lao động, số hộ đầu tư hầm ủ chỉ mới đạt khoảng 50%...

Ðể phát triển bền vững đàn bò sữa theo hướng tăng năng suất, sản lượng sữa nhưng không tăng tổng đàn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, thành phố tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh phí xây hầm xử lý chất thải. Ngành nông nghiệp triển khai bảy giải pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh cho bò, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thức ăn hỗn hợp cung cấp cho các hộ nuôi bò sữa, đồng thời vận động thành lập các hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào đầu ra, kể cả công tác giống và thú y, phục vụ phát triển sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán thành phẩm. Về phía người chăn nuôi, cần đầu tư tăng quy mô đàn và phải xác định nuôi bò sữa là một nghề sản xuất chính, trên cơ sở đó có biện pháp thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sữa, có biện pháp kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm.

ÐỨC THẮNG - LÂM VÂN

Nguồn: Nhân Dân
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác