Các tỉnh phát triển ngành sữa

Tân Thành khôi phục nghề nuôi bò sữa

Ông Trần Ngọc Quý, chủ trang trại nuôi bò sữa ở ấp Tân Ninh, xã Châu Pha cho biết, hiện ông có 40 con bò sữa, thời điểm này mỗi con trị giá từ 35 - 40 triệu đồng. Mỗi ngày đàn bò của ông cho thu hoạch 450 kg sữa. Để có lượng sữa như vậy mỗi ngày, mỗi con bò tiêu thụ 35 - 40 kg cỏ, 4 kg hèm bia và 3 kg cám. Gia đình tự trồng 2 ha cỏ nên chỉ cần bổ sung chi phí khoảng 30.000 đồng tiền mua hèm bia và cám. Với giá sữa hiện nay 10.000 đồng/kg, mỗi ngày ông Quý thu nhập 4,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 3,3 triệu đồng, chưa tính công lao động và chi phí trồng cỏ tại trang trại.

Nhờ giá sữa bò ổn định ở mức cao, với 21 con bò sữa và 1 ha cỏ, mỗi năm, gia đình ông Đinh Nam Định, ở ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha lãi gần 550 triệu đồng. Ông Định cho biết, gia đình ông cũng như các hộ chăn nuôi bò sữa khác nhờ tự chủ động được nguồn cỏ làm thức ăn cho bò nên chi phí giảm đáng kể. Theo ông Định, nuôi bò sữa tuy có vất vả hơn những nghề khác, nhưng ngoài nguồn lợi thu từ sữa bò, người chăn nuôi còn thu được nhiều nguồn lợi khác. Hàng năm bò cái còn sinh sản, nếu sinh bê cái thì giữ lại để tăng số lượng đàn bò sữa, bê đực thì nuôi sau hơn một năm bán bò thịt cũng cho nguồn thu nhập khá. Ngoài ra, phân bò cũng mang lại thu nhập cho người chăn nuôi, mỗi mét khối phân bò thương lái mua với giá 250.000 đồng, phần nước phân bò còn dùng để tưới cỏ. Nếu không bán phân bò thì người nuôi có thể sử dụng để ủ khí biogas phục vụ cho việc đun nấu.

Trước đây, người chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sữa. Nhiều người chỉ thu hoạch được vài chục lít sữa mỗi ngày cũng phải chở lên tận Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để tiêu thụ. Chi phí vận chuyển và công lao động lớn, trong khi giá sữa lại thấp nên các hộ nuôi bò sữa không có lợi. Trước thực trạng đó, ông Trần Ngọc Quý và một số hộ chăn nuôi đã góp vốn thành lập Công ty sữa Vũng Tàu để thu mua, chế biến toàn bộ sản lượng sữa bò của bà con. Ông Quý cho biết, với chi phí đầu tư gần 4 tỷ đồng, nhà máy của ông được lắp đặt dây chuyền công nghệ khá hiện đại của Ixrael, có công suất 12 tấn sữa/ngày. Hiện nhà máy chế biến ra 4 loại sản phẩm gồm: sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa chua và bánh sữa, được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do sản lượng sữa trên địa bàn tỉnh còn ít nên hiện nay nhà máy chỉ mới sản xuất với công suất 9 tấn/ngày.

Ông Mã Thành Trung, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thành cho hay: "Từ khi có nhà máy sữa của Công ty sữa Vũng Tàu, bà con chăn nuôi bò an tâm về đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, huyện đang khuyến khích bà con đầu tư phát triển đàn bò sữa, đặc biệt là hai xã Châu Pha và Tóc Tiên".

Để tạo thuận lợi cho bà con mở rộng chăn nuôi bò sữa, huyện Tân Thành đã cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 14 trang trại và đang tiếp tục thẩm định để cấp giấy chứng nhận cho các trang trại khác có đủ điều kiện để bà con nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 41 của Chính phủ (cho vay tối đa 500 triệu đồng cho một trang trại). Huyện cũng đang hoàn thiện quy hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó chăn nuôi bò sữa được coi là một thế mạnh của địa phương - ông Dương Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành, cho biết.

Ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, nhiều hộ nông dân có diện tích đất trồng cỏ bắt đầu phát triển nghề nuôi bò sữa. Các trang trại chăn nuôi bò trước đây thua lỗ, nay cũng khôi phục và nhân rộng đàn bò. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tại thời điểm này, trên địa bàn huyện có gần 127 trang trại chăn nuôi, trong đó có 17 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 300 con, phần lớn tập trung ở xã Châu Pha.

Nguồn: vungtaumilk.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác