Chuyên gia tư vấn
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.
Tại Hội nghị thông báo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen được tổ chức ngày 5-4 tại Hà Nội, TS. Phạm Thị Liên, đại diện cho nhóm tác giả làm khảo nghiệm đối với giống ngô TC1507 cho biết, giống ngô này không có nguy cơ trở thành cỏ dại hay xâm lấn môi trường tự nhiên và không có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sinh vật không chủ đích. Hơn nữa, trong quá trình khảo nghiệm không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào thể hiện ngô TC1507 cũng như các giống ngô khảo nghiệm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và các sinh vật trong khu khảo nghiệm cũng như môi trường xung quanh.
Tương tự với các giống ngô biến đổi gen còn lại, kết quả khảo nghiệm cũng cho thấy không có sự sai khác về mức độ hiện diện và gây hại của các loại bệnh hại chính trên ngô, không ghi nhận thấy sự xuất hiện của bệnh hại mới hoặc sự bùng phát gây hại của các loại bệnh hại ngô thông thường. Ngoài ra, chỉ tiêu về thành phần loài, phân bố, số lượng loài và mức độ phong phú, số lượng cá thể, mật độ trung bình của các loại côn trùng cũng không có sự sai khác giữa ngô biến đổi gen và ngô thông thường.
Các kết quả khảo nghiệm trên đã tạo ra tín hiệu tốt, tích cực trước khi ngành nông nghiệp có thể xem xét tiến hành trồng đại trà ngô biến đổi gen trên cả nước. Tuy nhiên, tại hội nghị, một số nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về tính chính xác của kết quả khảo nghiệm này.
GS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam cho hay, kết luận của các tác giả là “vội vàng” vì việc đánh giá phải qua 3 cấp độ khác nhau, đặc biệt là đối với hệ sinh thái thì càng không thể vội vàng. Muốn đưa bất kỳ cây trồng biến đổi gen nào vào trồng đại trà cần phải có đánh giá rủi ro và giám sát chặt chẽ.
Ông Long lưu ý về thông tin việc Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu có những thông tin chống cây trồng biến đổi gen do đó Việt Nam càng phải cẩn trọng. Chính vì vậy, ông Long và nhiều nhà khoa học khác yêu cầu phải lặp lại khảo nghiệm 3 lần trong 3 vụ liên tiếp mới có thể kết luận được.
Tuy nhiên ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết, năm 2011, trên thế giới đã trồng 160 triệu héc ta cây trồng biến đổi gen, gấp 40 lần diện tích trồng lúa của nước ta. Hơn nữa, đã có 29 nước đã trồng cây trồng biến đổi gen và thực tế cho thấy ngày càng nhiều cây trồng biến đổi gen được đưa vào trồng trên thế giới.
Tiến độ khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam hiện nay còn rất chậm. Philipines đã đưa giống cây biến đổi gen vào trồng và sử dụng từ 2005 và cho đến nay vẫn chưa có hiện tượng gì đặc biệt tới sức khỏe con người, đa dạng sinh học hay là môi trường. “Vì vậy nếu chúng ta đưa vào nhanh cây trồng biến đổi gen thì đây là cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp nước ta”, ông Hàm chia sẻ.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang cân nhắc đưa ba loại cây biến đổi gen vào trồng trên diện rộng là ngô, bông và đậu tương. Đây là 3 loại sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu số lượng rất lớn, nhập khoảng hơn 1 triệu tấn ngô, 2 đến 3 triệu tấn đậu tương và nhập 80-90% nhu cầu sử dụng bông.
Tuy nhiên, ông Hàm cũng phải thừa nhận, không một công nghệ nào không có rủi ro và cần phải có một đơn vị giám sát chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, bộ sẽ thông báo toàn bộ kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen lên mạng để tiếp tục lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc đưa được ngô biến đổi gen trồng đại trà còn rất gian nan vì sau khi bộ đánh giá được rủi ro của giống cây này thì tiếp tục tới Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Y tế tiến hành điều tra tác động tới môi trường và sức khỏe con người và động vật.
Theo Thùy Dung