Giải pháp cho hộ nông dân

Gỡ khó cho hộ nuôi gia súc

Thiếu vốn sản xuất, khó mở rộng mặt bằng, đầu ra chưa ổn định là ba khó khăn lớn nhất mà người chăn nuôi ngoại thành đang gặp phải hiện nay.

Trong bối cảnh phải loay hoay tìm cách bám trụ, đã có ý kiến ví von chua xót rằng, người chăn nuôi đang như "cua trong rọ".

 


Nhiều vướng mắc
Có lẽ đã lâu lắm rồi, người chăn nuôi huyện Đan Phượng mới có cơ hội được tham dự một buổi tọa đàm sôi nổi và thiết thực như hội nghị triển khai một số nội dung về chăn nuôi trên địa bàn huyện do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức ngày 19/5 tại xã Phương Đình. Hàng trăm hộ chăn nuôi đã được gặp gỡ các nhà quản lý, trao đổi tâm tư, nguyện vọng của mình. Ông Nguyễn Văn Thế, thôn 7, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng hiện đang nuôi 200 con lợn thịt chia sẻ, nhiều người chăn nuôi đang loay hoay không chuyển đổi được đất đai để sản xuất. Ngay tại xã Trung Châu, dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư được quy hoạch và triển khai từ năm 2012 với diện tích 11,5ha nhưng đến nay mới chỉ có 9 hộ dân chuyển đổi được, còn lại đang vướng về các thủ tục. Về chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Hữu Hùng, thôn La Thạch, xã Phương Đình cho biết, việc tiêu thụ sữa trên địa bàn đang có rất nhiều vướng mắc. Phía DN thu mua yêu cầu người dân phải cam kết về số lượng sữa hàng ngày, nếu thiếu sẽ bị phạt, còn thừa thì công ty không thu mua (!). Trước yêu cầu bất hợp lý này, đa số bà con chưa ký vào bản cam kết do họ không thể kiểm soát được sản lượng sữa của gia đình. "Con bò chứ có phải cái máy đâu mà chúng tôi điều chỉnh được lượng sữa của nó hàng ngày" - ông Hùng giãi bày. Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, việc tiêu thụ sữa của người chăn nuôi bò sữa tại các xã Phương Đình, Trung Châu gặp rất nhiều khó khăn.
Toàn huyện Đan Phượng hiện có hơn 3.600 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 90.000 con. Đàn gia cầm có gần 250.000 con và đàn bò hơn 1.800 con. Những năm qua, cùng với chính sách và sự hỗ trợ của TP, Phương Đình trở thành xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm của huyện với tổng đàn 246 con. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ và người chăn nuôi gặp khó về vốn, đất đai, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, Trạm Phát triển chăn nuôi Đan Phượng mới đang phối hợp liên kết với Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) tổ chức ký kết, bao tiêu sản phẩm cho 45 hộ chăn nuôi bò sữa.
Thay đổi tư duy sản xuất
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, không chỉ huyện Đan Phượng mà thực tế các hộ chăn nuôi ở một số huyện khác trên địa bàn TP như Thường Tín, Gia Lâm, Quốc Oai cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Trong bối cảnh hội nhập đang ngày càng sâu rộng, yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn đòi hỏi hộ chăn nuôi gia súc phải thay đổi tư duy sản xuất. Nhằm từng bước tháo gỡ những vấn đề này, thời gian qua, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hàng loạt các hội nghị gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt được vướng mắc, nguyện vọng của các hộ chăn nuôi. Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, có thể nhận định ngành chăn nuôi vẫn còn "đất sống". Để giải quyết những yếu kém, người nông dân cần lưu ý phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời liên kết chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi với DN, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. "Nếu đi đúng hướng, tương lai chúng ta không chỉ thắng trên sân nhà mà còn có thể vươn mạnh được ra thị trường khu vực và thế giới" - ông Tường khẳng định.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng cho rằng, người chăn nuôi phải chủ động tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, TP cho chăn nuôi thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời chủ động tìm hiểu, phối hợp với các ngân hàng để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện nay, nhiều ngân hàng NN&PTNT tại các huyện, thị xã đã có chủ trương mở rộng cửa cho người chăn nuôi vay vốn, tuy nhiên, các hộ phải lưu ý hoàn thiện hồ sơ đất đai và dự án phát triển chăn nuôi.
Thiên Tú - Nguyễn Nga
Nguồn: ktdt.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác