Giải pháp cho hộ nông dân

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò sữa

Đến thăm mô hình chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Thanh Hùng ở thôn Bắc Hội, Hiệp Thạnh, Đức Trọng - một nông dân điển hình trong việc mạnh dạn chuyển đổi và tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi không khỏi không ngỡ ngàng trước hiệu quả của mô hình này.

Bắt đầu từ nguồn vốn 10 triệu đồng vay của Quỹ hỗ trợ nông dân, cùng với vốn tích luỹ gia đình, năm 2007, anh Hùng mạnh dạn mua 2 con bò sữa và đầu tư chuồng trại để chăn nuôi. Sau 5 năm phát triển nhân rộng đàn bò nhà anh lên đến 7 con. Ban đầu phải nói rằng anh Hùng khá lúng túng với kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Nhưng với bản chất của người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó; anh đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa của các địa phương khác, từ đó đã áp dụng thành công mô hình chăn nuôi tại gia đình mình.

 Theo anh Hùng thì bò sữa có nhiều điểm khác biệt so với bò nuôi lấy thịt. Trong số những điểm khác biệt đó thì bò sữa thích nghi tốt với nhiệt độ thoáng mát, bởi thế chuồng bò phải làm nơi khô ráo, thoáng, sạch sẽ, nên xây chuồng thành từng ngăn để nhốt riêng, thuận tiện cho việc vắt sữa và vệ sinh chuồng trại. Nói về kỹ thuật nuôi bò sữa, anh Hùng vui vẻ chia sẻ một số kinh nghiệm: khi tiến hành vắt sữa nên cho bò ăn hỗn hợp thức ăn rồi sau đó mới cho bò ăn cỏ. Bởi lẽ, bò là động vật có đặc điểm nhai lại. Nếu cho bò ăn cỏ trước khi vắt thì rất khó vắt và không đảm bảo số lượng sữa. Thức ăn chính của bò là khoai lang, cỏ sữa, dây đậu leo. Nhờ vào điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, gia đình đã chủ động trồng và tự cung cấp nguồn thức ăn cho bò. Vì thế mà thức ăn của bò hết sức dồi dào và hạn chế được một số chi phí chăn nuôi. Anh cho biết: “Mỗi ngày tôi tiến hành vắt sữa hai lần là sáng và chiều tối, trung bình mỗi ngày đàn bò 7 con của nhà tôi vắt được 70kg sữa. Giá thu mua hiện tại mỗi kg sữa dao động từ 10 ngàn đến 10.800 đồng/kg, đạt chất lượng, đạt độ khô và độ béo”. Hiện giá thu mua ngày càng tăng cao và không còn bấp bênh như trước đây nên anh rất phấn khởi và yên tâm đầu tư chăn nuôi. Với mức giá  này bò sữa đang mang lại thu nhập kinh tế ổn định hơn rất nhiều so với các ngành chăn nuôi khác mà anh đã từng đầu tư. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ đàn bò sữa trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả chi phí sản xuất. Thêm vào đó gia đình anh còn đầu tư vào trồng rau: cà chua, bắp cải, sà lách, sú…nên thu nhập gia đình rất ổn định.

 Anh Hùng bán sữa cho 2 đại lý thu mua sữa là Dalatmilk và Vinamilk. Anh cũng mua các loại máy móc phục vụ cho chăn nuôi bò của công ty Dalatmilk. Anh rất muốn mở rộng mô hình với quy mô lớn hơn để tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên điều mà anh trăn trở nhất là gia đình thiếu vốn để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mua máy vắt sữa, máy xay cỏ. Thêm vào đó là khó khăn khi mua giống vì tại thời điểm này một con bò giống đã là 45 triệu. Hơn nữa thị trường tiêu thụ sữa khó khăn do đại lý thu mua sữa trong địa bàn còn quá ít, hai đại lý này không thu mua hết lượng sữa bò trong dân. Nguyện vọng của anh cũng giống với tất cả bà con nông dân ở đây là mong muốn đại lý Dalatmilk và Vinamilk thu mua hết lượng sữa bò trong dân. Đồng thời đề nghị Nhà nước có chính sách cho vay với để nuôi bò sữa mức vốn cao hơn, thời hạn cho vay kéo dài để nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cộng thêm ý chí làm giàu của người nông dân, hy vọng nông dân xã Hiệp Thạnh nói riêng, nông dân tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước về chính sách đầu tư, cho vay vốn và các dự án để phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa. Có như vậy thì đời sống nông dân ngày được cải thiện và nâng cao về mọi mặt!

 

 

THANH HOA


Nguồn: HND Lâm Đồng
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác