Giải pháp cho hộ nông dân
Thăng trầm với con bò sữa
Phía sau Trạm dừng chân Bò sữa Long Thành (quốc lộ 51, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) là con đường đất đỏ dẫn vào làng nuôi bò sữa. Không khí ở đây lúc nào cũng mát mẻ, hai bên đường được che phủ những hàng tràm, xà cừ tán rộng. Trong làng, nhà dân nằm rải rác và được ngăn cách bởi những đồng cỏ rộng lớn đang kỳ vươn lên xanh tốt. Ghé thăm các hộ nuôi bò sữa lúc sáng sớm, dễ dàng bắt gặp cảnh mọi người thu hoạch sữa tươi rồi tất bật ra đồng cắt cỏ.
* Làng “bò sữa”
Bà Đinh Thị Lan ngụ ấp 3, xã Tam Phước cho hay, năm 1997 khu vực này được Công ty Liên doanh bò sữa Đồng Nai TNHH tạo điều kiện nuôi bò sữa. Địa hình ở đây bằng phẳng, cao ráo và rất thuận lợi cho việc phát triển những đồng cỏ rộng lớn. Sau vài tháng chăm sóc, cỏ bắt đầu lên xanh tốt, trải rộng lên đến gần chục hécta. Bò giống được nhập về, giao cho các hộ nông dân chăm sóc, từ đó mà hình thành nên làng nuôi bò sữa. Đến nay, sau gần 20 năm nuôi bò sữa, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và kinh tế có phần
khá giả.
“Có thời điểm, làng “bò sữa” có trên 30 hộ nuôi bò sữa với tổng số đàn gần 400 con. Đây là số lượng tương đối lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa của thị trường. Nghề này đôi lúc gặp khó khi giá sữa xuống thấp, thức ăn tăng nên không có lời, nhưng bà con vẫn quyết bám trụ vì phía công ty đã bao tiêu sản phẩm, ai cũng yên tâm sản xuất” - bà Lan hồ hởi nói.
Ở làng “bò sữa” có gia đình chỉ nuôi 5-6 con bò, nhưng cũng có hộ nuôi trên 30 con, tạo thành những trại bò lớn trong làng. Theo ông Nguyễn Bá Pháp, một nông dân gắn bó nghề nuôi bò sữa ngay từ những ngày đầu, quãng thời gian chăm sóc từ con bò giống đến khi cho ra sữa vô cùng vất vả. Nếu lơ là vệ sinh chuồng trại và tắm rửa cho bò, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bò; hay cho ăn không đúng quy cách cũng ảnh hưởng đến sản lượng sữa. Bởi chất lượng sữa là tiêu chuẩn hàng đầu, nên người nông dân bắt buộc phải áp dụng đúng quy trình mà phía công ty sữa đặt ra.
Bà Đinh Thị Lan (ngụ ấp 3, xã Tam Phước) cho hay: “Sắp tới, người dân sẽ hết hợp đồng với phía công ty, đàn bò được công ty mua lại, chuyển về nuôi thành trang trại lớn ở huyện Xuân Lộc. Sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi bò sữa, không chỉ cuộc sống của gia đình tôi mà cả hàng chục hộ dân khác trong làng đều đã thay đổi hoàn toàn”. |
Ông Pháp là người nuôi bò có tiếng ở làng “bò sữa”, đàn bò của gia đình ông luôn đứng nhất làng về khoản thu hoạch sữa. Trung bình mỗi con bò cho khoảng 15kg sữa/ngày, riêng bò của ông Pháp có thể vắt được hơn 20kg/con. Không những đi đầu về sản lượng mà chất lượng sữa do ông Pháp cung cấp cũng được đảm bảo.
Ông Pháp cho hay, người nuôi phải rất kiên trì và tích cực áp dụng các quy chuẩn nhằm thu được nguồn sữa chất lượng, từ đó mà giá trị kinh tế mang lại luôn cao và ổn định. “Nghề chăn nuôi bò sữa nơi đây cũng phải trải qua một giai đoạn dài với rất nhiều thăng trầm, nhưng ít ai bỏ nghề… Công việc này chỉ cần bỏ công đi cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại và cho ăn đầy đủ là có sữa bán. Mỗi ngày, tôi bỏ túi vài triệu bạc” - ông Pháp tỉ tê nói.
* Cuộc sống thay đổi
Ghé thăm trại bò sữa của các hộ nông dân ở xã Lộc An (huyện Long Thành), người nông dân rất phấn khởi khi giá sữa tươi bán cho công ty sữa trong những ngày qua luôn ở mức cao. Theo bà con, chưa bao giờ đầu ra cho bò sữa lại tốt như hiện nay, nguồn sữa thu được và con giống đều cho lợi nhuận cao. Giá sữa mà người nuôi bán cho công ty thu mua đã lên 15 ngàn đồng/kg sữa, cao nhất từ trước đến nay.
Nông dân Huỳnh Văn Lập (ngụ ấp Thanh Bình, xã Lộc An) vui mừng nói, trước khi nuôi bò sữa, gia đình ông phải xoay đủ nghề để lo cho cuộc sống, nhưng luôn bấp bênh. Cách đây gần chục năm, nhận thấy nhiều hộ nông dân ở các huyện: Hóc Môn, Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao, ông đã quyết định mua một cặp bò sữa giống về nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi bò nên từ số bò ít ỏi ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình ông đã lên gần 25 con.
Ông Lập cho biết, khi bò mẹ đẻ ra bò đực thì ông đem bán hoặc nuôi lấy thịt, còn đẻ bò cái ông sẽ tiếp tục nuôi để lấy sữa. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và đầu tư máy móc nên tiền lãi hàng tháng ông thu được gần 100 triệu đồng. Ông Lập còn thuê một bác sĩ thú y để chăm sóc sức khỏe cho đàn bò. Theo ông, nuôi bò cho sữa có tiền ngay trong ngày, với giá thành hiện tại thì người nông dân hoàn toàn có lời. Điều này đã kích thích bà con nông dân giữ vững và tăng đàn bò sữa để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Huỳnh Văn Lập chăm sóc cho đàn bò sữa của gia đình. |
“Nghề nuôi bò sữa thuận lợi là giá thành sữa nhập vào công ty luôn ổn định trên nguyên tắc công ty mua trực tiếp với người nông dân, còn việc chăn nuôi hiện nay đã có máy móc hỗ trợ nên không tốn nhiều công sức. Từ trước đến nay, sữa tươi mà gia đình tôi thu hoạch đều có mối thu mua nên không lo đầu ra bấp bênh. Có tiền, tôi đã cất được căn nhà khang trang, lo các cho con ăn học tới nơi tới chốn” - ông Lập chia sẻ.
Cách nhà ông Lập không xa, vợ chồng ông Đào Văn Thu không lúc nào ngơi tay, hết vắt sữa chở đi bán, cắt cỏ cho bò ăn thì họ chuyển sang vệ sinh chuồng trại, tắm mát cho đàn bò. Vì thế, cuộc sống của người nông dân bao giờ cũng bận rộn. Gắn bó với công việc này gần 5 năm, đàn bò của gia đình ông Thu hiện đã có chục con (trong đó có 7 con cho sữa), mỗi ngày thu hoạch hơn 1 tạ sữa đạt chuẩn. Ông Thu là người rất chịu khó học hỏi nên từ một hộ nông dân nghèo nay đã có của ăn của để.
“Gia đình tôi đang trồng 1 hécta cỏ làm nguồn thức ăn cho bò và sắp tới tôi sẽ bỏ vốn mở rộng trang trại. Trồng hoa màu trên 3 tháng mới thu hoạch, trúng lắm cũng lời khoảng chục triệu đồng/vụ, nhưng nuôi bò lãi hơn nhiều. Nghề này đã giúp cuộc sống gia đình tôi ngày một ấm no…” - ông Thu vui mừng tâm sự.
Thanh Hải