Người tiêu dùng sữa

Chọn mua sữa theo cách thông minh

TTO - Sữa và các sản phẩm từ sữa là mặt hàng không thể thiếu trong rổ hàng mỗi lần đi mua sắm của các bà nội trợ hay gia đình có con nhỏ.

 Theo các công ty nghiên cứu thị trường, khoảng 2/3 người mua sữa cho bé tại siêu thị, sau đó địa điểm được lựa chọn nhiều tiếp theo mới là cửa hàng tạp hóa.

 

Hành vi tiêu dùng này được hình thành xuất phát từ tâm lý chọn nơi mua sản phẩm được bảo quản an toàn hơn.

 

Mua vừa đủ dùng

 

Chị Trâm, ngụ Q.Bình Tân cho biết hằng tháng gia đình luôn dành một khoản cố định cho việc chi tiêu sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phômai, váng sữa... đảm bảo dinh dưỡng dành cho hai bé trong độ tuổi phát triển.

 

“Thường cứ 2-3 ngày tôi đi siêu thị nên kết hợp mua luôn sữa chua, sữa tươi..., lượng mua vừa đủ dùng cho ba ngày dùng chứ ít khi mua nhiều, sử dụng trong thời gian lâu hơn”, chị Trâm cho biết.

 

Theo chị Trâm, sữa tươi hay sữa chua thì không nên để lâu, dùng ngay vừa đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và tránh tình trạng đổ bỏ vì hạn sử dụng các sản phẩm này khá ngắn.

 

Thỉnh thoảng, bận rộn công việc chị Trâm mới ghé mua tiệm tạp hóa trên đường đi làm về, nhưng chỉ chọn những điểm bán có máy lạnh, hàng được bảo quản tốt.  

 

Cũng đang nuôi con nhỏ, chị Mai Anh, ngụ Q.Bình Thạnh cho biết chị vẫn thường chọn mua sữa bột tại siêu thị.

 

Nhiều người cho rằng giá sữa trong siêu thị sẽ cao hơn bên ngoài, nhưng chị Mai Anh cho rằng điều quan trọng là hộp sữa bột trong siêu thị được bảo quản đúng nhiệt độ, hạn sử dụng mới, chị cũng được tích điểm vào thẻ thành viên, giảm chiết khấu... tính ra hưởng nhiều tiện ích.

 

“Nhiều thời điểm giá sữa bên ngoại biến động trước các đợt tăng giá của hãng sữa thì siêu thị vẫn khá ổn định. Tôi để ý rằng giá điều chỉnh trong siêu thị thường có độ trễ từ 1-2 tuần, nếu mình may mắn vẫn mua được giá cũ, chưa tăng”, chị Mai Anh chia sẻ kinh nghiệm.

 

Dạo quanh một vòng các siêu thị, sữa và các sản phẩm từ sữa được trưng bày khá bắt mắt, đây là ngành hàng không ngừng mở rộng sản phẩm cũng như chứng kiến sự tham gia của nhiều thương hiệu mới vào mảng thức uống này.

 

Tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), các sản phẩm sữa chua hộp, váng sữa, sữa chua nước... được bảo quản trong tủ mát, đây cũng là khu vực đông người chọn mua, vì vậy nhân viên phụ trách quầy luôn phải túc trực để châm hàng kịp thời.

 

Theo nhân viên tiếp thị tại siêu thị, ngành hàng sữa luôn có chương trình khuyến mãi, ngoài tặng thêm sản phẩm, giảm giá... thì hình thức khuyến mãi được nhiều người tiêu dùng ưa thích là tặng quà, đặc biệt là những món quà đồ chơi dành cho trẻ em.  

 

Quan sát về hành vi tiêu dùng, ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho rằng khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người trở nên bận rộn hơn thì nhu cầu mua sắm tại những hệ thống siêu thị hiện đại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

 

Điều này cũng lý giải tại sao mà hiện nay mọi mặt hàng thiết yếu hằng ngày đang được nhiều bà mẹ vào hệ thống siêu thị để lựa mua, trong đó có mặt hàng sữa.

 

“Chúng tôi nhận thấy đây là ngành hàng quan trọng để có sự chăm chút đúng cách, tạo thêm tiện lợi cho người tiêu dùng”, ông Hoàng Anh nói.

 

Mua những nơi bảo quản tốt

 

Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng cho biết ngành hàng sữa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tỉ trọng kinh doanh của nhà bán lẻ. Doanh số mảng này giữ được nhịp tăng đều đặn qua mỗi năm.

 

Ông Hoàng Anh, cho rằng nhu cầu dùng sữa của người dân ngày càng tăng cao một phần nhờ vào mức sống, thu nhập của người dân được cải thiện, cùng với sự tăng trưởng trong niềm tin tiêu dùng cũng như ý thức quan tâm đến sức khỏe của người dân.

 

Nhưng trên hết, người tiêu dùng cho rằng khi muốn sử dụng sản phẩm sữa mới thì họ sẽ vào siêu thị. Bản thân các nhà cung cấp luôn dành một chương trình riêng cho nhà bán lẻ để đảm bảo đủ sức hấp dẫn cho người tiêu dùng đến đây mua sắm.

 

“Chúng tôi cũng thiết kế những chương trình riêng dành cho ngành hàng sữa vào những thời điểm khác nhau trong năm.

 

Ngoài ra cũng như nhiều mặt hàng đang kinh doanh trong siêu thị, khi mua sản phẩm sữa khách hàng vẫn được hưởng tất cả các dịch vụ tiện ích của khách hàng thành viên như tích điểm, giao hàng miễn phí tận nơi”, ông Hoàng Anh cho biết thêm.

 

Chuyên gia cho rằng các chương trình khuyến mãi và hậu mãi có vai trò quan trọng trong ngành sữa. Đặc biệt là sản phẩm sữa dành cho trẻ em, người tiêu dùng luôn cần được tư vấn tại điểm bán về cách dùng, hương vị cũng như cách bảo quản.

 

Ngoài ra, nhiều bà nội trợ cho rằng khi mua hàng tại những điểm bán có trang bị thiết bị hiện đại như máy lạnh, tủ mát là chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

 

Chị Mai Anh nói không ít lần chị mua nhầm phải sữa nước bị vón cục, chua... hay sữa chua bị mốc đen. “Mỗi lần như vậy mình phải đem đi trả lại, khá phiền phức nếu không còn giữ hóa đơn” - chị Mai Anh kể.

 

Theo bác sĩ Đào Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cũng như các sản phẩm từ sữa là có hàm dinh dưỡng cao, là sản phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh, ngăn mát, nhiệt độ phù hợp là từ 2-5 độ C, hạn chế để ở khu vực cửa tủ lạnh mở ra vào thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến thời gian sử dụng.

 

Bác sĩ Đào Yến Phi cũng lưu ý sữa càng tươi càng tốt cho người tiêu dùng, vì thế người tiêu dùng nên chọn sữa có hạn càng xa càng tốt.

 

Ngoài ra cần xem kỹ để đảm bảo hộp sữa còn nguyên vẹn, không bị méo mó, hoặc vết lõm, thủng lỗ. “Hương vị của sữa có thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp”, bác sĩ Phi nhấn mạnh.

 

Trong khi đó, nhiều điểm bán hiện nay do diện tích cửa hàng chật chội nên bảo quản không tốt như đặt sữa bên ngoài hay trong nhà nhưng bị nắng trực tiếp chiếu vào, đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa, vỏ hộp, vỏ thùng sữa có dấu vết xây xát, móp méo...

 

Theo ông Võ Hoàng Anh, phần lớn sản phẩm sữa trong nước đang bày bán tại Co.opmart đều được chở trực tiếp từ nhà máy đến siêu thị, sản phẩm vừa rời xưởng được chuyển ngay lên xe lạnh chuyên dụng để đưa vào siêu thị, lên kệ hoặc lưu trữ trong kho lạnh của siêu thị.

 

Như vậy, với một hệ thống quản lý bài bản, cùng sự hợp tác có hệ thống thì người mua hàng tại các siêu thị có thể phần nào yên tâm về chất lượng sản phẩm sữa.

 

Nỗ lực ổn định giá sữa

Ngoài chất lượng, một vấn đề bà nội trợ cũng rất quan tâm là giá sữa. Trước đây giá sữa cứ năm sau tăng cao hơn năm trước, và giữ mức cao ổn định hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, khiến nhiều gia đình xem việc mua sữa cho con là gánh nặng không nhỏ. Để kiểm soát thị trường sữa trong nước, Nhà nước đã sử dụng công cụ giá trần.

Chọn mua sữa theo cách thông minh

Khách hàng chọn mua sữa trẻ em tại siêu thị Co.op mart (TP.HCM) sáng 22-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Tuy nhiên, ngày 31-3 tới đây là thời hạn cuối cùng của cơ chế áp trần giá sữa. Bộ Công thương đã dự kiến cho dỡ bỏ trần giá sữa.

 

Theo dự thảo mới, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tự xác định mức giá bán lẻ sữa đến người mua cuối cùng, đồng thời đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan nhà nước; triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước. Nhiều người tiêu dùng lo lắng giá sữa sẽ biến động thời gian tới.

 

Các siêu thị cho biết luôn có một lượng hàng tồn tối thiểu trong kho của siêu thị, trong trường hợp nhà cung cấp muốn điều chỉnh giá, họ phải bước qua nhiều khâu, trong đó có giải trình lý do tăng giá. “Do vậy, siêu thị luôn có độ trễ trong điều chỉnh tăng giá so với thị trường. Nếu nhà cung cấp giải trình không hợp lý, chúng tôi có quyền từ chối đề xuất này”, ông Hoàng Anh khẳng định.

Nguồn: tuoitre.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác