Sữa Thế giới

Căng thẳng thương mại: Trung Quốc điều tra chống trợ cấp sữa EU

Năm 2023, xuất khẩu sản phẩm sữa của EU sang Trung

 Trung Quốc vừa mở cuộc điều tra chống trợ cấp nhằm vào các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Đây là động thái "ăn miếng, trả miếng" mới nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bên.

 

Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc điều tra sẽ nhằm vào một số sản phẩm sữa, bao gồm phô mai tươi và phô mai chế biến sẵn từ các quốc gia EU. Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu sản phẩm sữa của EU sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ euro (tương đương 1,9 tỷ USD) vào năm ngoái.

 

Động thái của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng liên quan tới vấn đề trợ cấp, khởi nguồn từ xe điện rồi tới thịt lợn và rượu cognac.

 

Gần đây, EU kết luận cuộc điều tra nhằm vào xe điện Trung Quốc, cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện đã dẫn tới lợi thế về chi phí không công bằng cho các công ty của nước này. Do đó, khối này quyết định tăng thuế quan với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc điều tra với sản phẩm sữa châu Âu được thực hiện theo yêu cầu của các nhóm ngành trong nước. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xem xét 20 chương trình trợ cấp của EU, bao gồm một số chương trình được triển khai theo Chính sách Nông nghiệp chung cùng một số chương trình ở Italy và Phần Lan. Cuộc điều tra dự kiến kéo dài trong một năm và có thể gia hạn thêm 6 tháng trong trường hợp đặc biệt.

 

Trung Quốc hiện nhập khẩu sản phẩm sữa từ nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Hà Lan và Pháp. Tuy nhiên, nhà cung cấp sữa lớn nhất của nước này là New Zealand. Những năm gần đây, nhập khẩu sữa của Trung Quốc giảm dần nhờ sản lượng sữa nội địa tăng lên cũng như do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước.

 

Phản ứng với quyết định của Bắc Kinh, người phát ngôn Olof Gill của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU sẽ “kiên quyết bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp sữa của khối”.

 

“Chúng tôi sẽ can thiệp ở mức độ phù hợp để đảm bảo cuộc điều tra của Trung Quốc tuân thủ đúng các quy định liên quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, ông Gill cho biết.

 

Trong khi đó, các tổ chức như Liên đoàn Công nghiệp sữa Quốc gia của Pháp khẳng định sẽ phối hợp với nhà chức trách Trung Quốc trong suốt quá trình diễn ra cuộc điều tra.

 

“Chúng tôi tin rằng EU và Trung Quốc sẽ tìm được cách thức mang tính xây dựng để giải quyết các bất đồng, như trước đây từng làm trong các vấn đề khác”, ông Alexander Anton, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa châu Âu, phát biểu.

 

Người phát ngôn của Chính phủ Đức, ông Wolfgang Buechner, nói rằng Đức “mong muốn sẽ có một giải pháp thân thiện và một hướng đi đúng đắn trong quan hệ thương mại quốc tế nhằm tránh nguy cơ leo thang căng thẳng – điều gây hại cho tất cả các bên”. Đức là nước EU xuất khẩu sữa nhiều nhất vào Trung Quốc năm ngoái.

 

Theo tổ chức Milchindustrie-Verband, đại diện cho ngành công nghiệp sữa Đức, phô mai và sản phẩm kem của Đức là những mặt hàng có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.

 

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo EU đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp bản địa trước những hành vi thương mai mà họ xem là “không công bằng” của Trung Quốc. Điều này ngày càng đưa chính sách Trung Quốc của khối này xích lại gần hơn với chính sách Trung Quốc của Mỹ. Tuy nhiên, hệ quả của những nỗ lực này là mối quan hệ của Brussels với Bắc Kinh xấu đi những tháng gần đây.

 

“Sau cuộc điều tra chống bán phá giá với thịt lợn châu Âu được công bố vào giữa tháng 6 của Trung Quốc, một số doanh nghiệp trong ngành sữa châu Âu đã phần nào dự đoán được rằng một cuộc điều tra tương tự với ngành này cũng sẽ xảy ra”, ông Jose Saiz, nhà phân tích cấp cấp cao tại công ty cung thông tin thị trường Expana, cho biết.

 

“EU đã không đặt kỳ vọng vào nhu cầu lớn từ Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa của khối này trong năm nay và đang tìm kiếm các thị trường thay thế”, ông Saiz nói.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác