Sữa Thế giới
Gói hỗ trợ mới của EU liệu có giúp cải thiện thị trường sữa?
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan đã giới thiệu những biện pháp hỗ trợ mới dành cho nông nghiệp - lĩnh vực hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với sản xuất dư thừa và giá sụt giảm.
Tình trạng này khiến Ủy ban châu Âu (EC) quyết định giải ngân 500 triệu euro chia cho các quốc gia thành viên để hỗ trợ nông dân. Trong gói hỗ trợ này, 350 triệu euro sẽ được hỗ trợ chung cho nông dân (Bỉ sẽ được nhận 11 triệu euro).
Trong khi đó, 150 triệu euro còn lại sẽ dùng để bù đắp cho những người tự nguyện giảm sản xuất sữa trong 3 tháng (từ tháng 10-12/2016). Mức đền bù ước khoảng 14 xu euro/lít.
Số tiền này không trao trực tiếp cho nông dân mà cho các hợp tác xã sữa, điều mà công đoàn ngành sữa muốn tránh bằng mọi giá.
Hồi tháng Tư vừa qua, châu Âu đã cho phép điều phối sản lượng sữa trên cơ sở tự nguyện mà không hỗ trợ tài chính và cuối cùng cũng quyết định can thiệp nhưng không đưa ra bất cứ sự đảm bảo nào cho việc áp dụng phổ cập và bắt buộc giảm sản lượng.
Trên thực tế, không một quốc gia nào triển khai hoạt động điều phối này do lo ngại chỉ một mình áp dụng trong khi các nước khác phản đối.
Bỉ được coi là "quán quân" trong việc sản xuất dư thừa sữa và nhiều nhà sản xuất lại ủng hộ việc này.
Kết thúc cuộc họp Hội đồng nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp liên bang Bỉ Willy Borsus tuyên bố đây là câu trả lời khá "rụt rè" của EC khi hiện nay đã có 3 triệu lít sữa được lưu trữ sau khi thu hồi từ thị trường để tăng giá.
Chắc chắn đây là một bước đi đúng hướng vì lần đầu tiên châu Âu tái áp dụng cơ chế giảm sản lượng sữa sau hơn một năm tăng hạn ngạch sữa.
"Điều này cho thấy EC đã lắng nghe chúng ta nhưng số tiền huy động quá nhỏ và không được phân bổ đúng ở cấp châu Âu", Bộ trưởng Willy Borsus nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp vùng Wallonie René Collin cũng cùng chung sự thất vọng. "Tôi cho rằng số tiền bù đắp cho người sản xuất không đủ cũng như thời gian điều tiết còn quá ngắn. Tôi tiếc rằng châu Âu chỉ đưa ra những biện pháp giảm tự nguyện sản xuất sữa mà không đưa ra việc đảm bảo cho tất cả các quốc gia và tất cả các vùng sản xuất sữa cam kết giảm sản lượng".
Châu Âu bị "tê liệt" bởi niềm tin mù quáng vào thị trường và không dám dũng cảm ép buộc mỗi quốc gia hợp tác hiệu quả trong nhu cầu cần thiết phải giảm sản xuất dư thừa vì đây là nguyên nhân đầu tiên của tình trạng giá sụt giảm.
Trong vài ngày tới, Bộ trưởng René Collin sẽ gặp gỡ các hiệp hội nông nghiệp vùng Wallonie để thảo luận về cách thức áp dụng việc điều tiết sản xuất.
Mới đây, EC đã cho phép hỗ trợ trực tiếp mà khoản tiền hỗ trợ có thể sử dụng điều tiết sản xuất sữa và sẽ trao trực tiếp cho người sản xuất mà không qua cơ chế khung như các cơ sở chế biến sữa.
Các công đoàn nông nghiệp không hài lòng lắm với những biện pháp mà châu Âu áp dụng.
Luc Hollands, Thư ký công đoàn sữa Mig nhận định: Không một nông dân nào sẽ giảm sản lượng với việc bù giá 14 xu euro cho một lít sữa".
Để phản ứng lại các biện pháp này, Mig thông báo họ sẽ có những hành động cứng rắn.
Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)