Sữa Thế giới
Nông dân Mỹ cũng phải đổ bỏ hàng vạn lít sữa bò mỗi ngày
Chiều thứ Ba, 31.3, bác nông dân nuôi bò sữa Jason Leedle đang cảm thấy bụng dạ bồn chồn thì nhận được điện thoại. “Chúng tôi đề nghị anh bắt đầu đổ bỏ sữa”, đó là nội dung cuộc gọi từ hợp tác xã bò sữa lớn nhất nước Mỹ - Dairy Farmers of America (DFA).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, nhu cầu càng tăng cao đối với những nhu yếu phẩm như bơ, sữa. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sữa bị gián đoạn hàng loạt khiến cho những nông dân nuôi bò sữa không thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Bên cạnh đó, các đơn hàng bán cho những thị trường xuất khẩu bơ sữa lớn cũng không còn do lĩnh vực phục vụ thực phẩm hầu hết đóng cửa trên toàn cầu.
Khi nhà hàng và trường học đóng cửa
Việc đóng cửa các nhà hàng và trường học đã dẫn đến sự chuyển đổi đột ngột từ thị trường phục vụ thực phẩm bán sỉ sang các cửa hàng tạp hóa bán lẻ. Điều này tạo nên những cơn ác mộng về đóng gói và vận chuyển cho các nhà máy chế biến sữa, bơ và phô mai.
Trong khi đó, các công ty vận tải chuyên chở những sản phẩm bơ sữa phải nỗ lực để có đủ tài xế vì một số người sợ lây nhiễm Covid-19 đã nghỉ làm. Tìm được đủ tài xế là một trong những thử thách hiện nay. Các hiệp hội nông nghiệp còn vận động các bang nâng tải trọng xe lưu thông trên xa lộ để có thể giao được nhiều thực phẩm hơn.
Dean Foods triển khai những ca làm việc bắt đầu sớm hơn và kết thúc trễ hơn. Đặc biệt, công ty này còn hứa thưởng 1.000 USD cho những tài xế có kinh nghiệm chuyên chở sữa ngay khi nhận việc trong nỗ lực tuyển đủ 74 vị trí còn trống.
Một vấn đề lớn khác là sự khó khăn trong việc chuyển đổi từ đóng gói dạng sỉ cho hệ thống nhà hàng sang chuẩn bị sản phẩm bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa. Các nhà phân tích ngành bơ sữa cho rằng cần hàng triệu USD để lắp đặt thiết bị mới chuyển đổi một nhà máy từ sản xuất loại phô mai cỡ lớn cung cấp cho các nhà hàng thức ăn nhanh sang loại phô mai cỡ nhỏ cho các cửa hàng. Ngay cả việc chuyển từ vô bao phô mai sợi cheddar khoảng 5 kg cho ngành phục vụ thức ăn sang đóng gói túi nhỏ chỉ nhỉnh hơn 200g cho các cửa hàng cũng đòi hỏi trang bị robot đóng gói và máy móc dán nhãn mới với chi phí không nhỏ.
Schreiber Foods Inc, một trong những nhà sản xuất bơ sữa và phân phối thực phẩm hàng đầu của Mỹ, đang cắt giảm giờ làm của công nhân ở các nhà máy sản xuất chuyên cung ứng cho ngành nhà hàng và thêm nhân viên cho các nhà máy sản xuất đáp ứng thị trường bán lẻ.
Siêu thị không có, nông dân đổ bỏ
Tại các cửa hàng tạp hóa, nhu cầu đối với các sản phẩm bơ sữa vẫn tăng cao vì người tiêu dùng phải ở nhà trong mùa dịch cho dù việc mua sắm hoảng loạn đang dịu lại. Đầu tuần này, một chợ ở địa phương đã bảo vợ của ông Leedle rằng bà chỉ có thể mua 2 sản phẩm bơ sữa mỗi lần đi mua sắm vì những nhà bán lẻ trên toàn quốc định phần cho nhiều sản phẩm thuộc nhóm nhu cầu cao!
Xu hướng mua hoảng loạn khiến các kệ hàng gần như hết sạch trong vài tuần gần đây khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và gần như cách ly xã hội toàn quốc. Theo số liệu của Nielsen, lượng mua sữa bán lẻ tăng gần 53% trong tuần lễ kết thúc ngày 21.3, doanh số bán bơ tăng vọt hơn 127% và phô mai tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán lẻ trung bình của sữa bò cũng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, từ thứ Ba, ông Leedle phải đổ bỏ gần 18.000 lít sữa vắt từ 480 con bò mỗi ngày. Trả lời Reuters, DFA - hợp tác xã nuôi bò sữa với 7.500 thành viên cho biết họ đã yêu cầu một số nông dân khác thuộc hợp tác xã cũng làm như vậy.
Các hợp tác xã nuôi bò sữa giám sát việc tiếp thị sữa cho tất cả các thành viên và phụ trách giao hàng. Theo ông Leedle, ông và những nông dân phải đổ bỏ sữa sẽ được trả tiền nhưng thu nhập của tất cả các thành viên hợp tác xã sẽ bị ảnh hưởng do mất doanh thu.
Hợp tác xã Land O’Lakes cũng đã cảnh báo các thành viên của mình rằng họ có thể phải đổ bỏ sữa. Foremost Farms USA còn tỏ ra căng thẳng hơn khi viết thư gửi các thành viên: “Bây giờ là lúc nên cân nhắc giảm bớt đàn bò của quý vị. Chúng tôi tin rằng khả năng thu gom và chế biến sữa có thể bị tạm ngừng”. Hợp tác xã này còn sở hữu các nhà máy chế biến bơ và phô mai, nhưng họ cho rằng việc đổ bỏ sữa là điều có thể thấy trước mắt.
Theo các chuyên gia kinh tế mảng nông nghiệp và những nhà phân phối thực phẩm, việc đổ tháo sản phẩm của nông dân nuôi bò sữa ở Mỹ là một phần trong bức tranh rộng hơn về chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu thời Covid-19. Điển hình như ở Ấn Độ, nông dân phải đổ bỏ dâu, rau cho bò ăn và vứt hoa làm phân. Ngay tại Việt Nam, nông dân Đà Lạt cũng vứt làm phân hàng triệu cành hoa và bỏ hàng chục tấn rau do mất đi nguồn tiêu thụ từ hệ thống nhà hàng vì họ đã đóng cửa.