Sữa Thế giới

Nuôi bò sữa ở Israel.

(Dairy Việt Nam) Hơn 70 năm qua, nghĩa là 20 năm trước ngày thành lập nhà nước- 1948, Israel đã bắt đầu phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Bò sữa là ngành lớn nhất của nông nghiệp Israel ngày nay. Ngành chăn nuôi bò sữa đã duy trì được sự phát triển ổn định qua nhiều năm. Từ đầu những năm 1990 tốc độ phát triển đạt 4% mỗi năm. Israel đã phát triển các phương pháp chăn nuôi và nuôi dưỡng đặc biệt, phù hợp với điều kiện khí hậu và những khó khăn về đất đai và nguồn nước. Nhiều năm thực hiện định hướng này đã làm chuyển hẳn năng suất sữa của bò Israel lên mức cao và sự hỗ trợ của hệ thống máy tính trong chăn nuôi đã phát huy tác dụng. Quá trình hướng tới mục đích hiệu quả sản xuất tốt hơn và hợp lí hơn ở những trại bò sữa đã được tiến hành liên tục và kiên định từ 5 thập kỉ qua. Kết quả đã được chứng minh bởi sự gia tăng năng suất sữa ở mỗi con bò.

Những người Do thái đầu tiên từ Đông Âu tiên phong đến Israel hơn 100 năm trước đã có thói quen dùng sữa và các sản phẩm từ sữa. Họ định cư lâu dài ở đây với mục tiêu phát triển đàn bò sữa địa phương. Nhưng năng suất sữa của bò địa phương rất thấp, những con bò sữa châu Âu cho năng suất sữa cao hơn lại không thích hợp với khí hậu và điều kiện địa phương. Những người đầu tiên định cư, vì thế, đã quyết định phát triển giống bò sữa đặc biệt cho mình, đó là sản phẩm lai tạo giữa các giống bò địa phương Damascene và Baladi với bò Friesian của Hà Lan và Đức. Năm 1947 bò đực Holstein được nhập từ Canada. Từ năm 1950 đến 1962 nhập thêm bò đực và bò cái Holstein từ Mỹ. Từ năm 1963 hầu như tất cả bò cái sữa của Israel được phối tinh với đực HF sinh ra tại địa phương (Joel I. Weller và ctv, 2001). Như vậy chỉ trong vòng 20 năm lai tạo, kết quả đã tạo ra một giống bò năng suất cao hơn và thích nghi rất tốt với khí hậu. Giống này được biết đến như là giống Friesian của Israel. Đàn bò sữa của Israel ngày nay không chỉ có năng suất sữa bình quân cao nhất thế giới mà tổng lượng protein sữa và mỡ sữa cũng rất cao. Thành công này có sự góp phần rất quan trọng của tinh bò đực giống từ Mỹ và Canada.  

Điều kiện sản xuất và công tác giống

Điều kiện làm giống bò sữa ở Israel tương đối khó. Đất nước nhỏ, diện tích đất trồng trọt và chủ động tưới rất ít, ngoài ra nguồn nước cũng rất hạn chế. Mưa chỉ xảy ra vào mùa đông ở vùng phía Bắc, rất hiếm khi, có thể nói là chưa bao giờ có mưa ở phía Nam. Khí hậu ấy đã đưa đến diện mạo kĩ thuật của quá trình sản xuất hiện nay. Khí hậu khô nóng và không có đất trồng trọt là những lí do mà những con bò sữa không thể được chăn thả ngoài đồng cỏ tự nhiên, chúng được nuôi bởi thức ăn nhập khẩu. Vì điều kiện địa phương như vậy nên việc sinh sản của bò sữa được đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển. Bò không thể sinh từ tháng tư đến tháng 7 để tránh thời kì tiết sữa diễn ra vào những tháng nóng. Đúng như vậy, vào mùa hè thực sự là bò sữa không đậu thai. Tần số phối giống nhân tạo vào dịp mùa hè giảm 40-50%.

Sản xuất sữa chỉ tập trung vào 2 loại hình quản lý chính đó là Kibbutz (Hợp tác xã) và Moshav (hội). Kibbutz là một đơn vị tập trung về kinh tế và xã hội, những người chăn nuôi, làm giống cùng làm việc ở đó. Moshav là một dạng hội của những cá thể trong một vùng định cư nông nghiệp, mỗi một thành viên quản lí một khâu riêng biệt. Kibbutz hiện sản xuất một lượng sữa (60,4%) nhiều hơn Moshav (36,2%). Cũng có một lượng sữa nhỏ sản xuất từ những nông trại cá thể và trường học. Hàng năm, 34-36% bò cái sinh sản trong đàn bị loại thải vì những lí do khác nhau. Trong số đó có 30-35% do năng suất thấp dưới 18 kg/ngày (dưới 5500 kg/năm), 40% do khó thụ thai, 15% do sảy thai và 10% do viêm vú. Mọi công nhân trong Kibbutz đều có thể làm công việc nuôi dưỡng bò, chỉ trừ một vài việc cần chuyên môn như vắt sữa và chăm sóc sức khỏe. Bò sữa đi đến máy vắt sữa 2-3 lần, thậm chí 4 lần mỗi ngày. Dẫn tinh viên (do Công ty truyền tinh nhân tạo bò quốc gia Simon quản lí) đến trại mỗi ngày để giúp truyền tinh nhân tạo cho bò vì có rất nhiều bò trong một đàn.

Chương trình chọn lọc đàn bò sữa nhằm đạt được sự tiến bộ của từng cá thể trong môi trường sống hiện tại. Công tác đánh giá đực giống địa phương về năng suất sữa được tiến hành với sự trợ giúp của máy tính bắt đầu vào năm 1955. Từ năm 1986 sử dụng phương pháp BLUP để đánh giá đực giống về các chỉ tiêu năng suất sữa, mỡ sữa và tỷ lệ sống của bê con (Joel I. Weller và ctv, 2001). Đến nay, đàn bò cái được phối tinh nhân tạo, trong đó 70% với bò đực đã được xác nhận giống, 24% với bò đực kiểm tra, 5% với bò đực Charolais và 1% với bò đực nổi tiếng của thế giới. Hàng năm có 60-65 bò đực trẻ được đưa vào kiểm tra. Chỉ 4-5 con đạt được chứng nhận quốc gia. Đối với người làm giống, ngoại hình của bò cái là quan trọng nhất, bầu vú đẹp chỉ là thứ yếu. Có những con bò bầu vú xấu nhưng vẫn sản xuất ra nhiều sữa. Có một sự khác nhau về chọn giống bò sữa giữa Mỹ, Israel và Châu Âu. Người Israel chọn trước hết là sữa. Người châu Âu thích chọn ngoại hình đẹp, để sản xuất sữa thịt kiêm dụng. Năm 1952 năng suất đàn bò sữa cả nước khoảng 4000 kg/chu kì. Đến năm 2000 năng suất đàn bò do Kibbutz quản lý đạt năng suất 12.098 kg trong một chu kì 346 ngày (Israel Holstein Herdbook, 2000).

Trong điều kiện khắc nghiệt của mùa hè, chất khô ăn vào và năng suất sữa của bò giảm từ 15-20%, tỷ lệ đậu thai cũng giảm. Để giải quyết vấn đề stress nhiệt ở mùa hè, người ta  sử dụng kĩ thuật phun nước dưới dạng sương và quạt mát (làm lạnh do bốc hơi nước) ở trong chuồng nuôi và nơi vắt sữa. Tại Kibbutz Yotvata gần cửa ngõ xa mạc Arava (phía Nam Israel), 610 bò sữa cho năng suất trung bình 10.823 kg/con/năm, tỷ lệ mỡ sữa 3,49% và protein sữa 3,21%.

Sản xuất thức ăn cho bò

Nước cho tưới cỏ rất khan hiếm, chủ yếu là làm sạch nước thải đã qua sử dụng để tái sử dụng và nước từ hồ chứa nhân tạo.

Hầu hết thức ăn xanh được trồng vào mùa đông. Trồng lúa mì ủ chua làm nguồn thức ăn thô chất lượng cao và ổn định cho bò sữa. Ủ chua thức ăn xanh tiến hành trong các hố ủ bê tông. Giá thành 1 tấn chất khô lúa mì ủ tại hố ủ từ 140-180$. Lúa mì được gieo hạt vào tháng 11 và  thu hoạch vào tháng 4 năm sau khi hạt đã đông sữa (khi đạt năng suất và chất lượng cao nhất cho thức ăn ủ chua). Hầu hết các giống lúa mì đều thích hợp cho mục đích thu hạt và làm thức ăn xanh cho bò. Tuy nhiên hiện đang phát triển một vài giống thích hợp cho sản xuất thức ăn xanh do đặc điểm thành thục muộn, sản lượng sinh khối và tổng chất dinh dưỡng tiêu hóa cao hơn các giống khác. Rơm rạ khô của lúa mì và lúa mạch cũng là nguồn thức ăn thô cho bò cạn sữa và bò tơ. Một số lượng ít cỏ họ đậu mùa đông như cây đậu tằm, cây cỏ ba lá và cây đậu Hà Lan (13-14% CP, 45-50% NDF) được trồng luân phiên làm thức ăn chăn nuôi. Cỏ họ đậu sử dụng chủ yếu cho bò vắt sữa tỷ lệ 5-7% trong khẩu phần. Chất lượng của chúng  trung bình nhưng giá thành khá cao, 150-200 $ một tấn. Ở những vùng đặc biệt khô hạn, tất cả nguồn thức ăn thô nhiều lignin như thân cây bông vải, thân cây hướng dương thân cây đậu và cả thân cây cà chua vẫn được tận dụng, chủ yếu là để nuôi bò tơ. 

Cỏ ủ chiếm tới 90% thức ăn thô trong khẩu phần. Tỷ lệ cỏ khô thấp, chỉ chiếm khoảng 5-10%

Có đến 50% khối lượng nguyên liệu trong khẩu phần hỗn hợp (TMR) là nhập khẩu. Tất cả các hạt ngũ cốc chính như lúa mạch và ngô chiếm tới 25-35% trong TMR. Nguyên liệu thức ăn giàu protein như gluten ngô, khô dầu canola, khô dầu bông vải, khô dầu hướng dương, khô dầu lạc, bột lông vũ và bột cá, hạt đậu nành chủ yếu là nhập khẩu, chỉ có một lượng nhỏ khô dầu đậu nành là phụ phẩm của công nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước.

Sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR)

Hầu hết các trại bò sữa đều sử dụng TMR  như là phương pháp nuôi dưỡng duy nhất cho bê con, bò vắt sữa, bò cạn sữa và bò tơ. TMR được sản xuất  tại trại hoặc mua từ trung tâm sản xuất thức ăn gần đó (cách trại 0-250 km). Từ đây TMR được cung cấp hàng ngày cho các trại bò. Các thùng trộn TMR chủ yếu được sản xuất tại Israel, chúng có thể tự động cân các loại thức ăn theo yêu cầu, tự băm nhỏ thức ăn thô và trộn đều trong thùng trộn. Thùng trộn có thể cơ động khi gắn vào máy kéo hoặc bán cơ động. Thùng trộn kiểu nằm ngang hoặc đứng. Thùng ngang thích hợp cho trộn thân cây khô và di chuyển trên khoảng cách xa. 

Đặc điểm dinh dưỡng của khẩu phần hỗn hợp (TMR) nuôi bò sữa

Tỷ lệ chất khô 50-60%.  Tỷ lệ thức ăn thô thấp 30-36% tùy thuộc vào ngô ủ hay lúa mì ủ, tỷ lệ cỏ khô và chất lượng thức ăn khô và thức ăn ủ. Tỷ lệ NDF từ thức ăn thô thấp 32-38% và tỷ lệ NDF từ  thức ăn khác (không phải thức ăn thô ) cao 16-18% khẩu phần. Tỷ lệ protein thô (CP) 16,5-17,5% tùy theo mùa và năng suất sữa, trong đó 34-36% của CP là protein by-pass (RUP). Tỷ lệ đường và tinh bột (NSC) 35-40%. Tỷ lệ chất béo tổng số 4-6% tùy thuộc giai đoạn tiết sữa, nguồn chất béo và lượng thức ăn thô. Hàm lượng năng lượng trong TMR cho bò cao sản từ 1,75-1,76 Kcal NEL tính trên chất khô khẩu phần. Hàm lượng Ca xấp xỉ 1%, P xấp xỉ 0,5%, NaCl xấp xỉ 0,5%. Ngoài ra còn thêm vitamin, khoáng vi lượng dưới dạng premix.

Nuôi bò sữa bằng TMR, yêu cầu lượng chất khô ăn vào của bò dao động từ 3,0-3,5% khối lượng cơ thể, tùy thuộc vào năng suất sữa, ngày của kì sữa, thành phần khẩu phần, hàm lượng NDF, tỷ lệ tinh thô, kích cỡ thức ăn trong khẩu phần. Số lượng NDF tổng số bò ăn vào phải đạt từ 6,0-6,6 kg/con/ngày. (Lợi ích và thực hành của chế độ nuôi dưỡng bò sữa bằng TMR xem bài viết của tác giả trên tạp chí chăn nuôi số tháng 7/2009)

Gần 40 năm nuôi bò sữa bằng TMR tại đây cho thấy: Nuôi dưỡng và quản lý đàn bò sữa sử dụng khẩu phần TMR có thể tiết kiệm lao động và giảm sự mất mát thức ăn tinh hỗn hợp. Nuôi dưỡng bò sữa bằng TMR chỉ thành công chỉ khi có sự giám sát chặt chẽ mọi chi tiết dù nhỏ nhất trong quá trình thực hiện. Hỗn hợp trộn phải chính xác ngày này qua ngày khác, ổn định tương đối, không được thay đổi lớn và đột ngột thành phần thức ăn của hỗn hợp là điều rất quan trọng. Cần theo dõi biến động sản lượng sữa sau mỗi lần vắt để phát hiện sớm những sai sót của TMR. Thức ăn thô thường biến động lớn về chất lượng, vì vậy người chăn nuôi phải luôn phân tích và đánh giá chất lượng thức ăn thô trước mỗi lần thay đổi nguyên liệu

Đinh văn Cải- Tổng hợp từ internet

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác