Sữa Thế giới

Trẻ uống sữa nguyên kem nguy cơ béo phì thấp?

Nếu bạn còn đang phân vân liệu có nên cho trẻ uống các loại sữa có hàm lượng chất béo cao hay không thì nghiên cứu này sẽ cho bạn lời gợi ý rất quan trọng.

 Theo các chuyên gia đến từ Bệnh viện St. Michael ở Toronto (Canada), trẻ em uống sữa nguyên chất ít có khả năng bị béo phì.

 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 28 nghiên cứu ở 7 quốc gia với tổng số trẻ tham gia lên tới 20 ngàn trẻ. Chúng đều là những đứa trẻ khỏe mạnh và có độ tuổi từ 1 đến 18 tuổi. Kết quả họ phát hiện thấy, những trẻ uống sữa nguyên chất có nguy cơ thừa cân, béo phì thấp hơn 40% so với những đứa trẻ uống sữa ít béo.

 

Hầu hết trẻ em ở Bắc Mỹ đều uống sữa bò mỗi ngày và theo khuyến nghị của các chuyên gia, trẻ em trên 2 tuổi chỉ nên uống sữa có từ 0,1% đến 2% chất béo để tránh nguy cơ béo phì.

 

Sữa béo chứa nhiều chất béo bão hòa và loại chất này có thể làm tăng cholesterol, từ đó làm hẹp động mạch và dẫn tới bệnh tim mạch.

 

 

Trong hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ giai đoạn 2015-2020, các chuyên gia có đưa ra khuyến nghị những trẻ trên 2 tuổi nên ăn các sản phẩm từ sữa không béo và ít béo. Tuy nhiên nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng, các khuyến nghị về sữa ít béo không giúp giảm nguy cơ béo phì ở trẻ.

 

Tiến sĩ Jonathon Maguire, một trong tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là bác sỹ nhi tại Bệnh viện St. Michael khẳng định, sữa bò là một trong những tác nhân chính đóng góp vào chế độ ăn uống giàu chất béo của nhiều trẻ em ở Mỹ và Canada.

 

Maguire cho biết: "Khuyến nghị hiện tại với trẻ là chuyển sang uống sữa ít béo khi lên 2 tuổi không khiến chúng gầy hơn là bao so với những đứa trẻ uống sữa nguyên chất không pha".

 

Mặc dù vậy Maguire cũng chỉ ra rằng, nghiên cứu này hiện mới chỉ mang tính quan sát và chưa thể chắc chắn 100% liệu sữa nguyên chất có giảm nguy cơ béo phì hơn các loại sữa ít béo không. Nhưng Maguire vẫn đặt niềm tin lớn về việc sữa nguyên chất có liên quan đến một số yếu tố giúp giảm nguy cơ thừa cân. Maguire và nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiện một thí nghiệm thực tế để kiểm chứng trong thời gian tới.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21. Tính tới năm 2016 có hơn 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân. Tại Mỹ, vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi có khoảng 13,7 triệu trẻ em, tương đương 18,5% trẻ em và thanh thiếu niên của nước Mỹ (2-19 tuổi) bị béo phì.

 

Hồi tháng trước, một nhóm các nhà khoa học đã thử nghiên cứu tác động của lượng đường tiêu thụ với sức khỏe ở trẻ nhỏ. Kết quả thật sốc khi họ phát hiện thấy 2/3 trẻ sơ sinh và 98% trẻ mới biết đi ăn thực phẩm có chứa đường mỗi ngày.

 

Một nghiên cứu khác đăng tải trên Tạp chí của Viện nghiên cứu chế độ ăn và dinh dưỡng (Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics) sau đó cũng tiết lộ, trẻ sơ sinh và mới biết đi tại Mỹ thường được bố mẹ cho ăn sữa chua, đồ ăn nhẹ và nước ép trái cây. Và đây đều là nguồn cung cấp đường rất lớn.

 

Đồng tác giả nghiên cứu Kirsten A. Herrick thuộc Phòng Khảo sát kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng tại Trung tâm Thống kê Y tế và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ khẳng định, việc cho trẻ em trên 2 tuổi ăn nhiều đường sẽ dễ dẫn tới tình trạng béo phì, nguy hiểm hơn là sâu răng, hen suyễn, huyết áp cao và ứ mật.

 

Nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ mới đây.

Nguồn: Collect
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác