Sữa Việt Nam

Bảo hiểm nông nghiệp vẫn khó triển khai

Nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nông dân, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg về triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai trên địa bàn tỉnh gặp phải không ít khó khăn. Vì vậy, sau 3 năm thí điểm (2011-2013), tỉnh ta chỉ thực hiện BHNN đối với bò sữa, song, đến nay, khó khăn vẫn chưa được giải quyết.

 Giai đoạn 2011-2013, Vĩnh Phúc là một trong 20 tỉnh, thành phố được áp dụng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho đàn vật nuôi gồm: Trâu, bò, bò sữa, lợn và gà theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để loại hình bảo hiểm này đến với người dân, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn, tỉnh đã lựa chọn 9 xã: Vĩnh Thịnh, Tuân Chính, Bình Dương (Vĩnh Tường); Quang Sơn, Thái Hòa, Đồng Ích (Lập Thạch); Kim Long, Hoàng Hoa, Hoàng Lâu (Tam Dương) để triển khai thí điểm. Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê số lượng từng loại vật nuôi tham gia bảo hiểm của từng hộ, tổ chức chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và tổ chức tập huấn quy trình chăn nuôi cho các hộ dân tham gia.

 

Sau 3 năm thí điểm (2011-2013), toàn tỉnh có gần 6.000 hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, hộ nghèo chiếm 85%; hộ cận nghèo chiếm 3%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 11%. Tổng giá trị bảo hiểm đạt gần 446 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 13,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng số các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn.

 

Lý giải về vấn đề này, ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Quy mô chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, chưa có mô hình cụ thể nên rủi ro cao, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa đã khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không nhiệt tình tham gia chương trình. Không chỉ vậy, mức phí bảo hiểm nông nghiệp khá cao, trong khi đó, người chăn nuôi thì thua lỗ vì giá cả thị trường xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thông tin về chất cấm, dịch bệnh gia súc, gia cầm gây tâm lý hoang mang cho cả người sản xuất và người tiêu dùng khiến các sản phẩm từ chăn nuôi khó tiêu thụ. Mức đền bù bảo hiểm còn thấp; phạm vi các loại dịch bệnh được hưởng bảo hiểm còn hạn chế đã làm cho người dân không mấy mặn mà”.

 

Là một trong gần 700 hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã từng tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, ông Trần Huy Cường, xã Đồng Ích, Lập Thạch cho biết: “Gia đình tôi nuôi lợn nhiều năm nay. Vẫn biết việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp giúp giảm bớt khó khăn khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thế nhưng, do quy định về phạm vi các loại dịch bệnh được hưởng bảo hiểm còn hạn chế, phí bảo hiểm khá cao trong khi mức đền bù lại thấp nên sau 1 năm tham gia thí điểm, gia đình tôi đã quyết định không tiếp tục nữa”. Cũng theo ông Cường, lợn thường hay bị mắc bệnh viêm phổi gây chậm lớn và rất dễ bị chết, nhưng lại không được bảo hiểm chi trả, còn những bệnh ít gặp và được tỉnh đảm bảo an toàn bằng việc tiêm phòng vắc xin như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng…thì lại được thanh toán.

 

Được biết, Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc là đơn vị duy nhất cung cấp bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian thí điểm, công ty vẫn đang tiếp tục triển khai bảo hiểm thương mại cho bò sữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, công ty yêu cầu nâng mức phí bảo hiểm và việc chi trả bảo hiểm cũng được tính toán kỹ lưỡng hơn để có thể cân đối được thu chi, tránh thua lỗ như trong thời gian thí điểm. Thế nhưng, tính đến nay, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với bò sữa vẫn khiến công ty bị thua lỗ.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Việt Lâm, Giám đốc Công ty Bảo Việt Vĩnh Phúc cho biết: “Trong 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, mặc dù tính chung tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm, công ty không bị thua lỗ. Nhưng, tính riêng đối với bò sữa, công ty lỗ hàng tỷ đồng. Song, sau thời gian thí điểm, người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia bảo hiểm. Vì vậy, từ năm 2015, công ty bắt đầu triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với bò sữa ở 2 huyện: Lập Thạch, Vĩnh Tường. Tuy nhiên, mức phí tham gia bảo hiểm cũng được tăng lên so với thời gian thí điểm và số tiền đền bù cũng được tính toán kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, mức phí bảo hiểm của một con bò sữa tăng lên là hơn 2,8 triệu đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 50%. Ngoài ra, nếu một con bò bị chết do dịch bệnh trong phạm vi được thanh toán bảo hiểm, thay vì chi trả 36 triệu đồng như trước đây, thì nay, công ty chỉ phải chi trả 24 triệu đồng. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với bò sữa vẫn bị thua lỗ, bởi rủi ro trong chăn nuôi bò sữa là khá lớn. Năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 800 triệu đồng, nhưng số tiền bồi thường bảo hiểm lên đến 1,2 tỷ đồng. Nếu không cân đối được thu chi, kinh doanh không có lợi nhuận, rất có thể công ty sẽ không thể tiếp tục triển khai loại hình bảo hiểm này. Vì vậy, để bảo hiểm nông nghiệp đến với người dân, công ty mong muốn Nhà nước xây dựng được cơ chế, chính sách và mức phí bảo hiểm cho hợp lý”.

 

Có thể thấy, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết trong việc phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Thế nhưng, rào cản lớn nhất hiện nay khiến bảo hiểm nông nghiệp khó triển khai trên địa bàn tỉnh là đại đa số người nông dân còn nghèo, không thể tham gia bảo hiểm với mức phí cao, còn các đơn vị cung cấp bảo hiểm thì bắt buộc yêu cầu phải có nhiều người tham gia và quản lý được rủi ro để có lãi thì mới làm.

 

Được biết, mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, dự kiến sẽ được thông qua vào quý II/2017 và bắt đầu triển khai vào đầu năm 2018. Theo bản dự thảo, bảo hiểm nông nghiệp lần này sẽ chi trả cho các rủi ro, thiên tai và dịch bệnh đối với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản. So với chương trình thí điểm trước đây, Nghị định lần này có nhiều điểm khác. Theo đó, nếu như trong chương trình thí điểm, hộ nghèo được hỗ trợ 100% mức phí thì giờ chỉ được hỗ trợ 90%, hộ cận nghèo từ mức hỗ trợ 80% giảm xuống còn 75%, hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo từ mức được hỗ 60% mức phí thì giờ sẽ không được hỗ trợ nhằm mục đích để cho người dân có trách nhiệm hơn trong việc quản lý và kiểm soát rủi ro. Hy vọng rằng, Nghị định được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ làm cho bảo hiểm nông nghiệp đủ sức hút với cả người dân và doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Để từ đó, loại hình bảo hiểm này sẽ được triển khai rộng rãi và trở thành mối quan hệ hai chiều với mục tiêu đôi bên cùng có lợi.

 

Thanh Huyền

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác