Sữa Việt Nam
Bộ Tài chính tiếp tục bình ổn giá sữa
Doanh nghiệp sữa lách luật, qua mặt người tiêu dùng
Theo ghi nhận của phóng viên báo VTV Online, sau ngày 21/6, thị trường sữa đã thể hiện mặt bằng giá mới theo chiều hướng giảm so với trước đây. Tuy nhiên, liệu chiều hướng giảm đó có đạt mức như người tiêu dùng đang kỳ vọng hay không?
Tìm hiểu thực tế từ đại lý sữa tại TP.HCM, sau ngày áp trần giá sữa, hãng Mead Johnson đã góp mặt thêm một sản phẩm mới là Enfamil A+ 360 độ Brain Plus giá bán đã giảm là 510.000 đồng/hộp. Hai sản phẩm dù có gíá bán chênh lệch nhau hơn 100.000 đồng, nhưng nếu quan sát kỹ thì 100% thành phần dinh dưỡng và định lượng giữa sản phẩm cũ và mới không có gì thay đổi. Và thậm chí ở sản phẩm mới còn không thể hiện nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
Cũng bằng chiêu lách luật và tinh vi qua mắt người tiêu dùng, Pediasure loại hộp 900g của Abbott trước đây đã được thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ là 565.000 đồng, với cái giá này người tiêu dùng đang bị lầm tưởng là được rẻ hơn 5.000 đồng/hộp so với giá 570.000 đồng/hộp trước đó.
Hộp sữa Pediasure đã được thay trọng lượng từ 900g xuống còn 850g. Trọng lượng thay đổi nhưng giá lại gần như không thay đổi. Thay vì người tiêu dùng được giảm 40.000 đồng một hộp sữa vì sự hao hụt của 50g sữa mất đi, nhưng ở đây, người tiêu dùng không những không được giảm mà còn ngược lại.
Dù có quy định nhưng nhiều doanh nghiệp sữa lách luật, qua mặt người tiêu dùng (Ảnh minh họa)
Không những vậy, để đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước, hãng sữa này đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước khi Bộ Tài chính áp trần giá sữa. Thực tế là dù mang tiếng sản phẩm mới nhưng thực chất là nó đã được sản xuất từ năm 2013.
Tinh vi hơn để không bị Bộ Tài chính điểm mặt theo quy định là áp trần giảm giá đối với sản phẩm từ 0-6 tuổi, trên các sản phẩm của mình, Abbott đã để nhãn sữa dành cho trẻ từ 1-10 tuổi, với chiêu lách luật này, đương nhiên giá bán không việc gì phải hạ.
Tình hình trên cho thấy, "liều thuốc" áp trần của Bộ Tài chính vẫn chưa phát huy hữu hiệu đối với vấn nạn giá sữa. Các doanh nghiệp vẫn coi thường các quy định và vờn mặt với ngành chức năng. Các chiêu trò lách luật đã và đang được doanh nghiệp ráo riết thực hiện như dự liệu của các đại lý sữa đưa ra là sắp tới thị trường sữa sẽ đón nhận các nhãn sữa mới với mức giá cao hơn và các nhãn sữa nằm trong danh mục áp trần của Bộ Tài chính sẽ dần biến mất trên thị trường.
Cũng theo thông tin trên báo Info net, giá sữa hầu hết đã giảm mạnh sau ngày 21/6, song Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài chính tỏ ra cứng rắn khi khẳng định nếu sau 1 năm trật tự không được vãn hồi, Bộ sẽ mạnh tay hơn theo Luật Giá.
Giá sữa giảm mạnh, nhưng vẫn mỗi nơi, mỗi giá
Theo ghi nhận tại thị trường Hà Nội ngày 23/6, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cửa hàng, đại lý đều đã đồng loạt giảm giá bán. Thậm chí, có đại lý còn bán giá thấp hơn vài chục ngàn đồng so với giá bán lẻ tối đa mà Bộ Tài chính quy định. Ví dụ, sữa Abbott Grow 1 loại 900gam giá bán thực tế tới tay người tiêu dùng hiện chỉ là 340.000 đồng/hộp, rẻ hơn giá khuyến nghị tới 14.200 đồng/hộp.
Hay như dòng Friso Gold 1 loại 900gam giá bán lẻ tối đa theo quy định của Bộ Tài chính là 466.000 đồng/hộp, còn giá bán loại này tại hệ thống siêu thị OceanMart (Hà Đông) hiện là 456.900 đồng/hộp.
Giá bán lẻ sữa mới có hiệu lực từ 21/6 nhưng một số siêu thị vẫn không giảm giá bán (Ảnh minh họa)
Như sản phẩm Alpha Step 1 loại 400gr của Vinamilk, trong khi giá bán lẻ tối đa theo quy định của Bộ Tài chính chỉ 82.800 đồng/hộp thì giá bán lẻ hiện tại sản phẩm này tại siêu thị Hiway vẫn là 120.900 đồng/hộp.
Hay như dòng Similac Gain 900gr giá bán tại hệ thống Hiway hiện là 562.900 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa theo quy định của Bộ Tài chính chỉ là 465.750 đồng/hộp.
Sữa ngoài danh mục “làm ngơ”, giữ giá
Theo văn bản số 6544 của Bộ Tài chính, đối với doanh nghiệp có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường không thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa, cũng sẽ phải xác định giá bán buôn tối đa căn cứ vào tương quan về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng… với sản phẩm thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa. Từ đó đưa ra giá bán lẻ hợp lý trên thị trường. Vậy nhưng tới nay gần như chỉ có các sản phẩm sữa nằm trong danh mục giảm giá bán lẻ, còn lại hàng trăm mặt hàng sữa nhập dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được doanh nghiệp "làm ngơ" bán với giá cao.
Bộ Tài chính "đe" tiếp tục mạnh tay hơn với giá sữa
Chia sẻ với Infonet sáng 24/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng, mặt bằng chung về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thiết lập lại, đây là hiệu ứng tích cực đầu tiên mà chính sách của Bộ Tài chính đã tác động tới thị trường. Thông thường, giữa năm là thời điểm tăng giá của các hãng sữa, nhưng năm nay thì ngược lại, không những giá sữa không tăng mà bị buộc phải giảm giá bán.
Còn một lãnh đạo Cục Quản lý Giá thì phân tích, lâu nay giá sữa bị đẩy lên cao một phần bởi nguyên nhân, các hãng sữa đã chi quá nhiều cho khâu hoa hồng, quảng cáo…. khi giá sữa bị “đóng khung”, buộc từ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý phải tính toán lại và chia sẻ lợi nhuận. Hiện giờ giá bán lẻ không được quá 15% giá trần bán buôn, nên muốn có lợi nhuận buộc doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí khâu trung gian.
Ông Nghĩa cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng đại lý, siêu thị có bán đúng giá trần niêm yết hay không. Nếu phát hiện tình trạng không tuân thủ sẽ xử lý những đơn vị này theo đúng quy định của pháp luật.
Liệu đến khi nào thị trường sữa mới thực sự ổn định để người dân an tâm mua sữa vẫn là câu hỏi khiến nhiều người nhức nhối.
Nguyễn Dung