Sữa Việt Nam

Chăn nuôi bò sữa - Hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở Thái Hòa

Đời sống của nhiều nông hộ ở xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch ngày càng ổn định và dần được nâng cao nhờ đầu tư chăn nuôi bò sữa. Thành công của mô hình chăn nuôi bò sữa đã góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và đóng góp quan trọng thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Thái Hòa.

 Mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa được phát triển từ năm 2002, ban đầu chỉ có 7 hộ nông dân trong xã tham gia nuôi thử nghiệm và áp dụng mô hình chăn nuôi bò sữa theo dự án Việt - Bỉ.

 

Hiệu quả kinh tế đem lại, giúp mô hình chăn nuôi bò sữa ngày càng được nhân rộng. Hiện toàn xã có 42 hộ tham gia chăn nuôi với tổng số hơn 360 con bò sữa, trong đó hơn 280 con đang cho khai thác, hàng tháng cung cấp cho thị trường khoảng 90 tấn sữa.

 

Nâng cao chất lượng sữa, hiệu quả kinh tế, các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa đã thành lập HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa để có điều kiện tập trung làm ăn tập thể, liên kết sản xuất, chăn nuôi.

 

Ông Nguyễn Đức Hoàn, thành viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa cho biết: Thông qua hoạt động của HTX, người chăn nuôi có điều kiện, cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận và tìm hướng giải quyết khi gặp khó khăn vướng mắc.

 

Nhờ vậy, vấn đề dịch bệnh trên đàn bò sữa được phát hiện, khống chế sớm, chất lượng sữa đồng đều, đảm bảo; đầu ra, giá bán tương đối ổn định.

 

Ngoài việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, HTX còn là cầu nối, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, giúp người chăn nuôi hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc cũng như thu hoạch sữa…

 

Chia sẻ về hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình, ông Nguyễn Đức Hoàn cho biết thêm: Trước đây gia đình đã từng chăn lợn, gà, vịt… nhưng hiệu quả kinh tế không cao; qua tìm hiểu thấy bò sữa là giống vật nuôi cũng không quá khó chăm sóc, ít rủi ro, nên năm 2014 đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi.

 

Hiệu quả kinh tế từ bò sữa đem lại khá ổn định, gia đình tiếp tục vay vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

 

Đến nay, 6/14 con bò của gia đình đã cho khai thác sữa, với giá bán 12.500 đồng/lít như hiện nay cũng đem lại lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

 

Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa khẳng định: Đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã ngày càng ổn định và được nâng cao nhờ đầu tư chăn nuôi bò sữa.

 

Đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn mà đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… tại địa phương. Chăn nuôi bò sữa đem lại thu nhập cho Thái Hòa khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

 

Thành công của mô hình chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa là nhờ vào sự quyết liệt của chính quyền và việc phát huy tốt vai trò của HTX trong vận động người dân tập trung làm ăn tập thể, liên kết sản xuất tạo sản phẩm chất lượng cao.

 

Để khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển chăn nuôi bò sữa, xã Thái Hòa đã ban hành Nghị quyết 03 về phát triển chăn nuôi bò sữa; có cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên; phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các chương trình hỗ trợ máy móc, vật tư (máy cắt cỏ, vắt sữa, xây dựng hầm biogas…), nguồn vốn ưu đãi đến sớm nhất với người chăn nuôi; tạo thuận lợi cho người chăn nuôi dồn ghép ruộng đất quy hoạch vùng nguyên liệu cỏ phục vụ chăn nuôi.

 

Ông Nguyễn Anh Chiến cũng thừa nhận quy mô đàn bò sữa của địa phương những năm gần đây phát triển chậm và đang chững lại do thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhưng cái chính là do mức đầu tư chăn nuôi bò sữa còn cao (một con bò trưởng thành cho khai thác sữa giá khoảng 70-80 triệu đồng), trong khi việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn.

 

Mong rằng, chính quyền các cấp và các ngành chức năng tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nông dân về máy móc, vật tư, bảo hiểm nông nghiệp và ưu đãi vốn vay để người dân mở rộng mô hình, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn.

 

Mở rộng quy mô và chăn nuôi bò sữa dần trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian tới, cùng với việc tập trung nguồn lực, hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay, xã Thái Hòa đang tập trung quy hoạch vùng trồng cỏ, khu chăn nuôi tập trung. Đồng thời, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

 

Trần Tỉnh

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác