Sữa Việt Nam

HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Củ Chi) với nỗi lo 'ùn tắc' đầu ra

Từ đầu năm 2018 đến nay, việc nhà máy sữa Long Thành ngừng nhập sữa nguyên liệu từ HTX TM – DV - SX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã khiến nhiều hộ xã viên rơi vào tình trạng phải "hủy" sản phẩm, giảm quy mô đàn bò, thậm chí dẹp đàn.

 Chia sẻ về thực trạng này, ông Ngô Phúc Nhận - trưởng ban kiểm soát của HTX thương mại - dịch vụ - sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), cho hay: mặc dù Sở NN&PT-NT TP.HCM và các đơn vị liên quan đã có nhiều hỗ trợ cho đơn vị trong việc mở rộng nguồn khách hàng, nhưng việc mỗi ngày mất đi nguồn tiêu thụ khoảng 20 tấn sữa nguyên liệu từ khách hàng nhà máy sữa Long Thành là bài toán hết sức nan giản.

 

Cũng theo ông Nhận, dù mỗi ngày Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi (đơn vị do HTX thương mại - dịch vụ - sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội thành lập hồi cuối năm 2017), có thu mua vào khoảng 2 tấn mỗi ngày, nhưng rõ ràng còn số này không thấm vào đâu so với năng lực chăn nuôi của các xã viên cũng như huyện Củ Chi."Nhiều hộ xã viên khi không bán được sữa nguyên liệu cho nhà máy hay khách hàng lẻ thì đành phải hủy. Có người thì thu hẹp quy mô nuôi, thậm chí có nhà dẹp đàn, không nuôi nữa", ông Nhận, cho biết.

 

Đáng chú ý, theo một số ý kiến được phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông ghi nhận, thì việc đối tác Long Thành quyết định ngừng mua sữa nguyên liệu từ HTX Tân Thông Hội diễn ra có phần trùng hợp, đó là vào cuối tháng 11/2017, khi HTX Tân Thông Hội chính thức vận hành nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi với thương hiệu sữa bò tươi Củ Chi (Cuchimilk).

 

Và rõ ràng, việc "nguồn cung" không gặp được khách hàng đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Củ Chi nói chung và các xã viên HTX Tân Thông Hội nói riêng, nhưng hơn hết việc nhiều hộ xã viên quyết định "dẹp đàn" có thể khiến chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn gắn kết với các hoạt động thương mại, cũng như chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp TP.HCM mà các ngành, các cấp của TP.HCM đang tập trung triển khai gặp những khó khăn nhất định.

 

 

Chia sẻ với phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông về các hoạt động khác, ông Nhận khẳng định: thời gian qua các xã viên luôn chủ động ứng dụng, đưa vào triển khai nhiều mô hình tiên tiến trong chăn nuôi, đặc biệt là một số giải pháp vệ sinh chuồng trại nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn dịch bệnh cho đàn bò trong trang trại, cho đội ngũ công nhân thực hiện việc chăm sóc, lấy sữa bò và hơn hết là giữ ổn định về chất lượng sữa nguyên liệu theo đúng các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như chất lượng vi sinh được đòi hỏi ngày càng khắt khe từ phía khách hàng.

Được biết, từ năm 2018, HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội có phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (thuộc Sở NN&PN-NT TP.HCM) triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến vốn là sản phẩm của dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM” cho các xã viên.

 

 

VĂN TÁM

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác