Sữa Việt Nam
Nghịch lý ngành sữa
Mỗi ngày 3,5 tấn sữa sản xuất ra của nông dân, đầy ăm ắp trong các bồn chứa chỉ nhận được sự thờ ơ, ghẻ lạnh của các doanh nghiệp sữa. Hợp đồng thu mua năm 2014 đã chấm dứt, đầu năm 2015 các doanh nghiệp tìm mọi cách chần chừ không ký tiếp hợp đồng mới với lý do sản lượng sữa của nông dân tăng đột biến vào mùa đông, doanh nghiệp không thể thu mua hết được.
Thế nhưng, đằng sau nguyên nhân này, ai cũng hiểu là câu chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá sữa bột nguyên liệu thế giới đang giảm kỷ lục, từ hơn 3.700 euro/tấn hồi đầu năm 2014 thì nay xuống còn 2.200 euro/tấn. Với mức giá nhập khẩu này, khi chuyển ra sữa nước nguyên liệu giá thành không đến 10.000 đồng/kg, trong khi đó các công ty đang ký hợp đồng mua sữa bò tươi của nông dân trong nước là 14.000 đồng/kg. Có được “chiếc phao” giá rẻ là sữa bột nguyên liệu thế giới, một số công ty sữa trong nước lập tức quay mặt với nông dân
nuôi bò.
Theo các chuyên gia, sữa bò tươi nguyên chất mới là sản phẩm còn giữ được đầy đủ nhất chất dinh dưỡng. Thế nhưng các công ty sữa dường như đang không quan tâm nhiều đến điều này mà điều họ quan tâm nhất là lợi nhuận nên sẵn sàng gia tăng nhập sữa bột nguyên liệu về hoàn nguyên để giảm chi phí, tận dụng thời điểm sữa bột nguyên liệu thế giới đang giảm.
Đây không phải là lần đầu tiên những hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết - vốn là đối tượng yếu thế trong cuộc chơi với các doanh nghiệp - gặp khó khăn khi thị trường có biến động. Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đã ban hành được hơn 10 năm nay, nhưng mối liên kết nông dân - doanh nghiệp vẫn hết sức lỏng lẻo. Nông dân sẵn sàng phá hợp đồng nếu bán được giá cao hơn so với mức đã ký với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi thị trường biến động, cũng không ngần ngại “quay mặt” với những nông dân đã gắn bó nhiều năm với mình. Do vậy, nghịch lý của ngành sữa, hay rộng hơn là nghịch lý của ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết bao giờ mới chấm dứt?.
Ngọc Tiến