Sữa Việt Nam

Nguyên nhân sữa Việt Nam luôn cao hơn thế giới

(Dairy Việt Nam) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, việc giá sữa Việt Nam luôn cao hơn các nước khu vực Đông Nam Á, do nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường. Đặc biệt là, quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng

Mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng không được vượt quá mức tối đa đã được quy định là 15%, so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa.

 

    Giá bán lẻ sữa không được vượt quá 15% so với giá bán buôn Tại buổi giao lưu trực tuyến “Bình ổn giá sữa - từ chính sách đến thị trường” do Báo Hải quan vừa tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng, mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tùy vào chiến lược kinh doanh của đơn vị, sẽ có chính sách bán hàng khác nhau đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau.

 

     Từ đó, có thể sẽ có những mức giá bán khác nhau ở các đại lý khác nhau. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng không được vượt quá mức tối đa đã được quy định là 15%, so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa.

 

    Trường hợp đại lý nào bán sản phẩm sữa vượt mức tối đa 15%, so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa, sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật về giá. Liên quan đến câu hỏi tại sao giá sữa tại Việt Nam lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, mặc dù mặt hàng sữa có sự can thiệp của Nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng nhận định, một trong những vướng mắc và hạn chế trong thực hiện pháp luật về giá đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, các thông tin so sánh với các sản phẩm cùng loại so với các nước trong khu vực và thế giới.

 

     Theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Ngoại giao cung cấp, giá bán trung bình trên kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giá bán trung bình trên kg sản phẩm bước 1 - bước 4 tại Việt Nam là 16 USD; Thái Lan 14 USD; Philippines 12,9 USD; Malaysia 10,9 USD; Indonesia 9,5 USD. Lý giải về sự khác nhau này, ông Tuấn cho biết, do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường.

 

     Đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia. Cấu thành giá sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố Cũng liên quan đến giá sữa, câu chuyện khai báo giá sữa nhập khẩu thấp nhưng khi bán ra thị trường giá cao tiếp tục được nhiều người quan tâm.

 

      Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật hải quan, người khai hải quan tự kê khai, tự tính thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và kết quả tự xác định của mình.

 

    Cơ quan Hải quan kiểm tra việc khai báo và xác định trị giá tính thuế, đối với lô hàng nhập khẩu của người khai hải quan theo quy định của Bộ Tài chính. “Việc giá sữa bán ra thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí quảng cáo, tiếp thị, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí lưu kho, lưu bãi... tại thị trường nội địa. Các chi phí này thường không ổn định, luôn có sự biến động. Việc quản lý giá thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về giá”, ông Tuấn cho biết.

 

     Trong khi đó, trả lời câu hỏi tại sao có tình trạng các doanh nghiệp cùng nhập khẩu một chủng loại sữa, nhưng khai báo giá khác nhau tại những cửa khẩu khác nhau đều được Hải quan chấp nhận thông quan, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu cũng lý giải, theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/2/2015 của Chính phủ, Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì: trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá hải quan.

 

    Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, trong trường hợp có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan thông báo cơ sở bác bỏ trị giá khai báo và xử lý, nếu người khai hải quan đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo của cơ quan hải quan thì, thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo, cơ quan hải quan thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và thông quan hàng hóa theo quy định.

 

     Trong trường hợp nếu người khai hải quan không đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo hoặc quá thời hạn 5 ngày, kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo mà không khai bổ sung, cơ quan hải quan thông quan theo trị giá khai báo và chuyển các cơ sở sẽ bác bỏ trị giá khai báo để thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trường hợp có nghi vấn về giá, nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ thì yêu cầu người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ, tài liệu theo quy định.

 

      Trong thời hạn tối đa 5 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo, người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ, tài liệu theo yêu cầu và đề nghị tham vấn, cơ quan Hải quan giải phóng hàng và tổ chức tham vấn theo quy định. Quá thời hạn 5 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo, người khai hải quan không bổ sung chứng từ theo yêu cầu hoặc không đề nghị tham vấn, cơ quan Hải quan thông quan theo trị giá khai báo, chuyển nghi vấn để kiểm tra sau thông quan. “Như vậy, theo các chính sách nêu trên thì việc khai báo giá sữa là do doanh nghiệp tự khai, tự nộp trên cơ sở giá thực tế phải trả cho hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện các quy định nêu trên”, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho biết.

 

     Yến Nhi 

Nguồn: xaluan.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác