Sữa Việt Nam

Sữa tiệt trùng hết thời nhập nhèm

Mặc dù có ý thức “truy xuất” nguồn gốc, thành phần nguyên liệu sữa, tuy nhiên rất nhiều người tiêu dùng vẫn bị lạc trong “ma trận” bởi tên gọi sữa không rõ ràng. Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5:1-2017/BYT), có hiệu lực từ tháng 3-2018 thay thế QCVN 5:1-2010/BYT, trong đó bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng. Tới thời điểm đó, trên kệ sữa sẽ có những sản phẩm ghi nhãn “sữa hoàn nguyên”, “sữa hỗn hợp” như một lời nói thật với người tiêu dùng về nguyên liệu đầu vào của sản phẩm.

 Lạc trong “ma trận”

 

Đứng tần ngần ở quầy sữa nước, chị Nguyễn Thị Minh ở Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội) đắn đo không biết chọn loại nào trước hàng chục nhãn hàng được bày bán trên kệ, có loại ghi là “sữa tiệt trùng”, có loại ghi là “sữa tươi tiệt trùng”. Điều mà chị Minh băn khoăn: cùng là sữa nước thì chắc đều là sữa tươi, nhưng tại sao một loại ghi rõ, một loại không ghi? Chưa kể, trên thị trường có nhiều loại sữa nước, trong đó có loại sữa tươi nguyên chất và loại sữa được chế biến từ sữa bột, nếu dựa vào nhãn mác trên các hộp sữa không thể phân biệt được từng loại. Theo cách hiểu của chị Minh, sữa tươi thì thành phần chỉ có sữa bò được qua khâu tiệt trùng rồi đến tay người tiêu dùng, nhưng chị không rõ sản phẩm nào có yếu tố như vậy.

 

Nhiều người cũng lạc vào mê hồn trận giống chị Minh khi đứng trước hàng chục nhãn hàng sữa nước khác nhau bày ở cửa hàng, siêu thị từ sữa tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng 100%, sữa tươi thanh trùng đến các loại sữa được gọi là “thức uống bổ sung”… nên đành chọn theo thói quen và thương hiệu. Và cũng vì không đủ thông tin trên nhãn mác, nhiều người chọn thử tất cả các loại, loại nào ngon sẽ mua nhiều hơn.

 

Từ trước đến nay, việc phân loại được áp dụng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010 (QCVN 5-1: 2010/BYT), với bảy loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi. Thực tế, theo Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm (Codex) của LHQ, quốc tế không có định nghĩa sữa tiệt trùng mà chỉ có khái niệm “sữa hoàn nguyên”, “sữa hỗn hợp”. Tuy nhiên, xuất phát từ lo lắng dùng từ Hán Việt “hoàn nguyên” người tiêu dùng sẽ không hiểu và từ đó e ngại không mua sản phẩm nên từ năm 2010, các chuyên gia soạn thảo QCVN 5-1:2010/BYT đã dùng khái niệm sữa tiệt trùng. Cách gọi này gây tranh cãi rất nhiều năm qua: một bên cho rằng tên gọi này không phản ánh đúng bản chất của sản phẩm là sữa hoàn nguyên/pha lại, khiến người dùng lầm tưởng là sữa tươi, còn bên kia lại cho rằng “sữa tiệt trùng đúng là tiệt trùng thật, chúng tôi có dùng chữ tươi đâu mà sợ hiểu nhầm”.

 

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) đã chỉ đích danh việc đặt tên gọi sữa tiệt trùng không đúng bản chất nguyên liệu là sữa bột pha lại thì chính là “hành vi gian lận thương mại” và “lừa dối người tiêu dùng”. “Tôi thấy các doanh nghiệp sản xuất sữa tiệt trùng luôn nói vì người tiêu dùng, nhưng tôi phải nói thật là chỉ vì lợi nhuận. Tại sao sản phẩm sản xuất từ sữa bột lại không nói là sản xuất từ sữa bột? Tên gọi cần công khai, minh bạch. Nếu không công khai, đó là lừa người tiêu dùng”. Một số chuyên gia nhận định sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến sữa dạng lỏng, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột. Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn và doanh nghiệp được lợi hơn.

 

Đồng quan điểm, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi liên tục gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương về tên gọi sữa tiệt trùng khiến người ta nhầm lẫn. Phải hành động ngay để bảo vệ người tiêu dùng. Tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ nhưng sử dụng để đặt tên gọi cho sữa bột pha lại khiến người tiêu dùng nhầm là sữa tươi. Từ sữa tiệt trùng đã bị lạm dụng khá nhiều vì nắm bắt tâm lý người tiêu dùng thích sữa tươi nên ghi sữa tiệt trùng họ tưởng là sữa tươi. Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cái tên đúng bản chất sữa trong quy chuẩn mới. Ban hành quy chuẩn mới, ta thấy ngay được cái lợi thứ nhất cho người tiêu dùng, cái lợi thứ hai là kích thích sản xuất trong nước nhờ minh bạch thị trường, các doanh nghiệp sữa được cạnh tranh bình đẳng hơn.

 

Đồ họa: Sữa bột khi chế biến thành sữa dạng lỏng phải qua hai lần gia nhiệt.

 

Rạch ròi các khái niệm

 

Sau một thời gian dài tranh cãi, việc bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay bằng hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” đã được Bộ Y tế chốt lại bằng QCVN 5:1-2017/BYT. Theo đó sữa dạng lỏng được phân thành các loại: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi, sữa tươi tách béo (cùng với đó bao bì sẽ ghi thêm công nghệ chế biến là thanh trùng hay tiệt trùng). Nhóm sữa chế biến từ sữa bột (được gọi là sữa tiệt trùng) sẽ sửa đổi thành sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng (sử dụng nguyên liệu 100% là sữa bột) và sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng (pha hỗn hợp giữa sữa bột, sữa tươi và các chế phẩm khác từ sữa). Cuối cùng là nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường. Cách phân loại rạch ròi nhóm sữa tươi và sữa bột pha lại giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất của từng loại sữa, tránh nhầm tưởng các loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi.

 

Cùng với việc trả lại tên đúng bản chất cho sữa hoàn nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng cũng cần ghi rõ các thành phần sữa trên bao bì. Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam Lê Thị Hợp chia sẻ, bà thường được người tiêu dùng nhờ tư vấn rằng “Sữa tiệt trùng có phải sữa tươi không? Muốn chọn loại sữa tốt nhất thì nên chọn loại nào?”. Bà Hợp khẳng định, QCVN 5:1-2017/BYT sẽ giúp người tiêu dùng tìm được lời giải cho câu hỏi thứ nhất còn nếu bao bì sữa nêu rõ từng thành phần dinh dưỡng, người dùng nhìn vào có thể biết ngay sản phẩm có tốt và phù hợp hay không.

 

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng phải thể hiện đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế. Trước kia chưa có biện pháp kỹ thuật kiểm tra phân biệt sữa tươi và sữa hoàn nguyên nên rất khó để giám sát. Tuy nhiên, hiện tại đã có lời giải cho bài toán khó này. Bộ Y tế sẽ dành thời gian phù hợp để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi. Quy chuẩn đã ban hành nhưng tới tháng 3-2018 mới có hiệu lực, hoàn toàn đủ thời gian cho các doanh nghiệp thay bao bì mới.

 

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH: Trên thế giới khi nói đến sữa có nghĩa là sữa tươi vì thế giới người ta không dùng sữa bột pha lại, chỉ có sữa tươi và sữa công thức. Tại các nước phát triển, thị trường sữa có tới 97% là sữa tươi, chỉ 3% dùng sữa bột công thức. Trong khi ở Việt Nam, thị trường sữa nước vẫn có tới 70% là sữa bột pha lại. Đáng lo ngại là nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn loại sữa pha lại này là sữa tươi.

 

ANH PHƯƠNG

 

Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác