Sữa Việt Nam
Tây Nguyên sẽ trở thành trung tâm bò sữa của cả nước?
Phát biểu tại tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16-4, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh trung tâm chăn nuôi của Việt Nam sắp thay đổi.
Theo đó, chăn nuôi bò sữa sẽ dịch chuyển lên Tây Nguyên, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển trong khi những vùng khác như TP HCM (nơi từng chiếm hơn 50% sản lượng sữa cả nước – PV) không còn nhiều không gian cho chăn bò sữa.
Cũng theo ông Dương, hiện 60% sữa tiêu thụ trên thị trường vẫn từ nguồn nhập khẩu, cơ hội để phát triển nguồn cung nội địa thay thế dần nhập khẩu còn rất lớn. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên sẽ có chi phí rẻ nhưng chất lượng không thể bằng sữa tươi nên việc phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ.
Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn bò sữa chủ yếu tập trung ở các khu vực Ðông Nam Bộ (chiếm 33,35%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,69%), ĐBSCL (12,22%)… Năm 2023, sản lượng sữa bò tươi khai thác từ đàn bò sữa trong nước ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2022.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, cho biết đã đưa vào khai thác trang trại bò sữa ở Mang Yang được 4 năm với kết quả rất tốt. "Một con bò sữa lứa mới nhập từ Mỹ về có thể cung cấp tới 40 lít sữa/ngày, tương đương sản lượng tại các trang trại ở Mỹ. Không những về số lượng mà chất lượng về độ đạm, độ béo rất cao" – ông Minh nói.
"Mang Yang đúng là thiên đường để chăn nuôi bò sữa. NutiMilk vẫn đang tiếp tục hoàn thiện về mặt công nghệ, kỹ thuật và giống. Sau khi hoàn thiện các yếu tố này, sản lượng và chất lượng sữa ở đây chắc chắn còn cao hơn nữa. Điều này cho thấy dư địa và cơ hội ở Mang Yang còn rất lớn" – ông Minh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia đề nghị các doanh nghiệp khi đầu tư vào bò sữa cần chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, quá trình triển khai dự án cần gắn kết với người dân địa phương trong chuỗi giá trị để nâng cao đời sống người dân.