(PLO) - Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo đã được Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định hôm 5/11.
Khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định rõ là cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có quy định đâu là “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ” nên các công ty sản xuất, kinh doanh sữa đã quảng cáo “nhập nhèm” cho toàn bộ sản phẩm từ sữa bà bầu đến sữa tăng trưởng (growing up milk).
Việc quảng cáo này không phù hợp với Nghị quyết của Tổ chức Y tế thế giới mà Việt Nam là thành viên khi yêu cầu các quốc gia thành viên “tăng cường các hoạt động và xây dựng các biện pháp mới để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu... và để cung cấp thức ăn bổ sung hợp lý và an toàn, đồng thời vẫn tiếp tục cho trẻ bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn”.
|
Tại cuộc họp thẩm định, nhiều ý kiến đồng tình với việc làm rõ những sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ vì cho rằng phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo, luật quốc tế về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, cũng như phù hợp với thực tiễn, không tạo kẽ hở cho doanh nghiệp tiếp tục lách luật và tăng giá khó kiểm soát.
|
Tuy nhiên, có ý kiến nêu lên thách thức của quy định trên là sẽ điều chỉnh cả sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi được ghi nhãn là với mục đích ăn bổ sung mà có thành phần từ sữa bò hoặc sữa động vật khác và các thành phần có nguồn gốc động vật, thực vật. Ngoài ra, sẽ giảm doanh số bán hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh sữa và sẽ giảm tiền thuế phải nộp cho ngân sách.
Trước những lo ngại này, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, có thể quy định rằng đối với thức ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 7 - 24 tháng tuổi phải ghi rõ “sản phẩm này là thức ăn bổ sung và không có tác dụng thay thế sữa mẹ”.