Sữa Việt Nam
Vĩnh Phúc- Giá sữa bấp bênh, người nuôi bò sữa ở Bồ Lý không dám tăng đàn
Theo chân Chủ tịch Hội nông dân xã Bồ Lý, chúng tôi đến gia đình ông Chu Trọng Chí, thôn Cầu Chang – hộ dân đầu tiên trong xã nuôi bò sữa. Ông Chí cho biết, gia đình ông đang nuôi 5 con bò sữa, trong đó có 4 con cho sữa. Trung bình mỗi ngày, 1 con bò cho 17kg sữa. Trước đây, sữa được bán cho Công ty sữa Vinamilk Việt Nam với giá từ 12.500 đồng – 13.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm tăng lên 14.000-15.000 đồng/kg nhưng từ cuối năm 2014, Vinamilk Việt Nam dừng hợp đồng thu mua sữa với lý do đã hình thành được các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở một số địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2015, 100% sữa bò của Bồ Lý chuyển sang bán cho Công ty sữa Friesland Campina Hà Nam với giá 12.600 đồng/1kg.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là mức giá này chỉ ổn định trong vòng 1 năm. Từ tháng 1/2016, Công ty sữa Friesland Campina Hà Nam yêu cầu người dân cứ 6 tháng ký lại hợp đồng thu mua, với các yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, sản lượng sữa như: Sữa đạt chất lượng thì chất đạm phải đạt tối thiểu 3%; chất béo đạt tối thiểu 3,6%. Độ nhiễm vi sinh tối thiểu 4 độ; tổng tạp trùng tối đa 300.000 CFU/ml. Đặc biệt, người chăn nuôi không được sử dụng kháng sinh cho bò, không được sử dụng nước hoặc chất để trộn thêm vào sữa. Ngay sau khi sữa được vắt bảo quản ở nhiệt độ từ -0,54 đến -0,5 độ C và chuyển ngay đến địa điểm thu mua sữa của Công ty trong vòng 1 giờ.
Cùng với các tiêu chuẩn khắt khe trên, Công ty này cũng giảm giá thu mua từ 12.600 đồng/kg xuống còn 12.100 đồng/kg sữa đạt chuẩn và quy định chỉ mua 10kg sữa/ngày/1 con bò. Tất cả số sữa đạt chuẩn nhưng vượt quy định, Công ty sẽ mua ở mức giá 7.000 – 7.400 đồng/kg. “Với 4 con bò đang cho sữa khoảng 17kg/con/ngày, mỗi ngày gia đình tôi thừa 28kg sữa. Sáng nào tôi cũng vội vàng đi hơn 6km sang địa điểm thu gom của Công ty tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch để bán. Nếu trước đây, sữa được bán cùng 1 giá, trừ các khoản chi phí gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm nhưng nay cố lắm cũng chỉ được từ 50-60 triệu đồng/năm nên chưa dám tăng đàn”- ông Chí cho biết.
Với tâm trạng đầy lo lắng khi chi phí chăn nuôi tăng và lượng sữa tiêu thụ bị giới hạn, ông Chu Văn Bằng thôn Yên Hòa cho biết: Gia đình ông nuôi thử nghiệm 2 con bò sữa từ năm 2011. Sau 2 năm nuôi, thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục vay mượn người thân và Ngân hàng gần 200 triệu đồng để mua thêm 5 con. Đến nay, 5/7 con bò cho sữa đều đặn mỗi ngày, với sản lượng bình quân 18kg/con/ngày. Nếu như trước đây, sản lượng sữa này cộng thêm điểm thưởng thì 1kg sữa có giá từ 14.000-15.000 đồng, trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 800.000-900.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, từ tháng 1/2016, Công ty sữa Friesland Campina Hà Nam ra thông báo chỉ thu mua khoảng 90% sản lượng và yêu cầu người dân ký lại phụ lục hợp đồng với các tiêu chí rất khắt khe thì gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong xã không còn mặn mà với nuôi bò sữa nữa.
Để tiết kiệm chi phí, ông Bằng và nhiều hộ chăn nuôi ở Bồ Lý đã giảm khẩu phần ăn cho bò để giảm sản lượng sữa. Lý giải về việc làm này, ông Bằng cho hay, trên thực tế chi phí chăn nuôi bò sữa khá tốn kém. Bởi muốn bò cho sữa từ 16-22kg/ngày thì ngoài thức ăn thô, thức ăn tinh, hằng ngày người chăn nuôi phải cho bò ăn thức ăn bổ sung với lượng nhỏ gồm: rỉ mật, ure để cân bằng một số chất dinh dưỡng còn thiếu hụt như đạm, khoáng, vitamin hay những chất có tác dụng tiết sữa, tăng trọng lượng. Bên cạnh đó phải đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, quạt mát 24/24 giờ vào mùa hè và thắp sáng bóng điện để sưởi ấm vào mùa đông…Giá bán sữa vượt tiêu chuẩn là 7.000 đồng/kg chỉ đủ bù vào chi phí chăn nuôi nên gia đình tôi không dám tăng đàn và đang tính đến việc thải loại những con không đạt. Nhưng nếu thanh lý bò ở thời điểm này cũng bị lỗ vì giá chỉ khoảng 20-25 triệu đồng/con, giảm 50% so với thời điểm các năm 2010, 2011.
Đầu tháng 8/2016, gia đình ông Phạm Văn Chén dao bán 1 con bò sữa thải loại nhưng đến nay vẫn chưa có người mua. Theo ông Chén, con bò này ăn rất khỏe, vẫn cho sữa nhưng sản lượng thấp, chỉ khoảng 9-10 kg/ngày. Năm 2015, Công ty sữa Friesland Campina Hà Nam ký cam kết thu mua sữa của gia đình ông và các hộ dân trong xã với thời gian là 5 năm. Nhưng đầu năm 2016, Công ty lại đưa ra nhiều thay đổi, với các quy định nghiêm ngặt như: Tổng lượng sữa đạt chuẩn được thu mua mỗi ngày không vượt 10kg/con. Đối với số lượng sữa vượt quy định này thì Công ty sẽ giảm giá thu mua từ 12.100 đồng xuống 7.000 đồng hoặc 7.400 đồng/kg.
Cũng theo ông Chén để giảm chi phí vận chuyển, gia đình ông và 15 hộ dân trong xã đã thành lập nhóm giao sữa. Mỗi ngày, từ 1- 2 hộ thành viên có trách nhiệm vận chuyển toàn bộ lượng sữa của nhóm sang điểm thu gom của Công ty Friesland Campina Hà Nam tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch. Từ tháng 6/2016 đến nay, Công ty này lại quy định trong 1 kỳ (14 ngày) chỉ thu mua 10,6 tấn sữa đạt chuẩn, với giá 12.100 đồng/kg còn 1,3 tấn sữa dư thừa của nhóm trong mỗi kỳ Công ty mua ở mức 7.000 đồng/kg. Nếu mức giá thu mua sữa dư thừa kéo dài, tất cả các hộ trong nhóm sẽ phải chăn nuôi cầm chừng, không dám phát triển đàn. Thậm chí nhiều nhà phải loại bỏ bớt bò kém chất lượng để giảm chi phí chăn nuôi.
Theo thống kê của UBND xã Bồ Lý, hiện toàn xã có gần 30 hộ nuôi bò sữa, với số lượng gần 200 con, tập trung chủ yếu ở các thôn Cầu Chang, Yên Hòa. Ông Tô Thái Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, cùng với na dai thì trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Bồ Lý chọn bò sữa là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Thế nhưng do giá sữa bấp bênh, nhất vào mùa đông, sản lượng tiêu thụ sữa giảm và doanh nghiệp hạn chế thu mua khiến bà nông dân chật vật tìm đầu ra và không dám tăng đàn.
Để chăn nuôi bò sữa ở Bồ Lý phát triển đúng hướng, thời gian qua, lãnh đạo UBND xã đã chủ động làm việc với Công ty sữa Friesland Campina Hà Nam, đề nghị thu mua hết sữa cho người dân theo đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, đề xuất với UBND huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để địa phương xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tập trung; tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi theo quy trình khép nhằm nâng cao chất lượng, tạo đầu ra ổn định…
Thanh Nga