Sữa Việt Nam

Vụ bò sữa chết sau tiêm vắc xin: Cận cảnh chạy chữa cứu đàn bò sữa gầy trơ xương

Đến ngày 21-8, vùng nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng là huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng vẫn tiếp tục phát sinh bò chết và đổ bệnh sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Công ty Navetco) sản xuất.

 Cứu đàn bò sữa trơ xương

 

Ông Nguyễn Đình Sơn (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vẫn chưa hết lo lắng sau cú sốc chỉ trong một thời gian ngắn mà đàn bò nhỏ của ông đã chết 4 con. 

 

Hằng ngày ông vẫn tiếp tục truyền thuốc cho bò theo phác đồ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đội thú y của tỉnh Lâm Đồng hằng ngày đi kiểm tra và hỗ trợ. 

 

Tuy nhiên, đàn bò của ông gần như không còn cho sữa và gầy trơ xương. “Bò vẫn còn ăn rất ít nên gầy sọm đi. Có một con sắp đẻ, không biết có sức không”, ông Sơn lo lắng.

 

Ông Nguyễn Duy Thành (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng đàn bò nào được tiêm loại vắc xin trên thì nay chúng đều gầy ốm.

 

“Chuyện này cũng dễ hiểu vì bò vừa bỏ ăn, tiêu chảy liên tục đã gần 3 tuần rồi. Mấy ngày gần đây mới chịu ăn trở lại. Nhờ vô thêm thuốc bổ nên cũng đỡ dần” - ông Thành bày tỏ.

 

Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập đội thú y chuyên hỗ trợ các hộ dân nuôi bò sữa ở vùng Đơn Dương, Đức Trọng, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nhất vì vụ tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC. 

 

Tại khu vực này có hơn 200 bác sĩ thú y chia thành nhiều nhóm nhỏ vào tận chuồng trại của nông dân để khám, theo dõi và điều trị cho đàn bò. 

 

Ông Hoàng Sĩ Bích - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - thông tin: "Có nhiều việc phải làm liên quan đến hỗ trợ cho nông dân nuôi bò sữa, nhưng trước tiên là phải cứu chữa, phục hồi đàn bò sữa giá trị cao".

 

Gần 2.500 con bò đã được cứu chữa, hồi phục 

 

Tính đến tối 20-8, có thêm 28 con bò sữa bị bệnh và thêm 14 con chết. Lượng bò sữa mới phát sinh bệnh giảm nhưng số bò chết lại tăng lên. 

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến 16h ngày 20-8, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 6.000 con bò sữa bị bệnh, 362 con chết, có tổng cộng gần 2.500 con hồi phục.

 

Ông Nguyễn Văn Châu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - cho hay số lượng bò chết tăng trong ngày là do những con bò đã mắc bệnh nặng trước đó nhưng không đáp ứng được việc điều trị. Cơ quan chức năng không ghi nhận bò mới nhiễm bệnh rồi chết như giai đoạn đầu tháng 8-2024.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác