TT Sữa ở Việt nam
Ngành Sữa đang nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa
Con số này năm 2008 tăng lên 107.983 con với sản lượng 262,16 nghìn tấn sữa tươi. Đến đầu năm 2010, với số lượng bò sữa ở mức hơn 116.000 con như hiện nay thì tổng lượng sữa được sản xuất cả năm cũng chỉ ở mức gần 300 nghìn tấn. Như vậy, tất cả các vùng nguyên liệu trên, cả nước hiện chỉ đủ để sản xuất gần 50% số sữa tươi được bán ra thị trường, chưa kể đến các chế phẩm khác có sử dụng sữa tươi như sữa chua, sữa đặc có đường, sữa bột trẻ em, sữa cho người tiểu đường…
Hiện nay, trên thị trường nước ta có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đây là một con số không nhỏ để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành sữa. Nhưng trong khi giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm thì giá sữa trong nước vẫn tăng cao, đặc biệt là đối với các loại sữa bột nguyên hộp nhập khẩu.
Cuộc khảo sát về giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu của các hãng như Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, XO… tại nước ta với các nhãn sữa cùng loại được bày bán tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Indonexia, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, mới đây đã cho thấy: so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonexia, giá sữa nhập khẩu của Việt Nam nhìn chung là cao hơn từ 20-60%, cá biệt có trường hợp còn cao hơn từ 100-150%.
Sản phẩm sữa của các doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên thị trường nội địa. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước hiện nay là khá lớn với nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ.
Sản phẩm chủ yếu của ngành bao gồm sữa đặc, sữa bột, sữa tiệt trùng và sữa chua các loại. Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như bột dinh dưỡng, kem, phô mai, sữa đậu nành, nước ép trái cây, bánh sữa, kẹo sữa... Nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm tới, nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào và sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển ngành sữa cũng như đẩy mạnh mở rộng thị trường nội địa, ngành sữa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại thị trường trong nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sữa bột hoàn nguyên nhưng được quảng cáo là sữa tươi nguyên chất 100% đã làm cho người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt hại. Người tiêu dùng cũng chưa có khái niệm rõ ràng thế nào là sữa tươi, sữa tươi tiệt trùng và sữa thanh trùng, sữa hoàn nguyên, cách thức bảo quản và sử dụng sữa tươi thế nào để đạt kết quả cao nhất. Thị phần sữa nước như sữa tươi, sữa thanh trùng, tiệt trùng, sữa chua, sữa dinh dưỡng... đang tăng từ 75% năm 2002 lên 79% năm 2009.
Trong đó, ngành hàng sữa tươi đang chiếm thị phần cao nhất (28%). Tuy nhiên, với số lượng đàn bò trong cả nước và sản lượng sữa như trên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 75% nguyên liệu bột sữa để sản xuất do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Với cơ cấu sản xuất và nhập khẩu như trên, thị trường sữa ở Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả thậm chí cả phương thức mua bán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước vẫn có xu hướng lựa chọn sữa nhập khẩu với tâm lí sữa ngoại nhập tốt hơn sữa nội. Trong khi sữa bột sản xuất trong nước hoàn toàn dùng nguyên liệu nhập ngoại.
Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm
Thực trạng sữa tươi trên thị trường hiện nay đã chỉ ra một khoảng cách khá lớn giữa sữa bò nguyên liệu thu mua và nhu cầu của thị trường. Điều này cũng đặt ra các doanh nghiệp ngành sữa là phải đầu tư vào phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu cũng như công nghệ sản xuất tiên tiến.
Trong khi đó, sản lượng sữa bò nuôi chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Trong năm 2009, đàn bò cả nước cung cấp khoảng 278,19 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu, bao gồm cả sữa tươi dùng để sản xuất và sữa tươi cho các mục đích khác như cho bê uống… Trong số đó, Vinamilk thu mua gần 130 ngàn tấn, chiếm tỉ lệ gần 50%. Lượng sữa tươi thu mua vào được Vinamilk sử dụng chủ yếu để sản xuất sữa tươi các loại, chiếm 80%. Phần còn lại được phối hợp đưa vào các sản phẩm khác.
Để chủ động được nguồn sữa bò tươi, một số doanh nghiệp còn đầu tư, phát triển đàn bò. Tính đến ngày 30/06/2010, Công ty TNHH một thành viên Bò Sữa Việt Nam trực thuộc Vinamilk đang quản lý 5 trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn, hiện đại ở Tuyên Quang, Bình Định, Nghệ An, Lâm Đồng và Thanh Hóa. Tổng đàn bò của 5 trang trại hiện nay là 4.064 con.
Ngoài ra, Công ty CP Sữa Lam Sơn thuộc Vinamilk cũng có một trang trại bò sữa với 796 con. Tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cung cấp trong năm gần 2.000 tấn. Các trang trại của Vinamilk đều được đầu tư tốt về con giống, thức ăn đầu vào chất lượng, chuồng trại và công nghệ vắt sữa tiên tiến của châu Âu để đảm bảo nguồn sữa tươi nguyên liệu có chất lượng tốt nhất. Đây là nguồn sữa nguyên liệu cung cấp để sản xuất dòng sản phẩm sữa tươi nguyên chất 100% cho các nhà máy của Vinamilk.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, Vinamilk đang triển khai thêm dự án đầu tư trị giá trên 400 triệu USD (khoảng 8.000 tỷ đồng) trong vòng 3 năm để đưa đàn bò vắt sữa của các trang trại Vinamilk lên tới 80.000 con, mỗi ngày cung cấp trên 1,3 tỷ lít sữa, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Triển vọng phát triển ngành sữa
Hiện nay, thị phần sản phẩm sữa sản xuất trong nước chiếm khoảng trên 80%, riêng thị phần mặt hàng sữa bột sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng gần 40%. Còn lại 60% thị phần thuộc về hàng nhập khẩu, trong đó tập trung chủ yếu ở một số hãng sữa lớn như Abbott, Mead Johnson…
Nguyên nhân khiến cho sản phẩm sữa sản xuất trong nước của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm sữa bột bị mất nhiều thị phần là do các doanh nghiệp chưa chú trọng vào hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là hoạt động quảng cáo. Ngay sau khi các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước chú trọng hơn tới khâu quảng cáo vào nửa cuối năm 2009 thì ngay lập tức thị phần các sản phẩm sữa bột sản xuất trong nước cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là chất lượng các sản phẩm sữa sản xuất trong nước còn hạn chế do công nghệ sản xuất không cao, quy hoạch nuôi bò sữa còn rải rác, chất lượng sữa nguyên liệu không đảm bảo.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiện nay, châu Á đang dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng tiêu thụ sữa. Trong đó, mức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bình quân của người Việt Nam hiện nay là 14 lít/người/năm (do quan niệm sữa chỉ dành cho trẻ em, người già, người ốm), còn thấp hơn so với Thái Lan (23 lít/người/năm) và Trung Quốc (25 lít/người/năm). Khoảng chênh lệch này cùng với xu thế tăng đồ uống ở các lứa tuổi người Việt Nam trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành Sữa phát triển.