TT Sữa ở Việt nam
Sữa bất ngờ tăng giá
Đây là đợt tăng giá thứ hai của một số loại sữa trên thị trường VN từ đầu năm đến nay, nâng mức tăng tổng cộng lên 20-25%.
Theo các đại lý phân phối và kinh doanh sữa tại TP.HCM, việc tăng giá chủ yếu rơi vào nhóm sữa bột. Riêng dòng hàng sữa nước, nhà sản xuất tung ra mẫu sữa mới bán với giá cao hơn sữa cũ 10.000 đồng/thùng 12 lốc.
Tăng đồng loạt
Theo chị Hường - chủ một cửa hàng kinh doanh sữa và tạp hóa trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM), từ đầu tháng 9 nhiều đại lý đã gửi thông báo tăng giá sữa và từ ngày 13-9 áp dụng giá mới khi nhập hàng, giá tăng từ 8.000-40.000 đồng/hộp. Cụ thể, sữa Dumex thông báo tăng giá 10-13% với lý do đổi mẫu mã như Dumex Mama 800gr có giá mới 264.000 đồng/hộp thiếc, Dumex Dulac (loại số 1) 800gr lên 375.000 đồng/hộp.
Hãng sữa Nestlé điều chỉnh tăng giá dòng sữa Lactogen từ 3-10%. Từ ngày 7-9, Friesland Campina VietNam cũng điều chỉnh tăng giá 4-15% một số mặt hàng sữa bột như Friso, Dutch Lady. Trong đó, mức điều chỉnh đáng lưu ý như Frisolac 1 lon 900gr tăng 7.500 đồng, từ 261.000 đồng lên 268.500 đồng, Dutch Lady 456 Vannila hộp giấy 400gr tăng 5.000 đồng, từ 68.500 đồng lên 73.500 đồng.
Ông Phạm Ngọc Châu, phó giám đốc Công ty Hancofood, cho biết từ ngày 15-9 điều chỉnh giá mặt hàng sữa bột Dollac nguyên kem hộp thiếc 900gr tăng 5%, lên gần 143.000 đồng/hộp.
Không liên quan đến sữa nguyên liệu
Lý giải lý do tăng giá, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, giám đốc đối ngoại Công ty Friesland Campina VN, cho biết giá sữa tăng đợt này không liên quan đến giá sữa nguyên liệu. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên vật liệu đóng gói tăng giá từ 5-18%, giá nhân công cũng đã tăng nhiều trong thời gian qua và để duy trì được nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo cho sản xuất, lương của lao động trực tiếp sản xuất phải tăng thêm khoảng 4,5%. Ngoài ra, nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng giá từ 11-54% thời gian qua. Ông Luân cho biết việc tăng giá này đã được đăng ký, giải trình theo đúng quy định với các cơ quan quản lý.
"Tăng giá hiện nay là con dao hai lưỡi, nếu vượt qua được ngưỡng “chịu đựng” của người tiêu dùng, từ đó giúp nhà kinh doanh tăng doanh số, đảm bảo lợi nhuận. Ngược lại, giá tăng đem đến nguy cơ mất niềm tin ở người tiêu dùng, dẫn đến mất thị phần" Một chuyên gia trong lĩnh vực marketing |
Tuy nhiên, giá sữa bột tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu sữa giảm khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ. Cụ thể, giao dịch sữa bột tháng 8 tiếp tục giảm sâu so với tháng trước, loại sữa bột béo nguyên kem giảm thêm 200 USD/tấn, còn 3.800-4.000 USD/tấn. Nếu so với đầu năm, mức giá sữa nguyên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30%, lúc đó giá từ 4.500-4.958 USD mỗi tấn. Ở những lần trước, các nhà sản xuất đều đưa ra lý do tăng giá là nguyên liệu tăng, bổ sung chất này hay chất kia. Vì vậy với các lý do liệt kê trên, cơ quan quản lý khó từ chối đơn xin tăng giá của doanh nghiệp.
Sức ép lợi nhuận?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực sữa, ngoài yếu tố mới như bổ sung vi chất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, có hai lý do chính để sữa điều chỉnh tăng giá trong bối cảnh hiện nay. Sau những tháng đầu năm sức mua giảm sút dẫn đến doanh số của các hãng sữa giảm mạnh. Để đảm bảo lợi nhuận đề ra, các doanh nghiệp chọn phương án tăng giá, đặc biệt trong quý 4 sức mua thường tăng cao, tâm lý mua sắm của người dân cũng thoải mái hơn. Mặt khác, tăng giá cũng là cách nhà sản xuất có thêm kinh phí làm thị trường, giành lại thị phần.
Theo ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, hiện có hai doanh nghiệp cam kết bình ổn giá sữa không tăng từ đây đến hết năm 2011. Sở cũng chưa nhận được đơn thông báo điều chỉnh giá của các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Từ khi thông tư 122 của Bộ Tài chính về quản lý giá có hiệu lực, việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp cũng dè dặt hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng giá sữa lần này sẽ mở đầu cho đợt tăng giá sữa mới vì tâm thế của các nhà kinh doanh sữa hiện nay vẫn đang còn nhìn nhau.
“Giá sữa tăng ngay thời điểm mùa tựu trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Ngay cả một số hãng sữa cam kết không tăng giá nhưng lại cắt giảm chiết khấu cho đại lý thành ra cũng là một cách tăng giá” - chủ một tiệm kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM than.
NHƯ BÌNH