TT Sữa ở Việt nam
Thị trường sữa trong nước: Chơi không đẹp!
Trên một số sàn giao dịch hàng hóa thế giới, giá sữa bột nguyên liệu liên tiếp giảm trong ba tuần qua. Hiện mức giá phổ biến khoảng 3.360 USD một tấn, so với thời điểm giá sữa lên đỉnh 4.958 USD vào tháng 2 năm nay, thì giá sữa đã giảm tới gần 1.600 USD mỗi tấn, mức giảm hơn 30%. So với mức giảm này, lẽ ra giá sữa trong nước sẽ được giảm tương ứng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, chưa có đơn vị sản xuất, phân phối sữa nào trong nước tính đến chuyện giảm giá.
Theo khảo sát của PV tại “phố sữa” Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM), hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định không có bất cứ một loại sữa nào giảm giá từ đầu năm đến nay. Giá sữa trên thị trường hiện cao hơn khoảng 25% so với cùng thời điểm năm trước. Chị Thảo, chủ cửa hàng sữa Thanh Thảo, đường Nguyễn Thông, khẳng định: “Khuyến mãi, tặng quà, tăng trọng lượng sữa thì có, chứ giảm giá thì không”. Theo một số chủ hàng, các chương trình khuyến mãi vẫn thường xuyên có, nhưng thực ra đây là một cách cạnh tranh thị phần của các nhà sản xuất, phân phối, nhất là ở các thời điểm kinh tế khó khăn, chứ mức khuyến mãi tính ra thì không thấm gì so với việc các hãng sữa thực hiện giảm giá. Dù vậy, những mặt hàng sữa cam kết giữ nguyên giá, tăng trọng lượng… vẫn có mãi lực tốt hơn hẳn. Chẳng hạn như một số sản phẩm sữa dành cho người già và trẻ nhỏ nằm trong nhóm được bình ổn giá của 2 doanh nghiệp Vinamilk và Nutifood.Thời điểm này, tại rất nhiều diễn đàn mua bán trực tuyến, khách hàng than phiền các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa “chơi không đẹp”, vì thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3, hầu hết các doanh nghiệp sữa trong nước điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng sữa trên 10%, với lý do giá sữa nguyên liệu tăng, và người tiêu dùng đã chấp nhận suốt thời gian qua, nhưng khi giá nguyên liệu giảm, doanh nghiệp lại phớt lờ chuyện giảm theo.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc đối ngoại truyền thông Công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV), thừa nhận, giá nguyên liệu gần đây có giảm, tuy nhiên, tính ra cũng đang ở mức tương đương cùng kỳ năm 2010. Cũng theo ông Luân, giá nguyên liệu chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá bán, doanh nghiệp phải duy trì sự ổn định giá sản phẩm bán ra. Còn nguyên nhân khiến giá sữa tại thị trường trong nước khó giảm, ông Kinh Luân cho là do những trở ngại cơ bản như: tỷ giá ngoại tệ đã tăng khoảng 13% trong một năm qua, trong khi nguyên liệu sữa bột chủ yếu phải nhập khẩu, giá lon thiếc và bao bì carton tăng giá từ 10 - 30%, giá nhân công cũng đã tăng nhiều...
Để kích thích người tiêu dùng, đại diện FCV cho rằng, doanh nghiệp đưa ra nhiều mặt hàng với nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng cho những nhu cầu và khả năng thanh tóan rất đa dạng của người tiêu dùng. Thậm chí là giảm giá trực tiếp 15.000 đồng trên lon sản phẩm thực hiện trong tháng 8 tháng 9.