TT Sữa ở Việt nam

Từ con bò sữa đến sữa bò

Ngày nay con bò sữa đã gần như trở thành một nhà máy sản xuất sữa. Năm 2008 những con bò sữa Holstein nằm trong Chương trình Đánh giá Di truyền Quốc gia Hoa kỳ có sản lượng sữa bình quân là 10.500 kg sữa/năm với 380 kg bơ và 320 kg protein, trong khi đó cách đây 22 năm cũng những giống bò này chỉ cho 7.900 kg sữa với 280 kg bơ và 250 kg protein.

Con dẫn đầu đàn Holstein Quốc gia của Hoa kỳ có tên là Ever-Green-View My, mang mã số 1326-ET EX-92, đã cho 32.765 kg sữa trong 365 ngày tiết sữa. Như vậy, mỗi ngày con bò này đã cho tới 90 lít sữa và mỗi năm đã sản xuất một lượng chất khô của sữa gấp 7-8 lần khối lượng cơ của nó.

Để biến một con bò sữa trở thành một nhà máy sản xuất sữa người ta đã áp dụng những biện pháp KHKT chủ yếu sau:

- Sử dụng những giống có tiềm năng di truyền cao về sản lượng sữa. Giống bò sữa Holstein thường được gọi là Holstein Friesian được biết là giống bò sữa có sản lượng sữa cao nhất so với các giống bò sữa khác trên thế giới. Nếu bò Holstein Hoa Kỳ cho sản lượng sữa mỗi chu kỳ là 12.700 kg thì những giống bò có sản luợng sữa thấp hơn theo thứ tự là bò Brown Swiss (nguồn gốc từ Thụy sĩ), bò Ayrshire (giống bò sữa của Anh chịu được lạnh giá khắc nghiệt mùa đông), bò Jersey (có nguồn gốc từ đảo Jersey của Anh), bò Guernsey (nguồn gốc từ đảo Guernsey của Anh). Giống bò Holstein đã được nhập vào nhiều nước trên thế giới, được nuôi thích nghi và chọn lọc để trở thành những giống bò Holstein của nước mình, ví dụ Holstein Hoa kỳ, Holstein Anh, Pháp, Bỉ hay Việt Nam…

- Sử dụng hormone kích sữa somatrotopin tái tổ hợp (rbST). Một nghiên cứu tiến hành vào tháng 1 năm 1999 đã xác định rằng đáp ứng của bò với hormone này là: sản lượng sữa tăng thêm trong cả chu kỳ tiết sữa 305 ngày là 894 kg với 27 kg mỡ sữa và 31 kg protein sữa. Ở Hoa kỳ có tới 1 triệu rưỡi bò sữa (khoảng 17% tổng đàn bò sữa quốc gia) được xử lý hormone rbST. (Cần chú ý rằng hormon tái tổ hợp này được biết là kích thích gan sản sinh một hormone khác có tên là “yếu tố tăng trưởng giống insulin 1” (IGF-1), IGF-1 có nhiều trong sữa gây nguy cơ ung thư vú, kết tràng và tiền liệt tuyến ở người. Với bò sữa xử lý hormone thì tỷ lệ viêm vú cũng tăng cao. Do những tác hại này mà hiện nay các nước trong EU, Canada, Australia và Nhật bản đã cấm sử dụng rbST cho bò sữa. Ngay ở Hoa Kỳ tuy việc sử dụng hormone này không bị cấm, nhưng các siêu thị lớn như Dean Food, Wal-Mart và Kroger cũng tuyên bố chỉ bán những sữa của các bò không xử lý hormone).

- Tăng số lần vắt sữa từ 2 lần lên 3 lần mỗi ngày, nhờ thay đổi kỹ thuật này mà sản lượng sữa đã tăng 17,3%.

- Thay đổi kỹ thuật cho ăn, trước đây người ta thường cho ăn thức ăn tinh và thô xanh riêng, ngày nay người ta cho ăn thức ăn tinh trộn lẫn với thô xanh. Kỹ thuật này gọi là TMR (Total Mixed Ration : Khẩu phần hỗn hợp). Nhờ kỹ thuật này mà sản lượng sữa trong cả chu kỳ tiết sữa của mỗi con bò đã tăng thêm 300 kg.

Bộ phận sản xuất sữa trực tiếp của nhà máy sữa có tên “bò sữa” là tuyến vú. Tuyến vú của bò có 4 bầu vú, cân nặng tới 15-20 kg. Bên trong tuyến có những đơn vị sản xuất sữa, đó là các vi nang (alveoli); mỗi một phân khối của mô tuyến chứa khoảng 50 ngàn vi nang, như vậy toàn bộ tuyến vú có tới hàng tỷ vi nang. Xung quanh vi nang là một mạng mao mạch đem các chất dinh dưỡng từ máu đến để vi nang tạo ra sữa. Để tạo một lít sữa có tới trên 500 lít máu đi vào tuyến vú. Sữa từ các vi nang theo các ống nối nhỏ đi tới các ống nối lớn rồi đổ vào xoang tuyến, từ xoang tuyến sữa đi vào các núm vú. Hệ thần kinh và các hormone của cơ thể điều khiển toàn bộ chức năng của tuyến vú và sự tiết sữa.

Một bộ phận quan trọng nữa của bò sữa là bộ máy tiêu hóa, trong đó có một thùng lên men hoàn hảo hơn bất kỳ một thùng lên men nào do con người tạo ra, đó là cái dạ cỏ.

Dạ cỏ chứa một số lượng khổng lồ các vi khuẩn và động vật nguyên sinh, số lượng những vi sinh vật này lớn hơn dân số của trái đất tới hàng chục ngàn lần. Mặt khác chúng sinh sôi nẩy nở rất nhanh, mỗi loài vi khuẩn có thể tăng gấp đôi số lượng chỉ trong 11 phút.

Vi khuẩn dạ cỏ sử dụng các nguồn đạm từ thức ăn để sinh tổng hợp nên protein của bản thân chúng và chính chúng đã đáp ứng tới 50% nhu cầu protein hàng ngày của bò sữa. Ngoài ra, chúng còn sử dụng chất xơ và các loại bột đường trong những thức ăn mà con người không sử dụng được như rơm, thân cây ngô, khoai củ, cám bã, cây cỏ và các phụ phẩm công nông nghiệp khác để lên men cho ra các axit hữu cơ như axit axetic, propionic và butyric; các axit hữu cơ này là nguồn năng lượng giúp cho con vật chủ sống và tạo sữa. Đương nhiên để có nhiều sữa thì phải cung cấp nhiều thức ăn tốt, đặc biệt là cỏ xanh. Thức ăn hỗn hợp tinh chỉ thay thế được khoảng 40 - 60% tổng lượng chất khô mà bò yêu cầu hàng ngày, thức ăn hỗn hợp tinh nếu thay thế hoàn toàn cỏ xanh thì sẽ dẫn đến rối loạn chức năng sinh lý dạ cỏ và làm cho bò bị chết.

Từ các nguồn thức ăn mọc lên từ đất và các nguồn phụ phẩm công nông nghiệp mà hầu như con người không sử dụng được, quần thể vi sinh vật dạ cỏ đã giúp con bò tạo ra sữa.

Sữa là một loại thực phẩm bổ dưỡng hoàn hảo của con người. Cứ 100g sữa bò bình quân có 3,4g protein; 3,6g mỡ; 4,6g đường lactose và 0,7g chất khoáng. 100g sữa cho 66 Kcal năng lượng. Sữa chứa tất cả các axit amin cần thiết cho cơ thể, trừ các axit amin chứa lưu huỳnh (methionine và xistin) thì hơi thấp. Sữa cũng có nhiều các loại vitamin như vitamin A, D, B1, B2, B12 và các chất khoáng như canxi, magiê, kali. Mỗi một trăm gram sữa chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu hàng ngày về vitamin A, nhưng đáp ứng được tới 10% nhu cầu về vitamin D và 11% nhu cầu về canxi cho người lớn.

Trong sữa còn có các hoạt chất sinh học như các globulin miễn dịch, các enzyme, peptid kháng khuẩn, các oligosaccharide và các yếu tố sinh trưởng. Các globulin miễn dịch của sữa chứa các kháng thể có vai trò trực tiếp chống lại vi khuẩn gây bệnh cho cả cả tuyến vú và cho đứa trẻ bú sữa. Các globulin miễn dịch trong sữa đầu luôn luôn có hàm lượng cao hơn trong sữa thường. Người ta có thể dùng ”kỹ thuật miễn dịch hoá” khi con vật đang mang thai để nâng cao hàm lượng globulin miễn dịch trong sữa đầu của bò, sữa đầu loại này là nguồn thực phẩm bổ sung kháng thể rất quý không chỉ cho bê mà còn cho cả các trẻ nhỏ.

Bò sữa là một cái máy tạo sữa sinh học tinh vi và hoàn hảo, chính vì thế nuôi và vận hành cái máy này không dễ. Riêng việc cho ăn bất hợp lý đã có thể sinh bệnh, ví dụ: cho ăn tinh nhiều hơn xanh thì sản sinh quá nhiều axit béo trong dạ cỏ, đặc biệt axit lactic, gây toan huyết, giảm ăn, giảm sản lượng sữa, đau móng hay nuôi bò quá béo trước khi vào đẻ thì lại làm cho bò dễ bị bệnh thở thơm (bệnh ketosis), bệnh này làm cho bò giảm ăn, giảm số lượng và chất lượng sữa, giảm khả năng sinh sản…Như vậy, muốn nuôi bò sữa tốt thì không chỉ cần có đủ đất trồng cỏ mà còn cần có hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện.


Nông nghiệp công nghệ cao đã biến con bò sữa thành một cái máy sản xuất sữa. Quá trình này, thực ra có nhiều cái lợi nhưng cũng có những cái con người phải trả giá. Bình thường một con bò sữa có thể khai thác sữa 8-10 năm, nhưng với hệ thống thâm canh đang áp dụng cho bò Holstein ở Hoa kỳ hiện nay thì thời gian khai thác sữa bình quân hiệu quả nhất đã giảm xuống chỉ còn không quá 3 năm. Sau tuổi khai thác này bò có sản lượng sữa thấp (12-15 lit/ngày, với sản lượng này nuôi bò không có lãi), khó đậu thai khi phối giống, dễ bị viêm vú, sát nhau, đau móng… Điều này dạy cho con người sự khôn ngoan khi lựa chọn hệ thống sản xuất thâm canh hay truyền thống cũng như sự khôn ngoan khi kết hợp hài hoà giữa thâm canh và truyền thống.

ảnh: Tượng con bò Hostein U.S bằng sợi thuỷ tinh lớn nhất thế giới có tên là Salem Sue đặt ở thành phố New Salem, North Dakota Hoa kỳ. Tượng cao 11,6 m, dài 15,25 m, nặng 5 tấn rưỡi, từ xa 5 dặm người ta đã trông thấy bức tượng. Chi phí xây dựng tượng là 40.000 USD do sự đóng góp của những người nuôi bò sữa, các doanh nghiệp và công nghiệp sữa trong vùng.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác

Bảng giá

Dairy
Price
2011
Price
2011
Price
2010
Price
2010
Price
2010
Grains, Livestock & Hay
Price
2012
Price
2011
Price
2011
Price
2010