TT Sữa & nguyên liệu SXTĂ gia súc Thế Giới
Lập lờ đánh lận... sữa tươi
Người tiêu dùng lại phải đối mặt với những sản phẩm sữa tươi mà không phải tươi
Tuy nhiên, khi đó vấn đề chỉ nằm ở giá nguyên liệu đầu vào. Vì việc sản xuất “sữa tươi” từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu có giá thành thấp hơn so với sản xuất “sữa tươi” có nguồn gốc sữa tươi trong nước nên các doanh nghiệp đã lập lờ trong chuyện này để kiếm lợi.
Kể từ sau sự kiện Melamine, sữa tươi trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng và một lần nữa chính vì sự lựa chọn số một này, người tiêu dùng lại phải đối mặt với những sản phẩm sữa tươi mà không phải tươi.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sự quan tâm hiện nay của người tiêu dùng đối với thị trường sữa lại gần như chỉ tập trung vào vấn đề sữa bột và các sản phẩm sữa bột dinh dưỡng chứ gần như không quan tâm tới sản phẩm sữa tươi. Có thể, chính vì thế mà người tiêu dùng không hề nghĩ rằng mình lại tiếp tục phải sử dụng các sản phẩm sữa... không tươi với giá của sữa tươi.
Sữa tươi đâu mà nhiều quá vậy ?
Theo số liệu thống kê, mức tiêu thụ sữa nước hiện nay rất cao (khoảng 400 triệu lít/năm). Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT (công bố trong hội thảo “Chiến lược phát triển ngành sữa VN đến năm 2020” ngày 22/4/2009) thì tổng sản lượng sữa tại VN hiện nay chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu sữa nước nói chung. Còn lại (78%) phải dùng sữa bột hoàn nguyên.
Cũng theo số liệu năm 2008 của Cục chăn nuôi thì cả miền Bắc có 27.300 con bò, một nửa số bò cho sữa, sản lượng khoảng 90 tấn mỗi ngày cung ứng là 90 tấn nhưng khoảng 10% trong số đó nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác. Với lượng sữa như vậy, mỗi ngày trên toàn miền Bắc, chỉ có thể cung ứng cho một nhà sản xuất với quy mô công suất nhỏ (3 máy rót). Nhưng thực tế hiện nay ở miền Bắc có tới hơn 8 DN đang sản xuất sữa với tổng sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 330 tấn/ngày.
Như vậy sản lượng sữa tươi thật từ đàn bò của miền Bắc chỉ chiếm khoảng hơn 20% sản lượng sữa tiêu thụ. Riêng tại khu vực Ba Vì, sản lượng sữa tươi là khoảng 15 tấn/ngày. Trong số này, Trung tâm bò và đồng cỏ Ba Vì thu mua được 5 tấn/ngày để bán cho Vinamilk và Hanoimilk. Phần còn lại, khoảng 10 tấn, được bán cho một loạt DN khác. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Với lượng sữa nguyên liệu ít ỏi như vậy, lấy đâu ra sữa nguyên liệu để sản xuất sữa tươi Ba Vì tràn ngập trên thị trường như hiện nay.
Theo thông tin trong ngành, DN lớn nhất đang khai thác thương hiệu sữa tươi Ba Vì là Cty cổ phần sữa quốc tế (IDP) hiện cũng chỉ thu mua được khoảng 6 tấn/ngày, trong khi sản phẩm sữa tươi Ba Vì của Cty này hiện đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh miền Bắc với lượng tiêu thụ rất lớn.
Ông Nguyễn Đăng Vang – nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi, hiện là Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT Quốc hội đã phải đặt câu hỏi: “Trong tất cả các DN chế biến sữa hiện nay, chỉ có Mộc Châu là đơn vị có đủ nguồn hàng để chế biến sữa tươi, với sản lượng khoảng 7.500-8.000 tấn. Các đơn vị khác đều trông chờ vào nguồn sữa bột nhập khẩu, nhưng trên thị trường lại đầy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Hàng ở đâu ra mà nhiều quá vậy?".
Để có thể sản xuất khối lượng sữa được cho là sữa tươi như vậy, rõ ràng có những DN đã vì hám lợi mà nhập khẩu sữa bột về đóng vào hộp sữa tươi, vì trên thực tế không thể nhập khẩu sữa tươi từ nước ngoài về để sản xuất sữa tươi được. Mỗi ngày thị trường tiêu thụ hàng triệu lít sữa, riêng ở Hà Nội con số đó đã có thể lên đến hơn 200,000 lít. Liệu bao nhiêu % sản lượng sữa đó được thực sự sản xuất ra từ sữa bò của nông dân Việt Nam? Và chắc chắn không ai có thể biết một con bò sữa Ba Vì xịn phải cõng thêm bao nhiêu túi sữa tiêu thụ trên thị trường đang được gắn nhãn Ba Vì.
Người dùng vô tình, doanh nghiệp cố tình lẫn lộn
Theo TCVN 7029:2002, những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, qua xử lý nhiệt độ cao, được gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Sản phẩm này khi lưu hành, trên nhãn phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng.
Trong khi đó, đa phần các sản phẩm sữa tươi được bày bán hiện nay là sữa hoàn nguyên nhưng đều được gắn nhãn từ sữa tươi. Thật ra người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng cũng có nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm sữa tươi. Theo tiêu chuẩn Châu Âu thì sữa tươi là sản phẩm sữa được vắt ra từ bò và không qua chế biến tiệt trùng ở nhiệt độ cao. Hiện nay tất cả các công ty đều đang bán sữa tiệt trùng, chứ không có sữa tươi trừ một sản lượng rất ít của Cty Mộc Châu, hoặc Long Thành có bán tại siêu thị trong hệ thống bảo quản lạnh 5 độ C.
Bình luận về vấn đề này, Bác sĩ Ngô Thị Vân Hương - Viện Vệ sinh Y tế công cộng cho rằng: “Một số người còn lẫn lộn giữa “sữa tươi tiệt trùng” với thành phần chính là sữa tươi và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” với thành phần chính từ sữa bột.
Lẽ ra, các nhà sản xuất nên ghi cụ thể thành phần, định lượng, giá trị dinh dưỡng trên bao bì chứ cách ghi chung chung như hiện nay thì cả giới chuyên môn cũng không xác định được giá trị dinh dưỡng thật huống chi là người tiêu dùng”. Có thể thấy rõ rằng đang có sự nhập nhằng từ phía những nhà sản xuất khi họ cố tình “lẫn lộn” giữa hai khái niệm “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”.
Sự “lẫn lộn” này thể hiện ở chỗ: Như trên đã nói, ngoài số lượng rất ít của Cty Mộc Châu và Cty Long Thành là sữa tươi nguyên chất, đa phần sữa bán trên thị trường hiện nay, dù thật sự là 100% từ sữa bò tươi thì cũng không còn tươi nữa mà phải gọi là sữa tươi tiệt trùng. Nhưng các DN đã cố tính lờ yếu tố tiệt trùng và chỉ để là sữa tươi nguyên chất, hay đơn giản là sữa tươi. Trên thị trường hiện nay, gần như chỉ có một số sản phẩm của Vinamilk có ghi thông tin này nhưng rất bé ở góc trái gần đáy hộp và nếu người tiêu dùng không để ý thì cũng rất khó nhận biết.
Gian lận thương mại!
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) về việc các DN cố tình lập lờ trong việc ghi nhãn mác cho sản phẩm sữa tươi. Theo ông Phong thì: “Rõ ràng nhập sữa bột để sản xuất sữa tươi thì giá thành thấp. Chắc chắn phải có lợi nhuận hơn sản xuất từ sữa tươi thật thì người ta mới làm như vậy, đó là hình thức gian lận thương mại. Thực tế chỉ cần xem nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra là biết ngay sản phẩm sản xuất từ sữa bò tươi hay sữa bột”.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng khẳng định: "Đa phần các sản phẩm sữa tươi đang bày bán hiện nay là sữa hoàn nguyên. Các doanh nghiệp đã lạm dụng từ sữa tươi. Đây là hành vi thiếu minh bạch, đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm".
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cho biết Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra lại thiết bị thử nghiệm xem có thể phát hiện được tỷ lệ sữa bột hay bột sữa pha trộn vào sữa tươi hay không; đồng thời xem xét lại công thức chế biến, quy trình sản xuất, định mức kỹ thuật... đối với từng loại sản phẩm để biết được tỷ lệ sữa bột pha vào sữa tươi thành phẩm là bao nhiêu.
Tùy thuộc vào kết quả này, Tổng cục sẽ xem xét có nên tiến hành một cuộc kiểm tra tổng thể trên toàn quốc về việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng sữa hay không. Đối với những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa, nước... qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng và các nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì là “Sữa hoàn nguyên tiệt trùng”.
Thị trường sữa Việt Nam là một thị trường có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Lâu nay, cuộc chiến giá sữa và cuộc chiến sữa nội – sữa ngoại là câu chuyện điển hình. Hiện nay, trong câu chuyện giá sữa và sữa nội – sữa ngoại, các cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc để điều tra, làm rõ vấn đề, đem lại sự công bằng cho thị trường và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Hi vọng tới đây, các cơ quan chức năng cũng sẽ sớm vào cuộc, điều tra làm rõ thực trạng và cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất cho người tiêu dùng biết. Các doanh nghiệp cần phải minh bạch, công khai trong tên gọi để tránh quảng cáo tràn lan gây hiểu lầm trong xã hội.
Sữa tươi phải nói là sữa tươi, sữa tươi pha với sữa bột về làm thành “sữa tươi” cũng phải nói rõ để có sự cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước cũng cần có các quy định rõ ràng để phân biệt thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa tươi pha với sữa bột để thành sữa tươi. Đó mới là kinh doanh lành mạnh vì người tiêu dùng.