Thức ăn thô xanh
Trồng ngô sinh khối giảm nhân công, tăng lợi nhuận
Là tỉnh khởi nguồn sản xuất ngô Đông trên nền đất ướt, trước đây, Vĩnh Phúc có diện tích sản xuất ngô lấy hạt tương đối lớn so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, với 3 vụ chính trong năm: Xuân, Hè và Đông, chiếm khoảng 43-51% tổng diện tích sản xuất.
Thế nhưng, những năm gần đây, diện tích ngô có xu hướng giảm từ 1.000-2.000 ha/năm. Một trong những nguyên nhân khiến diện tích ngô giảm là do các giống hiện nay đang trồng phổ biến được nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí giống cao, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế, đẩy giá thành sản xuất cao.
Bên cạnh đó, là tỉnh có công nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển, thu hút nhiều lực lượng lao động nông thôn với mức thu nhập cao, ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp nên người dân có xu hướng chuyển đổi ngành nghề lao động, không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây ngô nói riêng.
Năm 2019, nhận thấy nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa, bò thịt trên địa bàn trong và ngoài tỉnh cao, một số hộ dân trên địa bàn xã như: Vĩnh Thịnh, Kim Xá, An Tường, Cao Đại (Vĩnh Tường), Hồng Châu, Liên Châu, Trung Kiên (Yên Lạc), Bắc Bình, Thái Hòa (Lập Thạch)... đã đem giống ngô sinh khối về trồng và phát triển tại địa phương.
Qua quá trình trồng, thu hoạch, nhận thấy ngô sinh khối tốn ít công chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô lấy hạt. Đến nay, toàn tỉnh, có trên 1.000 ha diện tích đất trồng ngô sinh khối.
Là đơn vị đầu tiên trồng ngô sinh khối trên địa xã Liên Châu (Yên Lạc) với diện tích 45 ha, anh Vũ Tú Anh, Kỹ sư Công ty Hoa quả và Lương thực Việt Nam cho biết:
So với trồng ngô lấy hạt thì ngô sinh khối có thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn hơn từ 25-30 ngày, nhờ đó người dân có thể luân canh tăng vụ lên 3-4 vụ/năm.
Cùng với đó, thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn, nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc và chi phí đầu vào.
Đặc biệt, ngô được thu hoạch từ giai đoạn chín sáp và chặt luôn cả cây nên không mất thời gian rẽ hạt, phơi khô và bảo quản.
Hiện nay, nhu cầu thu mua thức ăn thô xanh cung cấp cho bò thịt, bò sữa trên thị trường khá lớn mà lượng cung mới đáp ứng một phần.
Từ khi trồng ngô sinh khối đến nay, công ty được các đơn vị chăn nuôi bò sữa thu mua tại ruộng, với giá bán 800 đồng/kg cây tươi, doanh thu đạt 30- 35 triệu đồng/ha/vụ.
Trực tiếp trồng và chăm sóc ngô sinh khối từ năm 2019, ông Hà Xuân Hiển, xã Thái Hòa (Lập Thạch) cho biết:
Hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa tại Thái Hòa đều trồng ngô sinh khối để làm thức ăn thô xanh cho bò vì ngô sinh khối gồm thân, lá, bắp tươi đem ủ chua rất giàu dưỡng chất, tốt hơn nhiều so với ủ chua bằng các phụ phẩm như thân, lá ngô già, bẹ ngô khô.
Đặc biệt, ngô sinh khối thu hoạch vào giai đoạn chín sáp, dưỡng chất đầy đủ, trâu, bò ăn thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt, sữa cao và đảm bảo. Vụ Đông 2020, tại Thái Hòa, ngô sinh khối chiếm đến 70-80 % tổng diện tích cây trồng trên địa bàn xã.
Những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với tổng đàn trâu, bò có trên 136 nghìn con; trong đó trên 14 nghìn con bò sữa, nên nhu cầu về thức ăn thô xanh là rất lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng thức ăn thô xanh cho trâu, bò thịt và bò sữa nói chung, trồng ngô sinh khối nói riêng chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, mà trên thực tế, trong chăn nuôi, ngô có vai trò rất quan trọng, chiếm 70% chất tinh trong thức ăn tổng hợp.
Ngoài việc cung cấp chất tinh, cây ngô còn là thức ăn xanh và ủ chua lý tưởng cho gia súc, đặc biệt chăn nuôi bò sữa.
Để chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển cây thức ăn thô để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích tụ diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào trồng, chăm sóc, thu gom, bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc ăn cỏ, góp phần tăng diện tích cây trồng vụ đông, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.
Bài, ảnh: Hồng Liên