Các tỉnh phát triển ngành sữa

CTCP Giống bò sữa Mộc Châu: Khi nông dân làm cổ đông

Ngoài mức thu nhập từ sữa, bê giống, cỏ khô, nông dân còn được chia thưởng cổ tức năm 2010 là 40%. Có mức thu nhập bình quân 20 – 30 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/hộ/tháng, công việc chăn nuôi bò sữa với những người dân trên cao nguyên Mộc Châu không chỉ là xoá đói giảm nghèo, mà là một cơ hội làm giàu. Cơ hội đó đến từ sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lợi của người chăn nuôi và doanh nghiệp – công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu.

Hộ nông dân: mỗi ngày 1 triệu đồng tiền thu nhập

Sáng 10.4, anh Hà Xuân Lương, đơn vị Sao Đỏ, thị trấn nông trường Mộc Châu dậy sớm hơn thường lệ. Sau khi cho đàn bò ăn, vệ sinh chuồng trại, anh Lương mặc bộ vest vợ anh đã chuẩn bị từ hôm trước, thay cho bộ trang phục dân tộc Thái hàng ngày, để đi dự đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu.

Các cổ đông công ty đã tề tựu đầy đủ, bao gồm lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty, trong đó có đại diện những hộ chăn nuôi bò như anh Lương. Nhiều cổ đông người dân tộc thiểu số khác, như dân tộc Thái, dân tộc H’mông, lần đầu đi dự đại hội đồng cổ đông, xem chừng có phần ngượng nghịu trong bộ trang phục trang trọng, song đều vui khi cổ tức năm 2010 lên tới 40%. Ngoài mức thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm (từ sữa, bê giống, cỏ khô), anh Lương còn được chia thưởng thêm khoảng 16 triệu đồng cổ tức từ 3.900 cổ phần sở hữu.

Gia đình anh Lương là một trong số gần 500 hộ chăn nuôi của công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 15 con bò, cho thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng. Không ít hộ có thu nhập hàng tháng khoảng 50 triệu đồng. Hộ nuôi nhiều nhất là 80 con, mỗi ngày thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

Công nhân nhà máy có thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng trong năm 2010. Phó tổng giám đốc công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu Nguyễn Sỹ Quang nhận xét: “Với người chăn nuôi ở cao nguyên Mộc Châu, đàn bò không chỉ là công cụ xoá đói giảm nghèo, mà hơn thế, là đầu tư, là thay đổi cuộc sống”.

Mạnh dạn đầu tư và gắn kết quyền lợi

Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty Trần Công Chiến cho biết, cơ chế khoán hộ thay cho phương thức chăn nuôi tập trung là bước chuyển đổi quan trọng. Để tăng doanh thu, công ty vay vốn hàng trăm tỉ đồng, đầu tư dây chuyền sản xuất sữa tiệt trùng theo công nghệ hiện đại của tập đoàn Tetrapak (Thuỵ Điển) và Bencopak (Ý).

Ông Chiến nhớ lại: “Trước năm 2005, Mộc Châu chỉ bán nguyên liệu. Sữa thu mua được đã quý, nhưng nếu không được bảo quản, sử dụng, chỉ sau ba giờ đồng hồ là phải đổ đi, doanh thu thấp mà rủi ro cao. Nhưng nay, sản phẩm sữa của chúng tôi đã đến trực tiếp tay người tiêu dùng, doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng lên, được công ty đầu tư trở lại cho chính người nông dân”.

Việc khép kín quy trình từ chăn nuôi đến chế biến sữa, phát triển thị trường, công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu tạo sự gắn kết quyền lợi giữa cổ đông, người chăn nuôi bò sữa, với doanh nghiệp qua chính sách khuyến khích áp dụng quy trình chăn nuôi, lấy sữa, bảo đảm dịch vụ thú y, phòng chống dịch bệnh.

Công ty còn thưởng thêm từ 400 – 800 đồng/kg sữa cho những hộ có chất lượng sữa cao; hỗ trợ từ 600 – 1.000 đồng/kg tiền cỏ với loại cỏ nhập khẩu, hỗ trợ 1.500 – 2.000 đồng/kg thức ăn tinh bột, hỗ trợ tiền phối giống, dịch bệnh. Hai năm qua, đơn vị này cũng xây dựng thành công quỹ bảo hiểm vật nuôi và giá sữa.

Đến nay, đàn bò sữa của Mộc Châu đã có 7.200 con, cho sản lượng sữa tươi đạt trên 28.000 tấn/năm, năng suất 20,5 kg/con/ngày – cao nhất cả nước. Sữa được mua chuyển về nhà máy chế biến các sản phẩm sữa thanh trùng, tiệt trùng, được phân phối ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đầu tháng 4 vừa qua, công ty đã cho ra mắt thị trường sản phẩm sữa chua Mộc Châu. Công ty đang chuẩn bị để cung cấp ra thị trường sản phẩm sữa hữu cơ. Theo ông Chiến, những điều kiện cơ bản để sản xuất sữa hữu cơ, như không sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng cỏ, xử lý chất thải, giống bò, người chăn nuôi có kinh nghiệm…

 

Nuôi bò có bảo hiểm

Quỹ được hình thành từ nguồn vốn của doanh nghiệp và nguồn đóng góp của người chăn nuôi (mỗi người chăn nuôi đóng từ 200.000, 400.000 hoặc 600.000 đồng theo loại vật nuôi là bê, bò tơ hoặc bò sinh sản). Trong trường hợp bò hết khả năng sinh sản (bò thải) hoặc chết, sẽ được bồi thường từ 7 đến 10 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hùng, thành viên ban quản lý quỹ, cho biết, đến nay, tổng quỹ thu được hơn chục tỉ đồng và đã chi bồi thường cho người chăn nuôi 2,9 tỉ đồng.

Ông Hùng tính toán: với mức bồi thường gần chục triệu đồng/con, cộng với tiền bán sản phẩm cũng gần chục triệu đồng/con, là đủ để người chăn nuôi đầu tư một con bò tơ, tiếp tục sản xuất. Như ông Nguyễn Văn Quất, đơn vị 85, có đàn bò gần 100 con, chỉ riêng trong năm 2010 đã được bồi thường gần 100 triệu đồng cho mười con bò thải và chết.

“Thủ tục nhanh gọn, mức bồi thường cao, nên tất cả người chăn nuôi bò đều tham gia bảo hiểm, giúp giảm thiểu rủi ro rất lớn”, ông Hùng cho biết.


Theo Thảo Nguyễn

Nguồn: Báo Sài Gòn tiếp thị
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác