Các tỉnh phát triển ngành sữa
Cần được tiếp sức
Đến với nghề chăn nuôi bò sữa từ năm 2004, nhưng đến năm 2008, khi giá sữa tăng cao, gia đình ông Đinh Văn Định ở tổ 1, ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha (huyện Tân Thành) cũng như nhiều bà con nông dân khác khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi bò sữa mới có thể “sống được với nghề”. Ông Định nhớ lại, giai đoạn 2004-2007, giá sữa tươi rẻ, nông dân nuôi bò sữa liên tục bị thua lỗ dẫn tới đàn bò ngày càng mai một. Năm 2008, giá sữa bắt đầu tăng cao, người nuôi bò sữa được “nở mày, nở mặt”, một số hộ nông dân bắt đầu quay trở lại khôi phục đàn bò. Ông Định cho biết, đàn bò sữa của ông hiện có 28 con, trong đó có 20 con đang trong thời kỳ vắt sữa, sản lượng bình quân 180-200 lít/ngày; với giá bán hiện nay 10.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 700 – 800.000 đồng/ngày. Với đàn bò 12 con đang trong thời kỳ cho sữa, ông Đinh Nam Hưởng (ở ấp Tân Lễ A) cũng thu được khoảng 130 lít sữa/ngày, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 500.000 đồng/ngày.
Huyện Tân Thành hiện có 17 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn hơn 300 con, tập trung tại 3 xã: Châu Pha, Tóc Tiên và Phước Hòa. Ngoài sản phẩm chính là sữa tươi, người chăn nuôi bò sữa còn các nguồn thu khác như: bê cái sinh ra được nuôi dưỡng, nhân giống khai thác sữa; bê đực được nuôi để bán thịt; nguồn phân bò được bán với giá 250.000 đ/m3 và là nguồn cung cấp khí biogas phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thành, mô hình chăn nuôi bò sữa đã phát triển ổn định và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đây là mô hình chăn nuôi có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. “Mấy năm nay, giá sữa tăng cao nên chỉ với 5 con bò sữa, có thể thu về 6-7 triệu đồng/tháng, bà con nông dân có thể sống khỏe với nghề” - ông Mã Thành Trung, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thành cho biết.
Từ năm 2008, Trạm thu mua sữa Châu Pha đã đi vào hoạt động và trực tiếp thu mua sữa cho bà con. Bên cạnh đó, hiện Công ty CP sữa Vũng Tàu đã được thành lập, đầu tư Nhà máy chế biến sữa với công suất từ 8-10 tấn/ngày và sắp đi vào hoạt động. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm như: sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa chua và bánh sữa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để bà con nông dân Tân Thành yên tâm đầu tư sản xuất, tăng quy mô tổng đàn. Tuy nhiên, việc tăng quy mô đàn hiện đang gặp nhiều khó khăn, bởi vốn đầu tư ban đầu cho một con bò khá cao, từ 27-35 triệu đồng/con. Trong khi đó lãi suất vay vốn ngân hàng cao, nguồn vốn vay bị siết chặt nên nông dân thiếu vốn; giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chính là những rào cản khiến nông dân khó mở rộng quy mô sản xuất. Để nghề chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần có các chủ trương, chính sách tiếp sức cho bà con nông dân; đồng thời, chính quyền địa phương cần tiếp tục vận động bà con nông dân chăn nuôi hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống…để tăng hộ chăn nuôi, tăng tổng đàn.
Bài, ảnh: Trà Ngân
Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020”. Theo đó, xã Châu Pha được quy hoạch là vùng chăn nuôi bò sữa tại lưu vực hồ Đá Đen, hồ Châu Pha và suối Châu Pha với tổng đàn 5.000-7.000 con bò.