Các tỉnh phát triển ngành sữa

Dự án bò sữa lớn nhất nước - 2 chữ

Nghệ An hiện có 2 dự án chăn nuôi bò sữa công nghiệp tập trung thuộc loại lớn ở Việt Nam, đó là dự án của Cty CP Sữa Vinamilk (100 tỷ đồng) và Cty CP Thực phẩm sữa TH. Riêng dự án do Cty CP Thực phẩm sữa TH (Cty CP Sữa TH) có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD (giai đoạn 1) và sẽ nâng lên đến 1,2 tỷ USD vào năm 2020.

Dự án bò sữa TH là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta. Tuy mới đi được nửa giai đoạn I, nhưng bước đầu đã được đánh giá khá thành công. Và trong thành công đó, bản thân DN cũng khẳng định rằng, đó là nhờ một phần vào thái độ, trách nhiệm của chính quyền.

Giữa tháng 9/2009, Cty CP Sữa TH bắt đầu được cấp phép đầu tư dự án nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp 20.000 con, tại huyện Nghĩa Đàn với tổng số vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD). Khi dự án được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đã khiến không ít người nghi ngờ.

Thế nhưng, ngay sau khi được cấp phép, nhà đầu tư lập tức đưa hàng trăm chuyên gia Ixraen lên Nghĩa Đàn bắt tay vào khảo sát thực địa, tư vấn, thiết kế trang trại, quy hoạch vùng nguyên liệu… đồng thời nhà đầu tư thúc đẩy nhanh tiến độ thu hồi hàng nghìn ha đất để triển khai xây dựng 6 trang trại bò sữa đầu tiên (2.400 con bò sữa HF/trang trại) và nhất là từ tháng 2/2010 đến nay đã có 6 chuyến nhập khẩu đàn bò HF khổng lồ (từ 1.050 con đến 1.600 con/chuyến) về cập cảng Cửa Lò… thì gần như 100% số người đang hoài nghi về dự án này đã buộc phải suy nghĩ lại.  

Cho đến ngày 31/7/2011, dự án chăn nuôi bò công nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn đã đạt gần 13.000 con bò sữa các loại, trong đó số bò HF nhập khẩu về Nghệ An có tới 11.500 con. Hiện 3.000 con đã cho sữa từ 28 đến 30 lít/con/ngày. Năng suất sữa đưa vào chế biến đạt trên 80.000 lít sữa/ngày. Đến đầu tháng 10/2011, sẽ có thêm trên 1.000 con bò sữa HF sinh sản tiếp. Lúc đó sản lượng sữa sẽ tăng lên 30.000 lít/ngày, nâng tổng sản lượng sữa tươi lên khoảng 110.000 lít/ngày.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư đang xúc tiến việc nhập thêm 9.500 con bò sữa HF từ New Zeland về Nghệ An vào năm 2012, nâng đàn bò sữa HF (giai đoạn 1) lên 20.000 con, phấn đấu đưa tổng đàn bò sữa các loại lên 45.000 con (bao gồm cả bê sữa). Cùng với sản lượng sữa tăng lên mỗi ngày, trong năm 2012, nhà đầu tư sẽ xây dựng xong nhà máy chế biến sữa đầu tiên tại Nghĩa Đàn với công suất 560.000 lít/ngày. Phấn đấu để thực hiện đúng cam kết sau 5 năm đi vào sản xuất, sẽ nộp ngân sách địa phương 30 triệu USD/năm (tương đương 720 tỷ đồng).

Theo quyết định của HĐQT Cty CP Sữa TH, giai đoạn tiếp theo (đến 2020) tổng số vốn đầu tư cho dự án này sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD (trên 24.000 tỷ đồng) với đàn bò sữa HF lên tới con số 137.000 con. Cùng với đó là việc xây dựng 2 nhà máy chế biến sữa, lượng sữa tươi chế biến sẽ lên tới 1,7 triệu lít/ngày. Hoàn thành mục tiêu dự án đặt ra, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ sữa tươi ở nước ta trong năm 2020… 

Đầu tư nông nghiệp vốn nhiều rủi ro. Đặc biệt với con bò sữa, đã rất nhiều chương trình, dự án thất bại cay đắng. Vậy tại sao một DN tư nhân trong nước lại dám bỏ ra một số tiền đầu tư lớn đến như vậy? Bên cạnh đó hàng loạt câu hỏi cũng được quan tâm như tại sao dự án lại đặt ở Nghệ An? Nếu ở một địa phương khác thì dự án có thành công được không?  

Trao đổi với chúng tôi, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sữa TH cho biết:  Về phía nhà đầu tư, khi quyết định rót tiền vào lĩnh vực nông nghiệp đầy rủi ro, chúng tôi cũng hết sức lo lắng. Rất nhiều người ái ngại, khuyên chúng tôi dừng lại, chuyển tiền sang đầu tư các dự án bất động sản như làm khu đô thị mới thì đảm bảo chắc thắng gấp nhiều lần. Nhưng với tư cách là một người con xứ Nghệ, tôi lại nung nấu, trăn trở một câu hỏi là tại sao chúng tôi lại không về quê đầu tư một dự án có tầm cỡ nhằm tạo công ăn, việc làm cho con em Nghệ An và làm giàu cho quê hương mình.  

Tôi hiểu, đầu tư vào mặt trận nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi bò sữa quy mô lớn luôn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Nhưng ba lý do khiến tôi quyết định chọn đầu tư dự án này: Thứ nhất là chúng tôi đã sang thăm và tìm hiểu kỹ các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghiệp và một số nhà máy chế biến sữa hiện đại nhất tại Ixraen và điều làm tôi yên tâm là điều kiện đất đai của họ sa mạc hoá và khô cằn, khí hậu còn khắc nghiệt hơn ở Nghệ An, thế mà đàn bò của họ vẫn khỏe mạnh, giành được năng suất, sản lượng sữa cao, ổn định và tốt nhất thế giới. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao, chúng tôi đã chọn và ký hợp đồng thuê chuyên gia Ixraen, mua toàn bộ kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi bò, sản xuất và chế biến sữa của họ để triển khai dự án tại Nghệ An.

Lý do thứ 2, trước đây các dự án chăn nuôi bò sữa nông hộ và các trang trại nhỏ ở nước ta (trong đó có Nghệ An) thường nửa chừng phải bỏ cuộc là vì đàn bò sữa HF được nhập không đảm bảo chất lượng từ đầu. Các đầu mối làm trung gian, môi giới nhập bò về vì hám lợi, phần lớn bò sữa HF đưa về Việt Nam đã đến thời kỳ bị loại thải. Bản thân các nông hộ nuôi bò sữa lại chưa có kinh nghiệm và phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết để chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo cho đàn bò sữa HF có đầu vào, đầu ra ổn định.  

Dự án của chúng tôi ngược lại, chỉ nhập bò sữa HF tơ phần lớn mới 16 đến 18 tháng tuổi, được ký hợp đồng trực tiếp với đối tác nước ngoài nên chất lượng thuộc loại tốt nhất của New Zeland. Chúng tôi thuê và cử chuyên gia Ixraen sang nước sở tại và chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, giám sát các chỉ tiêu về chất lượng bò sữa, các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và đảm bảo để từng con bò trước khi đưa chúng lên tàu đều vô bệnh. Chuyên gia Ixraen sẽ chịu trách nhiệm tới cùng, không chỉ đến khi bò HF nhập đàn an toàn mà 100% đàn bò cho năng suất sữa cao, ổn định… 

Lý do thứ 3 là cấp phép đầu tư cho chúng tôi lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặt hết niềm tin cũng như có trách nhiệm với DN khi chúng tôi triển khai dự án này. Nghệ An mong đợi dự án này sẽ tạo ra sự "bứt phá" đáng kể cả về nguồn thu ngân sách, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao của Ixraen vào SXNN, giúp vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ làm một cuộc cách mạng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đó góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bởi thế, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình là không được phụ lòng tin của lãnh đạo tỉnh.  

 

Đến thời điểm này, đàn bò sữa HF của TH hoàn toàn khoẻ mạnh và cho lượng sữa ổn định trong cả 2 đợt nắng nóng gay gắt (trên, dưới 40oC) của năm 2010 và 2011. 100% số bò cho sữa đã sinh sản đều đạt năng suất cao từ 28 đến 30 lít sữa/ngày. Tổng doanh thu từ chế biến sữa tươi và bán bê đực trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 100 tỷ đồng.

Điều may mắn đối với chúng tôi là, ngay từ đầu lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng thể hiện rõ quyết tâm rất cao trong việc cùng nhà đầu tư  biến những ý tưởng đang nằm trên giấy trở thành hiện thực. Ngoài các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, Nghệ An đã thành lập ngay Ban chỉ đạo hỗ trợ thực hiện dự án từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đưa lãnh đạo của các sở, ban ngành vào cuộc. Cử đích danh 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An làm Trưởng, Phó ban chỉ đạo cấp tỉnh. Tại huyện Nghĩa Đàn, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND huyện làm Phó ban trực để giúp chúng tôi giải quyết triệt để mọi vướng mắc xảy ra trong quá trình GPMB, di dân, tái định cư… để dự án thực hiện đúng tiến độ.

Rõ ràng, để kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, thái độ của các cấp chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đánh giá, có 2 yếu tố để dự án thực hiện nhanh và đúng tiến độ. Yếu tố thứ nhất là sự tâm huyết và năng lực tài chính, khả năng tổ chức thực hiện của nhà đầu tư. Thứ hai là sự vào cuộc của chính quyền địa phương mà đặc biệt là ban hành, cụ thể hóa trên thực tế những chính sách đó. Đến nay, những gì thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện để chính sách đó không nằm trên giấy. Còn phía nhà đầu tư, họ cũng đang triển khai thực hiện tốt những gì đã cam kết.

Nguồn: nongnghiep.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác