Các tỉnh phát triển ngành sữa
HÀ NAM - Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước đột phá
Vốn là vùng "chiêm khê, mùa úng", nhưng Hà Nam đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ độc canh cây lúa chuyển sang sản xuất đa canh đã góp phần hình thành nền nông nghiệp đa dạng với đủ loại sản phẩm, vừa đem lại thu nhập cao cho người dân, vừa tạo động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm gần đây, nhờ chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, Hà Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển nông nghiệp. Cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 23,8% (năm 1997) lên 31,3% (năm 2005). Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước được nâng cao, hiệu quả kinh tế và thu nhập của người nông dân cũng tăng lên đáng kể. Khai thác tiềm năng và lợi thế Với diện tích tự nhiên hơn 851,7 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 61,1%, đất đai màu mỡ, có bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu, Hà Nam có lợi thế để phát triển nhiều loại cây trồng thuộc nhóm cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, đồng cỏ chăn nuôi và mặt nước nuôi trồng thuỷ đặc sản. Ngoài ra, nguồn lao động tương đối dồi dào là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Được quan tâm đầu tư đúng mức theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nông nghiệp của Hà Nam đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Các công trình thuỷ lợi như kênh, mương, trạm bơm phục vụ cho ngành nông nghiệp được đầu tư thoả đáng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nam khai thác hiệu quả các thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cũng là lợi thế để Hà Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình là Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 21-5-2001 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 365/KH-UB ngày 12-6-2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn với những chương trình, dự án cụ thể mà trọng tâm là 10 chương trình kinh tế trọng điểm. Trong đó có chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trũng; chương trình sản xuất giống lúa chất lượng cao; chương trình chăn nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu; chương trình sind hoá đàn bò; chương trình nuôi bò sữa và chương trình trồng dâu, nuôi tằm,... Những kết quả đáng tự hào Trong 10 chương trình trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp, chương trình giống được coi là khâu đột phá, làm nên cuộc "cách mạng" về giống cây và giống con. Về giống cây lương thực, Hà Nam ưu tiên phát triển và đưa vào sản xuất các giống lúa mới, giống lúa thuần, giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao như: Tạp Giao 1, Tạp Giao 4, lúa lai 2 dòng, Khang Dân 18, Bắc Ưu 164, Bắc Ưu 903, Q5 thay thế các giống lúa cũ có năng suất thấp. Đặc biệt, ngành đã thực hiện thành công chương trình tự sản xuất giống lúa lai F1 và trở thành địa phương đứng thứ hai trong cả nước về sản xuất giống lúa lai F1, đáp ứng cơ bản nhu cầu giống lúa lai của tỉnh. Nhờ vậy, năng suất lúa tăng từ 97,81 tạ/ha (năm 1997) lên 106,7 tạ/ha (năm 2005) ; sản lượng lương thực tăng tương ứng từ 399,7 nghìn tấn lên 419 nghìn tấn. Trong những năm qua, sản xuất cây vụ đông đã được đầu tư, mở rộng. Diện tích gieo trồng cây vụ đông hàng năm đạt 12- 13 nghìn ha,... Cơ cấu giống cây vụ đông từng bước được chuyển đổi sang các giống có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, dưa bao tử, bí xanh, lạc, đậu tương,... Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, ngành đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật tới từng hộ nông dân, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại. Ngành đã chuyển 2.000 ha đất trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang sản xuất đa canh, nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng ruộng được cải tạo theo hướng một vụ trồng lúa - một vụ nuôi trồng thuỷ sản (cá chim trắng, tôm càng xanh, cá trắm, cá chép,...). Nhiều mô hình sản xuất đa canh đã bước đầu thành công, cho thu nhập 45 - 50 triệu đồng/ha. Trong chăn nuôi, hàng loạt giống vật nuôi mới đã được đưa vào sản xuất như: lợn siêu nạc, bò lai sind, ngan Pháp, gà Tam hoàng, gà Quế Lâm,... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi bình quân đạt 6,71%/năm, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 25,5% (năm 2001) lên 31,3% (năm 2005). Thực hiện chương trình trọng điểm phát triển chăn nuôi bò sữa, toàn tỉnh đã hình thành 3 cụm chăn nuôi bò sữa là Khả Phong - Ba Sao (huyện Kim Bảng), Thành Hà (Thanh Liêm), Mộc Bắc - Chuyên Ngoại (Duy Tiên),... cung cấp cho Nhà máy sữa Hà Nội trên 1 tấn sản phẩm/ngày. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng chương trình và cho nhập thêm 150 con bò sữa. Phấn đấu đến năm 2010, Hà Nam sẽ có 4.000 con bò sữa. Với những bước chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ đúng hướng, mặc dù tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm tương đối trong cơ cấu kinh tế, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng bình quân 4,1%/năm (đạt 38 triệu đồng/ha canh tác năm 2005). Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng nhanh và cao so với trồng trọt, năm 2005 đạt 31,3%. Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Hà Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, bình quân diện tích đất canh tác mới đạt 650 m2/người đã hạn chế khả năng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Người nông dân chưa có tập quán sản xuất hàng hóa, trình độ khoa học - kỹ thuật, trình độ quản lý sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại còn yếu; chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao. Để khắc phục những khó khăn và phát huy những kết quả đã đạt được, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Hà Nam là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển mạnh chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Thực hiện quy trình kỹ thuật và công nghệ tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Phát triển công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch, tập trung vào chế biến các mặt hàng nông sản, chế biến thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu,... Đồng thời, ngành cũng sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là các sản phẩm có lợi thế. Trong đó:
Trong lĩnh vực trồng trọt: ngành tích cực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa siêu cao sản, diện tích lúa hàng hoá, phấn đấu đạt 15 - 20% diện tích/vụ, quy hoạch vùng trồng một số giống lúa đặc sản, có chất lượng cao. Cùng với đó, ngành cũng từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng có giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm và hộ sản xuất đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản: tập trung phát triển ngành chăn nuôi và thuỷ sản, chú trọng các con nuôi bản địa truyền thống, có hiệu quả kinh tế cao, cung cấp cho thị trường, nhất là thị trường Hà Nội và hướng tới xuất khẩu; tập trung mở rộng nuôi trồng các giống thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế như: ba ba gai, cá quả, tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính,... Trong đó, ngành sẽ khai thác triệt để diện tích đất đai vùng ruộng trũng để nuôi trồng thuỷ sản, cung ứng đầy đủ các loại giống thuỷ đặc sản cho các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi vùng ruộng trũng sang sản xuất đa canh. Bên cạnh đó, ngành cũng từng bước duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm, gia súc, nâng cao hiệu quả chương trình sind hoá đàn bò, chương trình phát triển đàn bò sữa và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Về thuỷ lợi, đê điều: ngành tích cực triển khai xây dựng các công trình quan trọng về kết cấu hạ tầng nông nghiệp như: tường kè Phủ Lý, cơ sở hạ tầng vùng phân lũ sông Đáy, kiên cố hoá kênh tưới cấp I, II,... Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn và cho phép khởi công trạm bơm Kinh Thanh II, chuẩn bị đầu tư dự án mở cống Tắc Giang. Về phát triển nông thôn: tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các làng nghề truyền thống, hạ tầng thương mại, bến bãi tập kết vật tư nông nghiệp, nông sản,... tăng cường liên kết "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chọn và tạo giống mới, đưa giống mới có giá trị vào sản xuất đại trà; tổ chức tốt hoạt động của mạng lưới khuyến nông, lâm, ngư, khuyến công; tiếp tục đẩy mạnh công tác thú y, bảo vệ thực vật để chuyển giao kịp thời các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và phòng trừ dịch bệnh. Những thành quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng đã khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp Hà Nam trong quá trình chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiến nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Một số kiến nghị- Nhà nước cần có những đề tài chiến lược, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho những vùng sinh thái nhất định. Trên cơ sở đó, Nhà nước quy hoạch phát triển vùng kinh tế hàng hóa. - Nhà nước tiếp tục có những chính sách đầu tư thoả đáng cho các trạm, trại sản xuất giống cây, giống con, đưa các trạm, trại trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. - Nhà nước cần ban hành những chính sách thiết thực, cụ thể hóa các chính sách như: chính sách thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chính sách khuyến khích cán bộ, nhất là cán bộ khoa học - kỹ thuật về công tác tại cơ sở; chính sách đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp,...
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Hà Nam
|
|||||||||||||||||||||