Hiện nay, hàng loạt các chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã khiến nhiều hộ nuôi bò sữa Hà Nội gặp khó. Thực hiện các giải pháp đồng bộ giảm chi phí đầu vào hợp lý, lấy công làm lãi nhằm duy trì các vùng chăn nuôi bò sữa trụ vững trong cơn bão giá đang được nhiều hộ dân áp dụng thành công.
Đến thời điểm hiện tại tổng đàn bò sữa của Hà Nội là 8.750 con (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2010) nhưng người nông dân đang phải gồng mình với các chi phí đầu vào tăng mạnh. Anh Nguyễn Hồng Kỳ ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay giá TĂCN tăng chóng mặt, giá một bao cám cho bò sữa loại 40kg tăng thêm 60.000 đồng, lên mức 320.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá sữa chỉ được điều chỉnh tăng thêm có 500 đồng/kg (hiện là 10.500 đồng/kg). Với 6 con bò đang cho khai thác trên 50kg sữa/ngày, tổng thu từ đàn bò mỗi ngày trên 500 nghìn đồng. Giá sữa chỉ tăng vài trăm đồng/lần nhưng giá cám mỗi lần tăng vài chục nghìn đồng/bao. Với mức giá chênh lệch như vậy, dù nuôi bò sữa chỉ có lãi chút ít nhưng trừ cả chi phí thức ăn như cỏ xanh, tiền điện… thì chỉ lấy công làm lãi.
Theo anh Nguyễn Thành Ba, chủ hộ nuôi bò xã Thanh Mai, Thanh Oai, hiện tại với đàn bò hơn 20 con, trong đó 15 con cho sữa, sử dụng lượng TĂCN lên tới 60 kg/ngày. "Gần 4 tháng qua, giá thức ăn tinh tăng 4-5 lần, các loại thức ăn thô khác như hèm bia, cỏ rơm… cũng tăng 30-50%. Bã bia từ 17.000-18.000 đồng/kg, nay lên 22.000-23.000 đồng/kg, 1 xe rơm tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng 10 lần thì giá thu mua sữa của các nhà máy chỉ tăng 2 lần". Trung bình một tháng trang trại của anh cho 4,5 tấn sữa tươi, thu từ 80-90 triệu đồng nhưng khi trừ các chi phí đầu vào, anh chỉ lãi trên 10 triệu đồng không kể công chăm sóc, tiền cỏ xanh do trang trại tự trồng được 1 hécta... Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn nhận định, do chăn nuôi bò sữa ít rủi ro về dịch bệnh và không lỗ nặng như chăn nuôi lợn, gia cầm nên vẫn bảo đảm có lãi dù ít hơn trước 30%, nhưng nông dân chủ yếu lấy công làm lãi để duy trì đàn bò. Thực tế nông dân chưa bao giờ nhận được giá sữa như các công ty công bố ở mức gần 11.000 đồng/kg mà chỉ nhận được ở mức từ 10.000 đến 10.300 đồng/kg, cá biệt có hộ chỉ nhận được 9.800 đồng/kg do sữa chưa đạt chất lượng yêu cầu của công ty. Khâu trung gian thu mua hưởng chênh lệch ít nhất 300 đồng/kg.
Liên kết trong sản xuất
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho rằng, người nuôi bò sữa phải trang bị cho mình những "vũ khí" thiết yếu để thích ứng với các cơn "bão giá" như chăn nuôi theo kế hoạch, tăng cường đầu tư chuyên sâu trang thiết bị kỹ thuật, kiến thức…Thực tế giá TĂCN tăng mạnh trong thời gian qua ngoài nguyên liệu nhập khẩu tăng, 1 bao TĂCN dân phải mua qua đại lý cấp 3-4, mỗi cấp giá lại đội lên 5-10%, rất ít nông dân mua được trực tiếp từ nhà máy, các DN kinh doanh TĂCN. Do đó, nếu như các hộ chăn nuôi bò sữa liên kết lại với nhau thành chi hội hay các hợp tác xã mua trực tiếp từ DN sản xuất TĂCN sẽ giảm giá thành đến 20%. Sản phẩm sữa đều tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, các hộ phải đẩy mạnh tổ chức hợp tác liên kết xây dựng mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, loại trừ khâu trung gian.
Bên cạnh việc liên kết hỗ trợ để giảm giá thành đầu vào, tăng giá bán sữa, nông dân cần linh hoạt trong sử dụng TĂCN, đặc biệt là sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR cho bò sữa. Với cách này, các hộ chăn nuôi sẽ giảm bớt được khoảng 10% thức ăn cho bò. Đây là phương pháp trộn thức ăn hỗn hợp theo khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng xơ, đạm, béo, khoáng, vitamin… nhằm đáp ứng nhu cầu của bò để khai thác được lượng sữa cao nhất với chất lượng tốt nhất. Tận dụng được nhiều loại nguyên liệu như cỏ khô, cỏ ủ, ngũ cốc, nhất là các loại phụ phế phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó là việc tăng diện tích trồng cỏ và liên kết khai thác nguồn thức ăn thô xanh ở các tỉnh lân cận; tổ chức cho ăn hợp lý, chống lãng phí để giảm giá thành chăn nuôi. Mặt khác, các DN cần có cơ chế thu mua sữa hợp lý, với hình thức nhà nước, DN chế biến và nông dân cùng thỏa thuận, quyết định giá sữa phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà chế biến sữa và nông dân. Giá thu mua gắn với chất lượng sữa; đa dạng hình thức thu mua; gắn trạm thu mua sữa của công ty với các trang trại, HTX, để giảm thu mua qua trung gian. Và cuối cùng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân để phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi…
(Theo Quỳnh Dung/HNMO)