Các tỉnh phát triển ngành sữa
HÀ NỘI - Nghề nuôi bò sữa ở ngoại thành Hà Nội: Thiếu quy hoạch
Quy mô nhỏ, chăn nuôi phân tán
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội: Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn thành phố là 199.639 con, trong đó bò sữa 7.009 con, bò thịt, bò sinh sản là 192.681 con, chủ yếu nuôi tập trung tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai... Hiện tại, các hộ chăn nuôi bò sữa đã yên tâm không lo "đầu ra", bởi lượng sữa tiêu thụ thuận lợi giá cả hợp lý. Trên địa bàn thành phố có 5 công ty chế biến sữa quy mô lớn cam kết bảo đảm tiêu thụ hết lượng sữa bò cho nông dân với công suất 280 tấn/ngày và hơn 100 cơ sở chế biến sữa khác quy mô nhỏ với công suất 5-7 tấn/ngày. Tuy nhiên, người nuôi bò sữa còn gặp nhiều khó khăn như kiến thức và kỹ năng chăn nuôi còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Đa số nông dân mắc những sai lầm cơ bản như sử dụng quá nhiều thức ăn hỗn hợp, vừa tăng chi phí chăn nuôi, vừa ảnh hưởng đến sinh sản, phát sinh nhiều dịch bệnh... Ngoài ra, hầu hết các hộ không tính toán hiệu quả kinh tế; chăn nuôi còn theo tập quán lấy công làm lãi. Công việc chăm sóc và phòng trị bệnh về sinh sản ở bò sữa của người chăn nuôi còn yếu. Cá biệt vẫn còn trường hợp sữa không bảo đảm chất lượng vệ sinh thú y do chuồng trại bẩn, thức ăn không đủ thành phần dinh dưỡng... Trong khi đó, hệ thống thu mua, bảo quản sữa còn rất hạn chế ở các vùng mới phát triển bò sữa, còn thiếu các thiết bị lạnh, các dụng cụ chuyên dùng.
Tình trạng chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, số hộ nuôi dưới 10 con chiếm 85%, việc nuôi bò theo kiểu phân tán, nhỏ lẻ sẽ không bảo đảm chất lượng sữa làm tăng chi phí trong thu mua, vận chuyển, bảo quản sữa. Hiện tại chỉ mới 5% số hộ tham gia vào các chi hội, HTX chăn nuôi bò sữa. Điều này làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất lớn dẫn đến khó khăn trong việc ứng dụng đồng bộ công nghệ mới, thiếu sự liên kết hỗ trợ giúp nhau tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành chăn nuôi. Bên cạnh đó, đàn bò đực giống chủ yếu vẫn được tạo từ đàn bò sinh sản trong dân, chất lượng bò đực giống không đồng đều, khâu quản lý và theo dõi giống còn hạn chế. Ngoài ra, một bất cập khác là vấn đề hỗ trợ vốn chưa tạo điều kiện cho nông dân mở rộng chăn nuôi. Ông Nguyễn Thành Ba, xã Thanh Mai (Thanh Oai) cho biết: Hiện tại gia đình anh nuôi 20 con bò sữa, hiện nay "đầu ra" đã giải quyết được, nhưng vốn vẫn là bài toán nan giải. Trên thực tế, nếu vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất phải có sổ đỏ để thế chấp nhưng chỉ được vay vốn tối đa 1-2 năm, nên rất khó khăn cho người nông dân khi muốn mở rộng sản xuất.
Tháo gỡ cơ chế, chính sách
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho rằng, để chăn nuôi bò sữa có hiệu quả trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng giống, cung cấp giống tốt cho thị trường. Nâng cao chất lượng đàn bò sữa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, chọn lọc giống bò sữa bảo đảm tiêu chuẩn giống, nâng cao chất lượng sữa. Thâm canh cỏ cao sản để tạo nguồn thức ăn có chất lượng cao cho chăn nuôi bò sữa. Hình thành và nâng cao năng lực các chi hội, HTX chăn nuôi bò sữa ở các xã theo hướng khép kín chuỗi sản xuất, thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho xã viên. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo quy mô lớn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật vắt sữa, an toàn vệ sinh thực phẩm sữa. Đề nghị các nhà máy chế biến sữa ổn định cơ chế thu mua phù hợp, bảo đảm nông dân có lãi để tái đầu tư mở rộng sản xuất; gắn trạm thu mua với các trang trại hoặc với hội chăn nuôi, giảm thu mua hộ lẻ qua trung gian.
Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Trong thời gian tới, để phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp đã đề nghị thành phố dành kinh phí khuyến khích phát triển chăn nuôi bò theo chiều sâu. Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi bò sữa, vùng trồng cỏ... tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Những địa bàn quy hoạch bố trí đầu tư chăn nuôi phải bảo đảm có đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi để phát triển trồng cỏ và chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô tối thiểu 20 con bò sữa trở lên. Đề nghị thành phố có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khâu dịch vụ phục vụ chăn nuôi bò sữa như xây dựng hệ thống thu gom sữa tươi, dịch vụ thức ăn, vật tư, thụ tinh nhân tạo và công nghiệp chế biến. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người nuôi bò sữa, hỗ trợ chăn nuôi bò sữa phát triển, khai thác tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Quỳnh Dung