Các tỉnh phát triển ngành sữa

Kỳ vọng 2.000 bò sữa...

Di Linh được xem là huyện “vùng ven” trung tâm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng; là huyện cận kề với trung tâm bò sữa Đức Trọng và Đơn Dương nên có những lợi thế nhất định trong phát triển vật nuôi này....

 Tính đến năm 2014, toàn huyện Di Linh chỉ có 43 con bò sữa; đến nay, con số này tăng lên khoảng 200 con.

 

 Ông Lê Viết Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Di Linh gần 58.000ha; trong đó, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều, nhất là các sình lầy nên có thể khai hoang phục hóa để trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò sữa”.

 

 Cũng theo ông Lê Viết Phú, theo kế hoạch, đến năm 2020, Di Linh phấn đấu đạt tổng đàn bò sữa gần 2.000 con.

 

 Rộng hơn, ông Phú nêu quan điểm, hiện Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu trong nước về sữa bò cho người tiêu dùng với khoảng 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi; và tỷ lệ này cũng chỉ là 40% vào năm 2025.

 

 Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sản phẩm sữa bò đủ sức cạnh tranh với các nước khác khi các hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực.

 

 Xét về thị trường, quy mô phát triển tổng đàn bò sữa là không đáng ngại. Một trong những tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực bò sữa là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đưa ra kế hoạch là sẽ phát triển tổng đàn bò sữa của đơn vị từ 110.000 con hiện nay lên 200.000 con vào năm 2020.

 

 Đồng thời, đơn vị cũng sẽ tiếp tục tăng cường sự liên kết với các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi để thu mua hầu hết lượng sữa tươi ở thành phần kinh tế này nhằm phục vụ cho chế biến.

 

 Và, Lâm Đồng là một trong những địa phương được Vinamilk hướng đến trong chương trình phát triển đàn bò sữa của mình.

 

 Như vậy, lãnh đạo huyện Di Linh trong chương trình phát triển đàn bò sữa đã đưa ra hướng đi khá hợp lý là liên kết chặt với Vinamilk ngay từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra.

 

 Ông Lê Viết Phú cho biết thêm, trong thời điểm hiện tại, giá bò sữa giống do Vinamilk cung cấp (chủ yếu là giống bò Úc) có giảm hơn so với trước (từ 75 triệu đồng/con hạ xuống còn 50 triệu đồng/con) nên nông dân Di Linh sẽ mạnh dạn đầu tư hơn.

 

 Cùng với khâu con giống, Di Linh cũng đang quy hoạch đồng cỏ khoảng 152 ha chuyển đổi sang từ 70 ha cà phê già cỗi, 52 ha cây ngắn ngày và 30 ha đất tận dụng ven sông suối.

 

 Về vấn đề tiêu thụ sữa tươi, Di Linh sẽ gắn với Vinamilk bằng những cam kết mang tính lâu dài. Di Linh cũng đang tìm đất để Vinamilk xây dựng 1 trạm thu mua sữa (đầu năm 2016) và sẽ tăng lên 2 – 3 trạm vào năm 2020.

 

 “Trước mắt, vì lượng sữa bò còn ít (hiện Di Linh chỉ có khoảng 60 con bò cho 900 – 1.000 lít sữa mỗi ngày) nên chúng tôi chọn phương án dùng xe bán tải thu gom rồi đưa đi tiêu thụ.

 

 Nhưng trong tương lai, khi đàn bò sữa của huyện nhiều hơn, việc xây dựng điểm thu mua tại chỗ là điều tất yếu” – ông Lê Văn Phú cho biết thêm.

 

 Có thể nói, mục tiêu 2.000 con bò sữa của huyện Di Linh vào năm 2020 là hoàn toàn hợp lý....

  KHẮC DŨNG - ĐÀ VĂN

Nguồn: nongnghiep.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác