Các tỉnh phát triển ngành sữa
Một số mô hình giống bò sữa mới của Việt Nam
1- Mô hình giống và phát triển chăn nuôi bò sữa của Tuyên Quang
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, có đặc điểm chăn nuôi trâu nhiều hơn bò, Tuyên Quang (TQ) chưa có kinh nghiệm về phát triển bò lai và bò sữa. Chính vì vậy tỉnh TQ đã không có danh sách trong Quyết định 167 ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và biện pháp phát triển bò sữa ở VN thời kỳ 2001-2005 và 2010. Nhưng với quyết tâm cao trong chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, lãnh đạo tỉnh đã chủ động xây dựng Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh để trình Chính phủ và xin được tham gia Chương trình bò sữa theo Quyết định 167. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 181/2001/QĐ-TTg ngày 11-11-2001 về việc bổ sung Điều 2 khoản 1 Quyết định 167/200/QĐ/TTg cho các tỉnh TQ và Hà Nam tham gia vào chương trình phát triển bò sữa của VN thời kỳ 2001-2010.
Tỉnh TQ đã chọn cho mình phương án phát triển bò sữa độc đáo so với các tỉnh khác, là tỉnh đầu tiên tự liên hệ với Australia để nhập bò HF với số lượng lớn và thực hiện phương án chăn nuôi tập trung. Trước khi bò về, tỉnh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, các công trình phục vụ chăn nuôi và sản xuất thức ăn xanh. Tháng 5/2002, TQ đã nhập 714 con bò HF từ bang Queensland (Australia) về huyện Yên Sơn. Đàn bò sữa nhập về của TQ có đầy đủ hồ sơ lý lịch cá thể do Hiệp hội giống HF của bang Queensland chứng nhận. Tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ kỹ thuật của Viện Chăn nuôi, Viện Thú y và sự chỉ đạo của Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT). TQ đã tiếp thu các ý kiến cải tiến chuồng nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể, áp dụng phương án chăn nuôi tập trung và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới như vắt sữa bằng máy, dọn chuồng bằng sử dụng áp lực của nước, ủ chua thức ăn, trồng cỏ voi trên đồi.
Sau một năm nhập bò về, đàn bò sữa HF nuôi ở huyện Yên Sơn đã cho sữa tốt, sản lượng sữa bình quân đạt 12 - 15 lít/ngày. Đàn bê sinh trưởng phát triển khá, khối lượng sơ sinh bình quân 26,5 kg, tốc độ tăng trọng đạt 600-710 g/ngày. Đàn bò hậu bị có tuổi phối giống lứa đầu lúc 17 tháng tuổi và thể trọng khi phối giống đạt 360 kg. Tỷ lệ thất thoát đàn bò sữa của TQ nhập về trong thời gian qua khoảng 4,3%. Năm trại chăn nuôi bò sữa, mỗi trại trên 100 con đã được chuyển giao cho người chăn nuôi (cá nhân).
Có thể nói mô hình trồng cỏ voi trên đồi của TQ có quy mô lớn nhất trong cả nước. Trồng cỏ voi trên dồi, trồng ngô làm thức ăn cho bò của dự án đã giải quyết cơ bản nhu cầu cỏ xanh và thức ăn thô cho bò sữa. Tổng số cỏ trồng năm 2002 là 235ha (gồm 144 ha cỏ voi và 91 ha cỏ Ghinê). Năng xuất cỏ voi thâm canh đất bãi đạt 250 tấn /ha, đất đồi 150 tấn/ha, cỏ Ghinê đạt 180 tấn/ha.
Đoàn lãnh đạo Cục Nông nghiệp kiểm tra tình hình chăn nuôi bò sữa tỉnh Tuyên Quang
Năm 2003, TQ tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa và bò thịt mới tại Phú Lâm. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng khu chuồng nuôi hiện đại quy mô 2000 con (400 bò sữa/chuồng) khép kín, vắt sữa bằng máy và rửa chuồng tự động. Để nuôi đàn bò này, thêm 205 ha đất được quy hoạch trồng cỏ thâm canh nuôi bò đưa tổng số diện tích trồng cỏ thâm canh của TQ lên trên 500 ha. Ngày 21/5/2003, 1869 bò hậu bị đã nhập về nuôi tại khu chuồng mới (1763 bò sữa HF, 106 bò thịt Brahman). Đàn bò hậu bị trên đang phát triển tốt và đã được phối giống đạt tỷ lệ thụ thai cao, hiện nay đàn bò bắt đầu cho khai thác những lứa sữa đầu tiên. Bò hậu bị nhập về được dẫn tinh với tinh bò HF cao sản đạt kết quả thụ thai cao.
Từ cuối tháng 3/2004 đến nay, đàn bò nhập năm 2004 đã có 700 bê ra đời, khối lượng sơ sinh bình quân >35 kg, sản lượng sữa (SLS) bình quân >15 kg/ngày. Hiện nay TQ sản xuất 15-16 tấn sữa/ngày, sữa hàng hoá được chuyển về bán cho nhà máy sữa Vinamilk Hà Nội. TQ cũng là tỉnh đầu tiên đang được Cục Nông nghiệp chỉ đạo và Viện Chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Chương trình phát triển bò thịt chât lượng cao từ bê sữa đực. Hiện nay, tại trại bò Phú Lâm và các điểm chăn nuôi khác, hàng trăm bê đực sữa đang được nghiên cứu để nuôi vỗ béo bằng các loại thức ăn thay thế.
Trong tháng 4/2004, TQ đã nhập về 1560 bò hậu bị từ Australia (gồm 800 bò sữa HF và 760 bò thịt Brahmam), đàn bò hiện đang trong thời kỳ nuôi tân đáo, sau đó chúng sẽ được đưa về các cở sở giống của các huyện trong tỉnh.
Tổng đàn bò giống sữa, thịt cao sản của tỉnh trên 4000 con, trong đó có 3000 bò sữa. SLS hàng ngày của Tuyên Quang trên 10 tấn (bình quân đạt 14 kg/con/ngày). SLS trung bình lứa đầu của một số bò đã kết thúc chu kỳ cho sữa đạt 3500-4500 kg/305 ngày.
Một dây chuyền vắt sữa hiện đại cho 60 con/lần vắt của Công ty Delaval (Thuỵ Điển) đang được lắp dặt và sẽ đưa vào vận hành vào quý III/2004. Do mới được xây dựng và đang được hoàn chỉnh nên mô hình chuồng trại, thiết bị và quy mô chăn nuôi và sản xuất giống bò sữa của của TQ là một trong những mô hình chăn nuôi bò sữa mới, hiện đại và quy mô lớn nhất của Việt Nam.
2- Mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa của Sơn La
Sơn La (SL) là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, có cao nguyên Mộc Châu (độ cao > 900 mét so với mực nước biển), là nơi lý tưởng cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Tỉnh SL có Công ty giống bò sữa Mộc Châu (công ty có quá trình chăn nuôi bò sữa gần 40 năm). Hiện nay Công ty có hơn 3.000 bò sữa, trong đó đàn bò HF có nguồn gốc từ Cu Ba trên 2.000 con với trên 1.000 con vắt sữa thường xuyên. SLS bình quân đạt 4.500 kg/chu kỳ và với tổng SLS trên 5.000 tấn/năm. Công ty giống bò sữa Mộc Châu là nơi cung cấp một phần bò giống, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng hệ thống thu mua sữa cho các khu vục chăn nuôi bò sữa của SL.
Năm 2002, trên 900 bò sữa được nhập về cho các hộ chăn nuôi ở Thị xã Sơn La, Mai Sơn và Mộc Châu. Đến nay trên 1.000 bò sữa đã được nhập về và giao cho hơn 200 hộ nuôi (quy mô ít nhất 4-5 con/hộ), tạo nên các vùng, các khu chăn nuôi bò sữa trong toàn tỉnh. Hệ thống thu mua sữa được hình thành để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sữa tươi của nông dân. Phát triển vùng chăn nuôi bò sữa nông hộ tập trung, quy mô 5-10 con/hộ là một trong những mô hình mới của tỉnh SL nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương để tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Dự án sẽ xây dựng các trại tập trung nuôi bò hạt nhân quy mô 250-300 cái sinh sản do các công ty TNHH và Công ty cổ phần làm chủ đầu tư. Các trại này sẽ sản xuất con giống để duy trì quy mô đàn đồng thời cung cấp con giống cho nhân dân trong vùng nhằm mở rộng phát triển chăn nuôi bò sữa.
3- Mô hình giống và phát triển chăn nuôi bò sữa của Thanh Hoá
Thanh Hoá (TH) cũng là một tỉnh chưa có kinh nghiệm phát triển chăn nuôi bò sữa, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm xây dụng dự án bò sữa của tỉnh với mục tiêu là 5.000 con năm 2005 và 30.000 con vào năm 2010.
Hiện nay, tỉnh TH có trên 1500 con bò sữa, trong đó khoảng 1200 con có nguồn gốc từ Newzealand, số còn lại nhập từ Australia. Bò sữa được nuôi tại huyện Triệu Sơn và các xã của huyện Thọ Xuân, theo hai hình thức tập trung và phân tán trong dân. TH là tỉnh có chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa theo con đường CNH-HĐH. Bên cạnh đó, TH đề ra hướng sản xuất con giống cung cấp cho người dân chăn nuôi, tạo ra các vùng, xã, các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi trong nông nghiệp.
Chương trình bò sữa của tỉnh TH do Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư. Tháng 4-2003, đã nhập gần 1000 bò sữa (lai HFxJersey có chửa 3-5 tháng). Trại nuôi bò sữa được xây dựng tập trung, quy mô lớn, hiện đại và có hệ thống xử lý chất thải, được đưa vào sử dụng kịp thời. Vắt sữa bò chủ yếu bằng máy loại Mini. Năm 2003, đàn bò cho sữa có sản lượng bình quân 7-8 tấn/ngày. Đầu năm 2004 hệ thống máy vắt sữa hiện đại đã được lắp đặt với công suất 40 con vắt một lần.
4- Mô hình chăn nuôi bò sữa của Công ty bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh
Đây là mô hình phát triển chăn nuôi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Công ty đã có nhiều thay đổi; mạnh dạn đầu tư vào nhiều công nghệ hiện đại. Các công nghệ mới như quản lý giống, chuồng trại, đồng cỏ thâm canh năng suất cao, có hệ thống tưới phun hiện đại. Phát triển trồng cỏ hỗn hợp thâm canh, năng suất cao và chất lượng tốt. Công ty đã tập trung cho việc đào tạo, xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ ra sản xuất. Chính vì vậy Công ty đã là nơi tham quan, thực tập tốt cho nhiều đoàn cán bộ, nhiều hộ nông dân. Trong những năm qua, Công ty đã sản xuất giống và bán nhiều bò sữa cho các địa phương khác nhau và chuyển giao được nhiều qui trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa vào sản xuất.
Thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM) là địa phương có chương trình phát triển bò tốt, có số lượng bò và SLS nhiều nhất trong cả nước. Tổng đàn bò sữa của Tp nay đạt trên 50% tổng đàn bò sữa của cả nước, khoảng 55.000 con với SLS trung bình khoảng 250 tấn/ngày. Phát triển chăn nuôi bò sữa là một trong những Chương trình kinh tế quan trọng của Tp.
Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đàn bò sữa của nước ta đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Từ tổng đàn bò sữa 41.000 con năm 2001, đến cuối năm 2003 đã có trên 80.000 con và hiện nay khoảng 93.000 con. SLS tươi của cảc nước đã tăng từ 64.000 tấn (2001) lên 126.000 tấn (2003). Dự kiến Chương trình bò sữa của nước ta năm 2004 sẽ đạt kế hoạch của năm 2005 tức là 100 nghìn bò sữa và tổng SLS 150.000 tấn/năm. Nhiều mô hình giống và phát triển chăn nuôi bò sữa mới, hiện đại, quy mô lớn đã xuất hiện trên cả nước đã và đang góp phần quan trọng để đạt mục tiêu về Chương trình phát triển bò sữa của quốc gia 2005 và 2010. Điển hình cho phong trào là các mô hình giống và phát triển chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Thanh Hoá và Tp. Hồ Chí Minh./.
Đỗ Kim Tuyên- Cục Chăn Nuôi