ND- Giải pháp và chính sách tiêu thụ sản phẩm hợp lý đã giúp hàng trăm hộ nuôi bò sữa ở Quảng Ninh yên tâm trong hoàn cảnh thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
"Bão melamine"đã làm cho nhiều hộ nuôi bò trong cả nước lao đao vì thị trường tiêu thụ giảm, sản phẩm không bán được. Thế nhưng ở Quảng Ninh, những hộ dân nuôi bò sữa vẫn yên tâm về đầu ra của sữa, nhờ có giải pháp và cơ chế hỗ trợ hợp lý.
Đông Triều là huyện được tỉnh Quảng Ninh chọn làm điểm thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa (từ tháng 9-2003). Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Quảng Ninh (QUNIMEX) là đơn vị được tỉnh giao trực tiếp quản lý dự án, từ việc lập hồ sơ theo dõi đến thành lập điểm thu mua sữa bò hằng ngày. Hơn 100 hộ dân thuộc bốn xã Bình Khê, Việt Dân, An Sinh và Tràng An đã tham gia dự án chăn nuôi bò sữa, với số lượng hiện có là 410 con. Hộ nuôi nhiều nhất hơn 10 con, hộ ít cũng nuôi từ hai đến ba con bò, tập trung chủ yếu ở xã An Sinh.
Bà Võ Thị Ngọc Dung, Trưởng ban Dự án chăn nuôi bò sữa Quảng Ninh cho biết: Hiện tại, sản lượng sữa từ đàn bò mỗi ngày đạt hơn hai tấn, bảo đảm chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ tháng 6-2005, đơn vị ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi với Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) tại ba điểm (xã An Sinh, Việt Dân và Bình Khê). Cứ hai ngày một lần, Hanoimilk lại đến ba điểm này mua khoảng bốn tấn sữa tươi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của"bão melamine", từ ngày 2-10, Hanoimilk đã thông báo, sẽ giảm lượng sữa thu mua xuống 30% so với trước đây (từ bốn tấn xuống còn ba tấn sữa/hai ngày). Ðứng trước khó khăn mà các hộ nuôi bò sữa đang phải đối mặt, Ban dự án đã xây dựng phương án hỗ trợ người dân như: tăng cường thu mua sữa tại chỗ bán cho các cơ sở sản xuất kem, bánh ngọt, sữa chua... trong tỉnh; hướng tới có thể vận động các doanh nghiệp trong ngành than sử dụng sữa bò tươi của Ðông Triều để phục vụ công nhân sau hoặc giữa ca làm việc. Mặt khác, để giảm lượng sữa vắt trong ngày, bà con điều tiết bằng cách cho cạn sữa những con bò đã đến thời kỳ cạn sữa; hoặc đối với những con bò đang vắt sữa bình thường sẽ giảm lượng thức ăn trong ngày, nhất là thức ăn tinh.
Qua tìm hiểu và trao đổi ý kiến trực tiếp với những hộ dân nuôi bò sữa ở bốn xã Bình Khê, Việt Dân, An Sinh và Tràng An, chúng tôi được biết: Ðến thời điểm này, người nuôi bò sữa ở đây chưa ảnh hưởng lớn đến việc thu mua sữa. Mỗi con bò cho từ 15 đến 20 kg sữa/ngày, với giá bán 7.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đã trở nên khá giả từ việc nuôi bò sữa. Chị Lê Thị Nói ở thôn Ðồng Dung, xã An Sinh, Ðông Triều cho biết:"Gia đình đầu tư hết vào chăn nuôi bò sữa, vì vậy mong muốn tỉnh cũng như ban quản lý dự án làm sao ổn định đầu ra cho sản phẩm sữa tươi của gia đình và bà con trong thôn". Anh Lê Văn Tuyến là một trong những hộ chăn nuôi nhiều bò (sáu con) ở thôn Ðồng Dung xã An Sinh (Ðông Triều) tâm sự: Gia đình bỏ trồng lúa để dành đất trồng cỏ (thức ăn cho bò) từ mấy năm nay. Nếu bò không mắc dịch bệnh, thì bình quân mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ tiền bán sữa. Theo anh Tuyến, việc chăn nuôi bò sữa rất phù hợp điều kiện khí hậu và kỹ năng chăn nuôi của gia đình cũng như các hộ dân trong xã. Trong thời gian tới anh sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển và nhân giống đàn bò sữa của gia đình, hướng tới không phải nhập giống bò từ địa phương khác.
Tuy nhiên, về lâu dài, những người dân ở Ðông Triều vẫn chưa yên tâm về thị trường đầu ra cho sữa và việc nhân giống bò. Quy trình chăn nuôi còn manh mún, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự cung, tự cấp chưa nâng lên thành sản xuất hàng hóa.
Mục tiêu của dự án chăn nuôi bò sữa của Quảng Ninh đến năm 2010 đạt 1.000 con. Ðể đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các hộ dân. Cụ thể mua giống ban đầu, một hộ dân được vay vốn từ nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 triệu đồng/con (tỉnh hỗ trợ lãi, ngân hàng cho vay vốn), đồng thời được hỗ trợ không hoàn lại hai triệu đồng/con. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ bảo hiểm cho bò như: trường hợp gặp rủi ro trong chăn nuôi, tỉnh sẽ hỗ trợ 10% trị giá mua một con trong vòng ba năm nuôi, và mức hỗ trợ 60% đối với bò bị chết, 30% đối với bò nuôi không đạt tiêu chuẩn (dị tật, vô sinh). Từ tháng 7-2008 đến nay, mỗi hộ nuôi còn được hỗ trợ thêm hai triệu đồng cho một con bê đạt tiêu chuẩn (hai tháng tuổi). Số bê này được chủ dự án xây dựng quy trình tuyển chọn, lập hồ sơ, đánh dấu số hiệu riêng biệt và được theo dõi, quản lý bằng hệ thống phần mềm...
Từ tháng 1-2009, dự án chăn nuôi bò sữa sẽ được tỉnh Quảng Ninh chuyển giao cho huyện Ðông Triều quản lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ dân ở địa phương tiếp tục nhân rộng và phát triển đàn bò sữa lâu dài.
QUANG THỌ