Các tỉnh phát triển ngành sữa

Phát triển chăn nuôi bò sữa ở ngoại thành: Hướng đi đúng

Trong vài năm trở lại đây, đàn bò sữa tại nhiều vùng ở ngoại thành có sự phát triển mạnh về số lượng nhờ đầu ra được đảm bảo, giá thu mua sữa ổn định. Chăn nuôi bò sữa đang dần khẳng định là hướng đi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thu nhập cao

Đến xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, một trong 7 vùng nuôi bò sữa trọng điểm của TP Hà Nội thời điểm này, chúng tôi thấy được sự phấn khởi hiện lên gương mặt của nhiều người dân. Nuôi 10 con bò sữa, trong đó 9 con đang cho khai thác nên vợ chồng chị Phùng Thị Oanh, thôn 2, xã Phượng Cách lúc nào cũng bận rộn. Chị Oanh chia sẻ: “Mỗi ngày, nhà tôi thu được trên 100kg sữa, với giá thu mua từ 11.800 - 12.000 đồng/kg. Hiện chăn nuôi bò sữa hiện mang lại hiệu quả cao nhất trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Ông Nguyễn Đắc Hải, Chủ tịch UBND xã Phượng Cách cho biết, toàn xã có 20 hộ dân nuôi bò sữa với tổng số 170 con, trong đó, 108 con đang cho vắt sữa, bình quân 14kg sữa/con/ngày. Với mức giá thu mua hiện nay, mỗi hộ thu lãi bình quân 300.000 đồng/ngày. Những hộ nuôi nhiều có thể thu từ 1 - 2 triệu đồng/ngày. Nhờ có chăn nuôi bò sữa, thu nhập bình quân của người dân xã Phượng Cách đã được nâng lên, hiện đạt 13,5 triệu đồng/người/năm.

Tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, đàn bò sữa cũng có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng. Đến nay, toàn xã có 1.500 con bò sữa, tăng 200 con so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có khoảng 1.000 con đang cho sữa, bình quân 12 - 13kg sữa/ngày. Ông Bùi Hoàng Long, Chủ nhiệm HTX NN xã Vân Hòa cho biết, chăn nuôi bò sữa vẫn là hướng đi hiệu quả trên vùng đất gò đồi. Bình quân mỗi con bò cho vắt sữa 8 tháng/năm, sản lượng đạt khoảng trên 2 tấn sữa. Với giá thu mua sữa hiện từ 11.500 - 12.050 đồng/kg, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/con/năm.

Cần được đồng hành

Mặc dù giá thu mua sữa nguyên liệu tương đối ổn định, song nhiều nông dân cho rằng, mức giá mà các công ty đang thu mua vẫn chưa thỏa đáng. Bởi lẽ từ thời điểm Tết âm lịch đến nay, các hãng sữa lần lượt tăng giá sữa thành phẩm trong khi đó giá thu mua sữa nguyên liệu vẫn giữ nguyên. "Giá thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất tăng nhưng giá thu mua sữa nguyên liệu không tăng, người chăn nuôi phải chịu thiệt nhất" - ông Long bày tỏ.

Cũng theo ông Long, tại xã Vân Hòa, việc tăng nhanh đàn bò sữa đã khiến môi trường nông thôn bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu không được quy hoạch ra ngoài khu dân cư và có biện pháp hỗ trợ người dân làm hầm biogas, chăn nuôi bò sữa rất có thể sẽ tạo nên những hệ lụy xấu. Tương tự, tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, mặc dù đã quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung với 26ha, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Lý Đình Xiêm, Trưởng ban Thú y xã Phượng Cách chia sẻ, bò sữa cần không gian rộng làm sân chơi, tránh các bệnh về chân móng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích chật hẹp, nhiều hộ dân muốn nuôi nhưng không có điều kiện về chuồng trại. Cùng với đó là khó khăn về vốn, bởi chăn nuôi bò sữa hiện nay cần đầu tư lớn, giá mỗi con bò giống lên tới 20 - 30 triệu đồng.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2020, Bộ NN&PTNT xác định chăn nuôi bò sữa là một trong lĩnh vực mang lại giá trị cao. Do đó, để chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương cần tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.

Nguồn: KTĐT
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác