Các tỉnh phát triển ngành sữa
Phát triển chăn nuôi mang đậm nét riêng của Thủ Đô
Hiện tại Trung tâm có 85 cán bộ (khối văn phòng là 28 cán bộ, tại 16 trạm Phát triển chăn nuôi các huyện, thị xã là 56 cán bộ). Trình độ chuyên môn có 4 Thạc sỹ nông nghiệp(5%), 35 cán bộ có trình độ Đại học (41%). 22 cán bộ có trình độ Cao đẳng (26%), 24 cán bộ có trình độ trung cấp (28%). Chức năng, nhiệm vụ chính của Trung tâm là giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội thực hiện các chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố, trong đó trọng tâm là xây dựng vùng chăn nuôi , xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, nâng cao chất lượng giống và cải thiện điều kiện chăn nuôi để thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố phát triển hiệu quả, bền vững.
Với 10 năm xây dựng và phát triển, trung tâm đã có những thành tựu đáng kể được các cấp các ngành ghi nhận. Đối tượng đầu tiên tác động là bò sữa, một đối tượng chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao song đầy rủi ro và đòi hỏi kỹ thuật cao. Năm 2001 khi có quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngành chăn nuôi bò sữa mới bắt đầu được quan tâm chú trọng tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên thời điểm đó với bao khó khăn vì người dân chưa có kinh nghiệm, điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam là vùng nhiệt đới, nhất là ở Miền Bắc việc đưa bò sữa vào phát triển sẽ là rất khó khăn. Với chủ trương là phát triển chăn nuôi bò sữa tại các xã, huyện có điều kiện, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung phát triển ở một số vùng có điều kiện thuận lợi về diện tích đất đai, điều kiện về kinh tế xã hội và tập quán sản xuất phù hợp ở một số huyện như Bà Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng. Mỹ Đức. Cái khó nhất là người dân chưa có kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật. Bước đầu Trung tâm thực hiện là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về bò sữa, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vay vốn và tuyên truyền để người dân đi vào chăn nuôi bò sữa. Cuối năm 2001 đàn bò sữa của Hà Nội khởi điểm với hơn 3.000 con (Trong đó tỉnh Hà Tây 1.035 con, thành phố Hà Nội 1.987 con), năng suất sữa bình quân 3.400 con/chu kỳ. Giai đoạn 2004-2006 đàn bò sữa phát triển nhanh, mạnh song thực sự chưa có tính bền vững với trên 6 ngàn con nhưng việc tiêu thụ sữa tại thời điểm có quá nhiều khó khăn do Nhà máy, Công ty chế biến sữa còn ít, thị trường tiêu dùng sữa chưa phát triển nên người chăn nuôi chăn nuôi sản xuất ra sữa không có nơi tiêu thụ ổn định. Mặt khác do phát triển chăn nuôi bò sữa theo phong trào, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán khắp mọi nơi, người chăn nuôi chưa đủ kinh nghiệm, trình độ chăn nuôi và điều kiện về kinh tế dẫn đến nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh lao đao về bò sữa. Đàn bò sữa có chiều hướng giảm mạnh còn trên 4 ngàn con, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyền nghề khác, cũng vì thế mà tại thời điểm này xu thế chung là đàn bò sữa cả nước biến động giảm mạnh.
Nhận thức rõ việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải có lộ trình, chiến lược đúng và phải phát huy sức mạnh tổng hợp mới đến thắng lợi, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các Trạm thu gom sữa( nay là Trạm Phát triển chăn nuôi các huyện, thị xã), liên kết doanh nghiệp chế biến sữa và phát triển thị trường tiêu thụ sữa thông qua tuyên truyền và phát động chương trình “Sữa học đường”. Bên cạnh đó là đào tạo nhân lực, xác định vùng chăn nuôi. Thực hiện việc đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa chi nông dân, cải thiện điều kiện cho người chăn nuôi về con giống, chuồng trại thức ăn dinh dưỡng, vệ sinh thú y. Đến nay đàn bò sữa đã có bước đi khởi sắc đảm bảo tính hiệu quả bền vững đó là xây dựng được vùng, xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa. Tổng đàn bò sữa tại thời điểm là 9.899 con tăng 1.429 con(16,4%) so với cùng kỳ năm 2010. Quy mô chăn nuôi: có 2.779 hộ nuôi, quy mô bình quân 3,5 con trên hộ trong đó, hộ nuôi 1-2 con (839 hộ), hộ nuôi 3-5 con (1.674 hộ), hộ nuôi 6-10 con (240 hộ),hộ nuôi từ 10-20 con (36 hộ), hộ nuôi trên 20 con (20 hộ). Năm 2010 sản lượng sữa tươi toàn thành phố đạt 58,8 tấn/ ngày, năng suất sữa là 4.200 kg/ chu kỳ 305 ngày. Đến nay sản lượng sữa bò tươi của toàn thành phố đạt 87,8 tấn/ngày tăng 49,3% so với năm 2010, năng suất sữa đạt 4.400kg/chu kỳ. Chất lượng đàn bò sữa được cải thiện rõ nét mang lại hiệu quả kinh tế cao với cơ cấu giống bò thuần chủng (10%), HFF3(62%), HFF2(18%), HFF1(10%). Trung tâm luôn là cầu nối để các Doanh nghiệp thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, hiện nay trên địa bàn thành phố có 60 điểm thu mua sữa của 8 Nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa thuộc 7 Công ty như Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP),Cổ phần sữa Ba Vì, Anco, Bánh sữa Ba Vì, Phonuimilk, Hanoimilk, Vinamilk. Giá sữa bình quân đạt 11.400đ/kg (tăng 2.800đ/kg so với cùng kỳ năm 2010). Hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa là rõ nét, người dân đã và đang yên tâm, mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi bò sữa mà không còn phải lo ngại như trước đây.
Điểm nổi bật nữa trong chăn nuôi bò sữa là trong 3 năm (2009-2011) xây dựng được 8 xã chăn nuôi trọng điểm như Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, (huyện Ba Vì), Trung Mầu, Dương Hà, Phù Đổng (Gia Lâm) Phượng Cách (Quốc Oai) và Vĩnh Ngọc (Đông Anh) với tổng đàn bò sữa là 2.508 hộ, tăng 339 hộ so với cùng kỳ, sản lượng sữa bò tươi tại 8 xã trọng điểm là 70.068 kg/ ngày chiếm trên 80% lượng sữa toàn Thành phố. Xã Vân Hòa là một trong những xã điển hình có tốc độ phát triển nhanh, năm 2008 có trên 300 con, đến nay (thời điểm tháng 11/2011) tổng đàn 1.720 con (570 hộ nuôi), hiệu quả chăn nuôi bò sữa là rõ nét, chăn nuôi của xã hiện chiếm 60% cơ cấu nông nghiệp trong đó chủ yếu từ chăn nuôi bò sữa.
Năm 2006, Trung tâm được nhận thêm nhiệm vụ về phát triển chăn nuôi bò thịt
Tháng 3/2010 khi được bổ sung chức năng phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm; Trung tâm hướng đến các trang trại các khu chăn nuôi tập trung để giúp các hộ chăn nuôi đi đúng định hướng phát triển theo vùng chăn nuôi tập trung.
Định hướng trong những năm tới của Trung tâm là phát triển chăn nuôi mang đậm nét riêng của Thủ đô. Do vậy phải; Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung cải tiến về công nghệ chăn nuôi để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng,xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 xây dựng 15 xã chăn nuôi chuyên canh bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Duy trì ổn định số lượng đàn lợn 1,6 triệu con, đàn gia cầm 17 triệu con, đàn trâu bò 220 ngàn con, trong đó bò sữa là 15 ngàn con. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để tăng năng suất chăn nuôi mỗi năm tăng thêm 4-5%, đến năm 2015 đạt 470.000 tấn thịt hơi các loại; 36.500 tấn sữa tươi và 620 triệu quả trứng gia cầm. Xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác phát triển chăn nuôi với các tỉnh bạn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, góp phần bình ổn giá thị trường thực phẩm.
Với những kết quả và định hướng trên Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp các nghành, sự đồng thuận của người chăn nuôi để có bước tiến mới, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của Hà Nội phát triển mang đậm nét riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.