Các tỉnh phát triển ngành sữa
SÓC TRĂNG - Hiệu quả từ nuôi bò ở Sóc Trăng
Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có hơn 80% xã viên là người dân tộc Khmer, sau ba năm thành lập được dự án nâng cao đời sống nông thôn ở Sóc Trăng (Chính Phủ Canada tài trợ không hoàn lại) hỗ trợ với mô hình chăn nuôi bò sữa, hiện được đánh giá thành công và cho hiệu quả cao nhất, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Từ đàn bò sữa nền trong dự án ban đầu là 2.452 con (chuyển giao cho bà con người dân tộc Khmer các xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ ở các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu), đến nay tổng đàn bò sữa được nâng lên là 4.498 con. Đáng mừng là hơn 70% hộ nuôi bò sữa của dự án là xã viên của Hợp tác xã Everrowgh, từ 117 xã viên khi mới thành lập nay tăng lên 903 xã viên. Với sản lượng sữa ban đầu chỉ đạt 1.000 kg/ngày, nay đã tăng lên 5.000 kg/ngày được Công Ty sữa Vinamil Cần Thơ bao tiêu sản phẩm. Nếu chăm sóc tốt người nuôi bò sữa có thu nhập trên 20 triệu/con/năm. Khi triển khai thực hiện nhiều bà con không an tâm lắm bởi từ trước đến giờ tại Sóc Trăng chỉ có nuôi bò địa phương là thích nghi. Tiếp xúc với chúng tôi anh Tăng Văn Điền ở ấp Chắc Tưng-Tài Văn-Mỹ Xuyên thành viên câu lạc bộ nuôi bò sữa phấn khởi cho biết: “Năm 2004 anh được dự án nâng cao đời sống nông thôn Canada (Cida) hỗ trợ cho một con bò sữa nền chăn nuôi để có thu nhập cải thiện đời sống. Được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa sinh sản và cách quản lý chăm sóc bò sữa, anh được Ngân hàng chính sách tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ vốn xoá đói giảm nghèo, tiếp tục mua thêm một con bò sữa, cùng với sự chuyên cần chăm sóc mát tay nên đàn bò của anh phát triển rất tốt được 6 con, anh đã bán 2 con đực còn lại 4 con đang cho sữa từ 60-65 kg/ngày (bình quân 15-18 kg/con/ngày), bán cho Hợp tác xã Evergrow tiêu thụ cung cấp cho Công ty sữa Vinamil Cần Thơ, với giá 8.000 đồng/kg, nhờ sữa có giá nên hiện nay trừ chi phí anh lãi trên 65.000-80.000 đồng/con/ngày”. Phương Nghi
Trước đây, nuôi bò là nghề truyền thống lâu đời của bà con Khmer Sóc Trăng tập trung nhiều ở Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu. Để nâng giá trị bò cho sản phẩm thịt tốt, có trọng lượng, mau lớn… những năm gần đây, bò lai sind đã thoả mãn được nhu cầu của người nuôi phù hợp với điều kiện đất đai Sóc Trăng. Những năm qua ở Sóc Trăng bò lai sind được coi là vật nuôi xoá đói giảm nghèo nhanh cho hộ Khmer nghèo, còn những hộ có điều kiện nuôi bò có thể làm giàu. Vì thế nhiều gia đình nông dân đã tranh nhau “tậu” cho bằng được bò lai sind để nuôi. Thời gian qua, để giúp nông dân xóa nghèo, Hội Nông dân các huyện đã hỗ trợ vốn vay cho mỗi hộ dân để nuôi bò và tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Do vậy, đàn bò ở Sóc Trăng ngày càng tăng và phát triển nhanh lên đến 40.000 con.
Nghề nuôi bò ở xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 200 hộ nuôi bò với tổng đàn gần 1.850 con. Trong đó bò lai sind có 1.600 con còn lại là bò sữa. Việc lai sind hóa đàn bò tại xã vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình trợ giá trợ cước (Chương trình 135), chương trình hỗ trợ hộ dân tộc nghèo, vốn vay chương trình xoá đói giảm nghèo. Khi triển khai thực hiện nhiều bà con không an tâm lắm bởi từ trước đền giờ tại Phú Mỹ chỉ có nuôi bò địa phương là thích nghi. Nhưng hiện nay, mô hình này đang phát huy hiệu quả vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập cho hộ gia đình. Bò lai sind một năm tuổi hiện có giá bán khoảng 4,5-5 triệu đồng/con, còn có nguồn phân chuồng nuôi trùn quế bán được 50.000 đồng/kg, phân trùn quế bón cho các loại cây trồng. Anh Thạch Đơ ở ấp Khoan Tang, Thị Trấn Long Phú-Long Phú, từ 4 con bò cái địa phương, anh được Hội Nông dân huyện hỗ trợ mua một con bò đực giống Zêbu để lai tạo với bò địa phương; được trạm khuyến nông hướng dẫn xây dựng chuồng, chăm sóc phòng bệnh và cách trồng cỏ… do áp dụng đúng qui trình kỹ thuật nên bò phát triển rất tốt, được tiêm ngừa vắc xin, xổ lãi đúng định kỳ. Đến nay sau năm năm đàn bò của anh Đơ có 24 con lai, nuôi mau lớn và chúng thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở nơi đây, bán được giá từ 6-8 triệu đồng/con, trị giá đàn bò gần 200 triệu đồng. Hay hộ anh Hồng Tấn Bửu ở ấp Tâm Kiên, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên-Sóc Trăng, bốn năm trước xã phát động phong trào nuôi bò để xoá đói giảm nghèo, được nhiều người hưởng ứng. Vì nuôi bò không phải đầu tư tiền mua thức ăn hằng ngày, chăm sóc đơn giản, thế là anh mạnh dạn xây chuồng, gom góp được 5 triệu đồng và vay Ngân hàng chính sách xã hội mua về 2 con bò cái tơ lai sind trên 15 triệu đồng. Tuy nhiên, giờ đây đàn bò đã phát triển lên 6 con trị giá trên 30 triệu đồng.
Có thể khẳng định mô hình nuôi bò ở Sóc Trăng là hướng đi đúng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.